Mỹ, Hà Lan nhất trí tăng cường trừng phạt Nga

Sau cuộc điện đàm ngày 24/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã nhất trí cần phải áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga do Moskva tiếp tục vũ trang cho lực lượng ly khai ở Ukraine.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết hai lãnh đạo nhận định rằng Nga vẫn chưa có các bước đi nhằm giảm leo thang căng thẳng ở miền Đông Ukraine, 1 tuần sau vụ máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine.

Tuyên bố có đoạn viết: "Hai lãnh đạo nhất trí rằng thay vì hạ nhiệt căng thẳng, tất cả bằng chứng đều cho thấy Nga vẫn tiếp tục vũ trang và hậu thuẫn lực lượng ly khai, những kẻ đang tái diễn hành động gây hấn tàn bạo nhằm vào các lực lượng vũ trang Ukraine". Vì vậy, Tổng thống Obama và Thủ tướng Rutte cho rằng Nga phải trả giá vì gây bất ổn tình hình Ukraine và cộng đồng quốc tế cần áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama.


Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng đã điện đàm với Thủ tướng Australia Tony Abbott và hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng các điều tra viên quốc tế cần tiếp cận ngay lập tức vị trí máy bay MH17 rơi.

Cùng ngày, Canada đã công bố gói biện pháp trừng phạt kinh tế và cấm đi lại mới đối với các cá nhân của Ukraine, cùng với gói trừng phạt kinh tế nhằm vào các thực thể của Ukraine và một loạt thực thể liên quan tới nhiều lĩnh vực của Nga.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Canada Stephen Harper nêu rõ: "Các biện pháp được công bố hôm nay bao gồm lệnh trừng phạt đối với một loạt thực thể trong ngành công nghiệp vũ khí, các lĩnh vực tài chính và năng lượng của Nga, mục đích rõ ràng của chúng tôi là gây thêm sức ép kinh tế và chính trị đối với chế độ của Tổng thống Vladimir Putin".

Ông Stephen Harper nói thêm rằng chính quyền Ottawa cũng sẽ áp đặt trừng phạt nhằm vào "các nhóm ly khai vũ trang được gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk".

Trong danh sách trừng phạt có 8 người Ukraine, vốn được cho là có quan hệ với các nhóm ly khai vũ trang ở miền Đông Ukraine. Ngoài ra, lệnh trừng phạt còn nhắm tới một số thực thể của Nga, trong đó có Công ty quốc phòng Almaz- Antey, Liên doanh Federal State Unitary Enterprise State Research và Production Enterprise, Công ty Bazalt, Ngân hàng Gazprombank OAO, Công ty cổ phần Kỹ thuật Vô tuyến điện JSC, JSC Concern Sozvezdie, JSC MIC NPO Mashinostroyenia, Kalashnikov Concern, Cơ quan Thiết kế Dụng cụ KBP, Công ty Novatek và Ngân hàng Vnesheconom.


Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các nước phương Tây vẫn liên tục cáo buộc Nga hậu thuẫn các lực lượng đòi ly khai ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này, khẳng định mong muốn cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe ly khai sớm chấm dứt.

* Trong diễn biến liên quan, nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho hay Nội các nước này đã quyết định xem xét áp đặt thêm các trừng phạt bổ sung chống lại Nga sau khi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở khu vực miền Đông Ukraine do phe ly khai kiểm soát.

Quyết định này được đưa ra tại một phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia với sự tham gia của các quan chức hàng đầu Nhật Bản, trong đó có Thủ tướng Shinzo Abe. Theo nguồn tin trên, chi tiết về các đòn trừng phạt và thời điểm áp dụng sẽ được quyết định sau khi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường các biện pháp trừng phạt của khối này nhằm vào Nga.

Trước đó, một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết các biện pháp trừng phạt bổ sung nhiều khả năng sẽ mang tính "hạn chế" nhằm ngăn chặn tác động bất lợi đối với các cuộc đàm phán của nước này với Nga về tranh chấp lãnh thổ.



T.N(theo Reuters/Kyodo)
EU nhất trí mở rộng trừng phạt Nga
EU nhất trí mở rộng trừng phạt Nga

Ngoại trưởng các nước EU đã nhất trí mở rộng trừng phạt với Nga và xem xét áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn sau thảm họa máy bay của Malaysia rơi tại miền Đông Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN