Cán bộ 'dấn thân' vì dân - Bài cuối: Cần cơ chế bảo vệ

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức. Việc xử lý những cán bộ thiếu trách nhiệm, yếu về năng lực, gây cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước là cần thiết. Tuy nhiên, để tăng cường niềm tin của nhân dân, cũng như thúc đẩy tinh thần cống hiến của đội ngũ công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước, rất cần có cơ chế để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dấn thân vì lợi ích chung…

Chú thích ảnh
Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 10/5/2023. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Không để người tài “ngồi im”

Làm cán bộ, nhất là lãnh đạo, luôn phải đối mặt với những áp lực, khó khăn, mà không phải ai cũng có bản lĩnh để có thể giải quyết tốt mọi công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không ít nơi, tình trạng công việc đình trệ mà người đứng đầu không dám quyết định. Cấp xã đùn đẩy công việc cho cấp huyện, cấp huyện đẩy cho cấp tỉnh, cấp tỉnh “kính chuyển” cấp Trung ương.

Một trong những vấn đề nổi lên rõ nhất trong thời gian gần đây, tốn nhiều thời gian họp hành, bàn bạc ở nhiều cấp nhưng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết, đó là việc giải ngân vốn đầu tư công. Không ít nơi đang thiếu vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng, nhưng lại không thể giải ngân vốn. Một số bộ, ngành, địa phương trả lại hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công cho Chính phủ, cho thấy vẫn còn những cán bộ, đảng viên ngại khó, ngại khổ và không dám nghĩ, dám làm.

Nhiều trường hợp lãnh đạo chọn giải pháp an toàn là “xin ý kiến cấp trên” dù vấn đề hoàn toàn thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, sợ sai không dám làm là một kiểu “tự diễn biến” mới trong quan niệm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Tư tưởng này không những làm chậm trễ, đình trệ hoạt động công vụ, gây bức xúc trong nhân dân, mà còn cản trở động lực phát triển.

Không thể phủ nhận rằng, năng lực điều hành của một bộ phận cán bộ chưa tốt, tuy nhiên một trong những lý do khách quan là hệ thống văn bản pháp lý hiện vẫn còn những bất cập, chồng chéo, gây khó khăn trong việc triển khai công việc. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, một số nơi, cán bộ cấp dưới có năng lực nhưng không phát huy được, không dám “thể hiện”, khi tham mưu cho cấp trên chỉ nhận về cái lắc đầu và bị cho là “cầm đèn chạy trước ô tô”. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ không dám nghĩ, dám làm.

Cách đây không lâu, dư luận “dậy sóng” vì việc cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Liên Thủy (Lệ Thủy), bị trù dập chỉ vì không thỏa hiệp, luôn đấu tranh với những tiêu cực trong ngành giáo dục nơi đang công tác. Chỉ trong vòng 3 năm, cô Huế buộc phải chuyển trường đến 3 lần với lý do "làm mất đoàn kết nội bộ". Đỉnh điểm là vào cuối năm 2017, trên cơ sở tham mưu của các phòng, ban chức năng, UBND huyện Lệ Thủy đã ra quyết định miễn nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Liên Thủy đối với cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế và điều về làm giáo viên ở Trường Tiểu học Dương Thủy. Sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên các ban, ngành huyện và tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định công nhận khiếu nại của cô Huế là đúng, yêu cầu huyện Lệ Thủy tự xử lý quyết định miễn nhiệm sai phạm của mình.

Dư luận nhiều lần lên án những hành vi kết bè, kết phái, trù dập nhân tài vì lợi ích riêng; các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, xử lý kỷ luật không ít cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật, đem lại công bằng cho nhiều cán bộ, đảng viên. Trong Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu tâm huyết đã đề nghị sớm thể chế hóa chủ trương về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, để mỗi cán bộ, nhất là cán bộ quản lý phải nâng cao trách nhiệm, trình độ, bản lĩnh chính trị trong công tác, nhằm mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân.

Đảm bảo về mặt pháp lý

Khi Đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, cũng xuất hiện tâm lý chần chừ, e ngại, không dám nghĩ, dám làm, không dám đột phá, sáng tạo. Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" ban hành ngày 22/9/2021 không chỉ góp phần khơi nguồn sáng tạo cho người cán bộ trong công tác và cuộc sống, mà còn được coi như tấm khiên, lá chắn để bảo vệ họ, giúp họ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.

Kết luận số 14 nêu rõ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thì cần phải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Bộ Nội vụ vừa hoàn thành dự thảo nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung phải bảo đảm các nguyên tắc như ý tưởng, cách làm mới, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt... Dự thảo cũng quy định bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để đảm bảo về mặt pháp lý cho cán bộ mạnh dạn đề xuất.

Trường hợp cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định đồng ý, thì tùy theo tính chất, mức độ, người gây cản trở, gây khó khăn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm, nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp như: Cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự. Cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất. Cán bộ thực hiện đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại.

Nêu quan điểm về giải pháp này, nhiều đại biểu ủng hộ việc có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, nhưng vẫn băn khoăn và cho rằng, thực tế hiện nay, không ít việc có thể đem lại hiệu quả cho dân, cho nước, nhưng cán bộ lại vi phạm quy định hiện hành. Do vậy, việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm cần được xem xét cụ thể, rõ ràng từng trường hợp cụ thể mới có hiệu quả.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải có cách nhìn khách quan, phải đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa điều kiện thuận lợi và điều kiện khó khăn, những tình thế bất khả kháng. Điều quan trọng, khi xem xét kỷ luật cán bộ, cũng cần minh bạch, rõ ràng, nếu chứng minh được họ có tham nhũng, trục lợi thì xử lý kỷ luật. Nếu không chứng minh được mà thấy rằng việc đột phá trong cơ chế, chính sách đã mang lại hiệu quả chung thì phải hồi tố, bảo vệ cán bộ, từ đó tạo niềm tin trong xã hội và động viên những người khác có đủ tự tin để dấn thân, đột phá.

Nhiều ý kiến đề xuất, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức để bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn, làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đỗ Bình (TTXVN)
Cán bộ 'dấn thân' vì dân - Bài 2: Trị 'căn bệnh' sợ trách nhiệm
Cán bộ 'dấn thân' vì dân - Bài 2: Trị 'căn bệnh' sợ trách nhiệm

Trong khi cả xã hội đang nỗ lực phấn đấu, đồng hành cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn, đưa đất nước phát triển thì ở đâu đó vẫn tồn tại tình trạng cán bộ thờ ơ với công việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm với tâm lý “không làm thì không sai”. Việc xử lý những cán bộ “chây ì” được coi là rất cần thiết để "xốc" lại đội hình, thay thế bằng những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng để lãnh đạo, điều hành, lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN