Quần vợt mất dần lối đánh trái 1 tay

Chỉ có 2 tay vợt nữ và 15 tay vợt nam trong danh sách 50 tay vợt nữ và 50 tay vợt nam hàng đầu thế giới còn sử dụng cú đánh trái 1 tay - Một kỹ thuật sắp đến giai đoạn thất truyền trong quần vợt hiện đại.

Vẫn còn những đại diện

Tháng 1/2014, khi tay vợt người Thụy Sĩ Stan Wawrinka giành chiến thắng tại Australia mở rộng, lần đầu tiên trong vòng hơn 4 năm, tên nhà vô địch Grand Slam không phải là một trong bốn người Federer, Nadal, Djokovic hay Murray. Niềm vui nhen nhóm trong lòng người hâm mộ vốn đã nhàm chán với sự thống trị của 4 cái tên lớn trong làng quần vợt thế giới được mệnh danh là Big 4.

Nhưng nếu đi sâu hơn vào kỹ thuật, có thêm một lý do để vui bởi tay vợt 29 tuổi người Thụy Sĩ là một đại diện cho một lối đánh đang dần bị thất truyền - lối đánh bóng nhanh, cân bằng và chính xác được biết đến với cái tên đánh trái 1 tay.

Wawrinka là một trong số ít những tay vợt vẫn sử dụng cú trái 1 tay hiện nay. Ảnh: AFP


Trong làng quần vợt 50 năm trước, với những lợi thế như đánh nhanh, phù hợp với những pha bóng dài chọn điểm rơi khó, đánh trái 1 tay được rất nhiều tay vợt sử dụng.

Đánh trái 1 tay có những chỗ đứng riêng mà sân đấu vốn vinh danh lối đánh này phải là sân cỏ Wimbledon. Mặt sân cỏ dính và níu bóng với tốc độ thấp, cho phép bóng trượt mặt lưới với những pha bóng nhanh. Vì thế giải đấu này vinh danh các tên tuổi đại diện cho lối đánh này như Pete Sampras, Roger Federer… Năm 14 tuổi, khi Sampras được HLV Peter Fischer huấn luyện, ông hướng anh đến lối đánh khó này. Chính tay vợt huyền thoại của làng banh nỉ cũng phải nhìn nhận lại quá trình luyện tập trường kỳ để hoàn thiện lối đánh trái mới của mình rằng nó khiến anh bị tụt hạng. Nhưng trải qua 23 năm luyện tập, Sampras đã được đền đáp với 7 lần vô địch Wimbledon và nhiều giải thưởng lớn khác.

Trong giai đoạn hiện nay, hầu hết các tay vợt đều sử dụng pha đánh bóng trái 2 tay underspin thay cho lối đánh 1 tay như trước để có những pha bóng mạnh mẽ hơn và dễ dàng xoay đổi hướng đánh. Lối đánh 1 tay khi phải đối lại với lối đánh bằng cả 2 tay hiện đại thì trở nên ít hiệu quả hơn để đáp trả những pha bóng mạnh và xoáy, nảy ở mức cao.

Tay vợt nữ người Italy Roberta Vinci cho rằng mình đã phạm sai lầm khi chuyển từ đánh 2 tay sang đánh trái 1 tay kể từ năm 18 tuổi. Và khi hầu hết các đối thủ đánh trái cả 2 tay thì những pha đánh 1 tay của cô bộc lộ điểm yếu. Kể từ thời kỳ vàng son của lối đánh trái 1 tay, Vinci lên tới vị trí thứ 11 quần vợt nữ WTA cho đến nay cô rớt xuống vị trí thứ 42. Vinci là 1 trong 3 tay vợt còn lại trong Tốp 100 còn sử dụng lối đánh trái 1 tay kể trên.

Ở các tay vợt nam, trong số 100 tay vợt dẫn đầu thì chỉ còn khoảng 24 tay vợt sử dụng lối đánh nhanh hiểm nhưng không mạnh này. Những tay vợt ưu tú của lối đánh này đang ngày một già đi bao gồm cả Roger Federer gần bước sang tuổi 34, Francesca Schiavone 35 tuổi, Tommy Haas thì cũng đã 37. Trẻ nhất của lối đánh trái 1 tay là Grigor Dimitrov, năm nay 24 tuổi thì cũng vừa ra khỏi Tốp 10 ATP.

Nhưng khó có thể tiến xa

Đánh trái 1 tay không phải là pha đánh bóng đơn giản. Để thành công, các tay vợt phải đánh bóng ở phía trước thân người. Trong khi hiện nay các tay vợt to hơn khỏe hơn trong khi các cây vợt nhẹ hơn, linh hoạt hơn để dễ dàng có một cú đập mạnh. Và việc đón bóng và trả giao bóng bằng 1 tay là điều không hề dễ thực hiện. Theo Liên đoàn quần vợt thế giới thống kê, tốc độ giao bóng một nhanh nhất trong các giải quần vợt nam hiện nay nhanh hơn 10 năm trước là khoảng 8 km/h, của nữ nhanh hơn tới 16 km/h. Một cú bóng thuận tay của Pete Sampras hồi cuối năm 1990 ở khoảng 137 km/h. Khi Sampras giải nghệ năm 2003, anh là một trong những tay vợt có pha bóng thuận tay khỏe nhất. Nhưng cho đến ngày nay, một cú bóng thuận tay có thể lên tới 160 km/h.

Vợt nhẹ cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng tốc độ từ 20 - 25% so với trước. Dây nhựa tổng hợp được dùng phổ biến hiện nay được cải tạo ít ma sát, bóng trượt đi ngay khi chạm vợt tạo độ xoáy cao. Cú topspin tạo bóng xoáy và cắt bóng bất ngờ có thể khiến bóng đi sát vạch sân hay buộc đối thủ phải đưa cao tay mới đỡ được bóng. Điều đó khiến họ rất khó chủ động trong cú trả bóng. Trong khi đó, các pha trái 1 tay lại thường đặt ở vùng thắt lưng, hoàn toàn không phải là tư thế thuận để đỡ những pha bóng hiện đại.

Trên thực tế, với những chiếc vợt nhẹ hiện nay, các tay vợt nhí khoảng 10 tuổi cũng đã có thể luyện tập đánh trái 1 tay rồi chứ không cần nhiều sức lực hơn. Vì thế cú đánh trái 1 tay vẫn còn nhiều hy vọng để tồn tại. Nhưng việc phát triển cao hơn nữa ở những giải đấu chuyên nghiệp thực sự là một việc khó của đánh trái 1 tay trong thời đại của các tay vợt dồn lực cả 2 tay như hiện nay.

Minh Đăng

Lý Hoàng Nam vô địch giải trẻ quần vợt châu Á 2015
Lý Hoàng Nam vô địch giải trẻ quần vợt châu Á 2015

Lý Hoàng Nam đã thi đấu thành công và giành chức vô địch ở hai nội dung đơn nam, đôi nam tại giải trẻ quần vợt châu Á 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN