“Nữ tướng” trẻ họ Văn

Nhắc đến cái tên Văn Thị Thanh, làng bóng đá nữ Việt Nam không ai không biết. Là người hùng tại SEA Games 2003 năm nào, Thanh bây giờ đã trở thành một huấn luyện viên vững tay nghề và luôn đau đáu về những thế hệ kế tiếp.


Gặp Thanh tại một buổi tập của đội tuyển nữ Việt Nam ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, khi đội đang gấp rút chuẩn bị cho Asiad 2014, cô đã khác rất nhiều so với hồi còn xỏ giày đá bóng. Đứng giữa những người đồng đội cũ như Đặng Thị Kiều Trinh, Nguyễn Ngọc Anh hay Nguyễn Thị Minh Nguyệt, trông Thanh già dặn hơn hẳn. Bây giờ, Thanh là “thầy” của các tuyển thủ kỳ cựu nói trên. Dáng người đậm hơn và nước da thì đen bóng vì mưa nắng, ở Thanh toát lên sự đĩnh đạc, chín chắn của một người có thể chịu trách nhiệm cho sự thành - bại của cả một tập thể.

 

Văn Thị Thanh chỉ đạo các học trò tại đội tuyển nữ Việt Nam.


Đội tuyển nữ Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn chuyển giao thế hệ cầu thủ sau cuộc chia tay với HLV người Trung Quốc Trần Vân Phát. Khi những gương mặt mới, những phát hiện mới vẫn là của hiếm, thì Thanh chính là một luồng gió mới ở đội tuyển đợt này. Cô được người thầy cũ Mai Đức Chung kéo lên tuyển, giao cho vai trò trợ lý HLV, ngay sau khi ông Chung “xe ca” được bổ nhiệm tạm quyền dẫn dắt các cô gái Việt Nam tham dự kỳ Asiad tại Incheon, Hàn Quốc. Đây thực sự là một bước thăng tiến ngoạn mục đối với Thanh, mở ra một chân trời mới cho sự nghiệp huấn luyện còn non trẻ của cô gái 29 tuổi quê Hà Nam này.


Món quà không đến... từ trên trời


Có thể có một chút ưu ái từ HLV Mai Đức Chung dành cho Thanh, người đã tỏa sáng rực rỡ ở kỳ SEA Games tại Việt Nam cách đây 11 năm, dưới sự dẫn dắt của ông. Thanh khi đó mới 18 tuổi đã làm dậy sóng cầu trường Lạch Tray (Hải Phòng) và cùng các đồng đội giành Huy chương Vàng SEA Games thứ 2 cho bóng đá nữ Việt Nam. Tuy vậy, chính năng lực hiện tại của Thanh mới là yếu tố tiên quyết giúp cô lọt vào tầm ngắm của HLV Mai Đức Chung.


“Tôi rất ấn tượng về khả năng huấn luyện của Văn Thị Thanh. Phong Phú Hà Nam là đội chơi có nét và ngày càng tiến bộ”, HLV Mai Đức Chung không giấu sự thán phục dành cho cô học trò cũ, khi ông có mặt tại Nha Trang chứng kiến chặng cuối lượt về giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2014.

 

Thành công trong sự nghiệp, Văn Thị Thanh cũng có một mái ấm gia đình riêng cho mình.


Quả thật, dưới sự dẫn dắt của Thanh, Phong Phú Hà Nam đã thi đấu vô cùng ấn tượng ở giải VĐQG năm nay. Họ dẫn đầu bảng xếp hạng lượt đi và khi giải được khởi động trở lại sau quãng nghỉ dành cho vòng chung kết Asian Cup nữ 2014, đội bóng Hà Nam tiếp tục tạo nên một cuộc đua song mã gay cấn với Hà Nội 1. Cuối cùng, họ chỉ chấp nhận để Hà Nội 1 giành Cúp vô địch vì thiếu một chút may mắn so với đối thủ.


Làm công tác huấn luyện cần có một cái duyên. HLV Mai Đức Chung có lẽ là người hiểu rõ hơn ai hết điều này. Tại Phong Phú Hà Nam, Văn Thị Thanh đang lặp lại những thành công tương tự như ông Chung “mát tay” tại đội tuyển nữ quốc gia một thời. Trong 4 năm dẫn dắt đội bóng tỉnh nhà, Thanh đã biến Phong Phú Hà Nam trở thành một đối trọng thực sự của các “đàn chị” Hà Nội 1, TP Hồ Chí Minh, Than Khoáng sản Việt Nam. Từ năm 2011 đến nay, không năm nào Phong Phú Hà Nam không có mặt trong nhóm đầu giải VĐQG.


Những dấu ấn nổi bật của Văn Thị Thanh:

* Cầu thủ:

- Vô địch SEA Games: 2003, 2005, 2009 - Vô địch Đông Nam Á: 2006 - Quả bóng Vàng nữ Việt Nam: 2003

 * HLV: - Á quân VĐQG nữ: 2011, 2014 - Hạng ba VĐQG nữ: 2013

Không chỉ truyền cho các học trò ngọn lửa khát vọng và đam mê, Thanh còn tạo nên ở Phong Phú Hà Nam một đội hình đồng đều, chất lượng. Ở đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Trần Vân Phát những năm gần đây hay bây giờ cũng vậy, Phong Phú Hà Nam luôn là một trong những đội đóng góp nhiều cầu thủ nhất. Những cái tên như Nguyễn Thị Liễu, Nguyễn Thị Nguyệt, Trần Thị Hồng Nhung, Bùi Thị Như, Nguyễn Thị Tuyết Dung hay Lê Thu Thanh Hương đều đã chứng tỏ được khả năng của mình khi lên tuyển.


Hình mẫu của các cầu thủ nữ


Ở tuổi 29, những gì Văn Thị Thanh đạt được trong sự nghiệp có lẽ là niềm mơ ước của bất cứ cầu thủ bóng đá nữ nào. Từ một cô gái nhỏ bé đến từ một vùng quê đồng chiêm trũng, nhờ những nỗ lực không ngừng, Thanh đã có tên trong những trang sử huy hoàng của bóng đá nữ Việt Nam và hiện tiếp tục có cơ hội gắn bó với niềm đam mê của mình.


Sau màn ra mắt tuyệt vời ở ĐTQG tại SEA Games 2003 và giành được Quả bóng Vàng Việt Nam cùng năm, cô gái chạy cánh trái nhanh nhẹn Văn Thị Thanh tiếp tục là nhân tố chủ chốt trong các chức vô địch Đông Nam Á 2006 và SEA Games 2009 của bóng đá nữ Việt Nam.


Năm 2010, đang ở độ chín của sự nghiệp, nhưng Thanh đã quyết định giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế, từ chối cơ hội tham dự kỳ Asiad tại Quảng Châu, Trung Quốc. Cuộc chia tay của Thanh và Đoàn Thị Kim Chi, Đào Thị Miện khi đó đã để lại nhiều tiếc nuối. Thời điểm đó, Thanh chỉ muốn dành sự tập trung cho việc hoàn tất khóa học HLV tại Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.


Năm 2011, việc Thanh vừa là cầu thủ, vừa là HLV của Phong Phú Hà Nam tại giai đoạn 2 của mùa giải VĐQG đã gây ngạc nhiên lớn cho làng bóng đá nữ Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, một cầu thủ nữ Việt Nam vừa đá bóng, vừa cầm bảng sơ đồ chiến thuật. Khi đó, Thanh mới 26 tuổi. Cô có lẽ là một trường hợp hiếm của bóng đá thế giới.


Phong Phú Hà Nam kết thúc mùa giải 2011 với vị trí á quân. 3 mùa giải kế tiếp, đội bóng do Thanh dẫn dắt lần lượt xếp hạng 4 (2012), hạng 3 (2013) và á quân (2014). Dấu ấn về một Văn Thị Thanh - HLV đã được khẳng định.


Sau mùa giải 2011, một sự kiện trọng đại khác đến với Thanh: Cô kết hôn với người bạn trai học cùng Đại học TDTT Bắc Ninh. Bạn bè vẫn thường nói vui rằng 2011 là năm “song hỷ lâm môn” đối với Thanh. Hai người hiện có một bé trai gần 3 tuổi. Sau khi lập gia đình, Thanh dừng hẳn đá bóng và tập trung vào công tác huấn luyện. Năm 2012, Thanh hoàn thành khóa học HLV bằng B của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), tạo bàn đạp cho sự trở lại của cô ở ĐTQG hiện nay, trong một vai trò hoàn toàn khác xưa.


Các học trò của Thanh ở Phong Phú Hà Nam, cũng như ở ĐTQG, đều xem cô là một hình mẫu để phấn đấu. Mang thân con gái, lại “đâm đầu” đi đá bóng, mà bóng đá nữ Việt Nam thì cực lắm, đó đã là một thiệt thòi lớn. Vượt qua tất cả, nỗ lực giành vinh quang, sớm xác định được công việc sau bóng đá và... lấy chồng, không phải ai cũng thành công và gặp nhiều may mắn như Thanh.


Bài và ảnh: Bảo An

Tại sao bóng đá nữ “thay máu” cầm chừng?
Tại sao bóng đá nữ “thay máu” cầm chừng?

Người ta đã chờ đợi một cuộc cách mạng đội hình của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dưới thời tân huấn luyện viên Mai Đức Chung, nhưng đáp lại chỉ là 3 gương mặt mới lần đầu tiên được triệu tập chuẩn bị cho Asiad 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN