Ukraine tiếp tục gia hạn tình trạng thiết quân luật

Nghị sĩ Ukraine Yaroslav Zheleznyak cho biết ngày 21/4, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ gia hạn 30 ngày tình trạng thiết quân luật tại nước này đến ngày 25/5 tới.

Chú thích ảnh
Người dân tại Mariupol, Ukraine, ngày 12/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo nghị sĩ này, đề xuất kéo dài tình trạng thiết quân luật của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhận được sự ủng hộ của 300 trong số 450 nghị sĩ Quốc hội Ukraine. 

Ukraine đã áp đặt tình trạng thiết quân luật vào ngày 24/2 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia Đông Âu này. Hôm 15/3, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu gia hạn tình trạng đặc biệt này tới ngày 25/4. Mới đây, ngày 19/4, Tổng thống Zelensky đã đệ trình Quốc hội nước này dự luật tiếp tục gia hạn tình trạng thiết quân luật tại Ukraine.

Cùng ngày 21/4, theo hãng tin Reuters, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã loại trừ khả năng tới Moskva để đàm phán trực tiếp với giới lãnh đạo Nga về việc chấm dứt xung đột. Ông nhấn mạnh ông sẵn sàng tới bất cứ địa điểm nào trên hành tinh này nhưng ở thời điểm hiện tại không phải là Moskva. Tuy nhiên, ông Zelensky cho rằng trong những trường hợp khác và với những nhà lãnh đạo khác tại Moskva, mọi thứ đều có thể xảy ra. 

* Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 21/4 cho biết Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ (EUCOM) mới đây đã chính thức thành lập Trung tâm kiểm soát tình hình Ukraine có trụ sở tại Stuttgart, Đức.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, quan chức trên cho biết thêm trung tâm này được thành lập nhằm hỗ trợ cả lực lượng an ninh và hỗ trợ nhân đạo đối với Ukraine. Trung tâm này sẽ điều phối và đồng bộ hóa việc cung cấp kịp thời những hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh, đối tác của Mỹ cho Ukraine. 

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điều 20.000 binh sĩ tới châu Âu, bổ sung cho 80.000 binh sĩ đã được triển khai trước đó tại khu vực này.  Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã triển khai binh sĩ tới Slovakia, Bulgaria, Hungary và Romania.

Trần Quyên - Phạm Ngọc Ánh (TTXVN)
Viện trợ mạnh nhất cho Ukraine, vì sao Đức vẫn bị chỉ trích
Viện trợ mạnh nhất cho Ukraine, vì sao Đức vẫn bị chỉ trích

Đức đang bị Ukraine và các quốc gia khác ở châu Âu chỉ trích, nhưng trên thực tế, Berlin đang viện trợ cho Kiev hơn hầu hết các nước khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN