Trung Quốc tuyên bố 'không có yếu tố quân sự' trong thỏa thuận an ninh với Solomon

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định thỏa thuận hợp tác an ninh giữa nước này với quần đảo Solomon không bao gồm yếu tố quân sự.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare, Bộ trưởng Ngoại giao Quần đảo Solomon Jeremiah Manele, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tham dự một lễ ký kết tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc hồi năm 2019. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), tuyên bố này được đưa ra sau khi Quần đảo Solomon tuyên bố sẽ không cho phép Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại nước này, một ngày sau khi quốc đảo Thái Bình Dương này ký thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh. Thỏa thuận đã gặp phải phản ứng dữ dội trong khu vực.

Văn phòng Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon cho biết thỏa thuận mới sẽ không mời Trung Quốc đến thiết lập căn cứ quân sự tại quần đảo này.  Văn phòng trên cho biết: “Chính phủ Solomon nhận thức được những lo ngại về an ninh của việc một quốc gia đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Solomon khẳng định sẽ không cho phép điều đó xảy ra dưới sự giảm sát của chính phủ”.

Quần đảo Solomon đến nay vẫn chưa công bố chi tiết về thỏa thuận an ninh với Trung Quốc.
Song Australia, New Zealand và Mỹ đã bày tỏ lo ngại sau khi bản dự thảo của thỏa thuận này bị rò rỉ. Theo đó, Solomon có thể cho phép Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự ở đảo quốc này. Hiện thỏa thuận này vẫn chưa được bộ trưởng ngoại giao hai nước ký kết theo quy định.

Hôm 31/3, lãnh đạo Liên bang Micronesia kêu gọi Quần đảo Solomon không nên ký kết hiệp ước an ninh này. Ông cho rằng có những lo ngại nghiêm trọng về an ninh và rủi ro Thái Bình Dương có thể bị kéo vào cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ.

New Zealand cũng đã cảnh báo phản đối hiệp ước này. Họ cho rằng thỏa thuận có thể làm đảo lộn vấn đề hợp tác an ninh lâu đời trong khu vực.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho biết ông tôn trọng quan điểm của Thủ tướng Sogavare, nhưng kêu gọi thận trọng. Trong cuộc phỏng vấn với Sky News, ông Dutton lưu ý rằng Trung Quốc đã có 20 địa điểm hiện diện quân sự trái phép tại Biển Đông, bất chấp việc Mỹ kêu gọi không quân sự hóa vùng biển này. Canberra lo ngại Bắc Kinh đang đi theo con đường tương tự ở các đảo ở Thái Bình Dương.

“Trung Quốc muốn có một cảng quân sự ở Papua New Guinea. Họ có một cảng ở Sri Lanka, và rõ ràng là họ đang tìm kiếm những nơi khác để có thể đặt chúng”, ông Dutton nói. Ông Dutton cho rằng Canberra có khả năng buộc phải tăng cường triển khai quân sự tại khu vực nếu căn cứ quân sự của Trung Quốc xuất hiện ở Quần đảo Solomon, vì nước này rất gần Australia.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết thỏa thuận an ninh giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc sẽ làm suy yếu sự ổn định trong khu vực. Bà nói: “Chúng tôi không nghĩ rằng các quốc gia bên ngoài Thái Bình Dương cần phải có vai trò an ninh trong khu vực”.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “hợp tác an ninh Trung Quốc - quần đảo Solomon không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào và không gây ra xung đột với các nước khác”. Bắc Kinh khẳng định thỏa thuận sắp tới chỉ xoay quanh việc bảo đảm trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, cũng như phối hợp ứng phó thiên tai.

Trong tuyên bố ngày 31/3, Văn phòng Thủ tướng Quần đảo Solomon cho biết Honiara và Bắc Kinh đã có được những yếu tố ban đầu để xây dựng Khung Hợp tác an ninh song phương.  Theo bản dự thảo thỏa thuận, khung hợp tác này cho phép Trung Quốc thực hiện các chuyến thăm Quần đảo Solomon bằng tàu thủy, triển khai hậu cần bổ sung và có thể dừng nghỉ hoặc chuyển tiếp ở quốc gia này. Thỏa thuận cũng cho phép Trung Quốc triển khai cảnh sát vũ trang tại Quần đảo Solomon để đảm bảo trật tự trị an. Các lực lượng này được phép hành động để bảo vệ an toàn cho các nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn tại quần đảo này.  

Hải Vân/Báo Tin tức
Trung Quốc đối mặt với lựa chọn quyết định tại thị trường Nga
Trung Quốc đối mặt với lựa chọn quyết định tại thị trường Nga

Nhiều doanh nghiệp, công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn khi kinh doanh tại Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN