Thách thức của đội cứu hộ dựa vào tiếng động tìm tàu lặn Titan

Các đội cứu hộ tham gia tìm kiếm con tàu lặn Titan mất tích đã phát hiện ra tiếng động dưới nước trong khu vực. Tuy nhiên, sẽ không hề dễ dàng để tìm ra nguồn gốc của âm thanh đó trong đại dương mênh mông.

Chú thích ảnh
Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate - công ty chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 20/6, theo truyền thông Mỹ, lực lượng cứu hộ đã phát hiện những âm thanh va đập ở khu vực Bắc Đại Tây Dương, nơi tàu Titan biến mất hai ngày trước đó. Theo một email nội bộ gửi tới giới chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ, một chiếc máy bay P-8 của Canada tham gia tìm kiếm đã nghe thấy những tiếng va đập lặp đi lặp lại đều đặn 30 phút/lần. Hệ thống sonar được triển khai 4 giờ sau đó và vẫn nghe thấy những âm thanh này.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, Matt Dzieciuch - một chuyên gia về âm học đại dương tại Viện Hải dương học Scripps - cho biết: “Đó không phải là một vấn đề đơn giản. Đại dương là một nơi ồn ào”. Ông Dzieciuch giải thích có nhiều nguồn âm thanh khác nhau dưới nước, bao gồm từ cá, các động vật khác và tất nhiên là cả các thiết bị mà con người tạo ra.

Trong khi đó, Art Trembanis - một nhà khoa học biển tại Đại học Delaware lập luận - liệu tiếng va đập có phải là tín hiệu thực sự của sự sống hay không vẫn còn là "suy đoán".

Thông thường, một phương tiện hoạt động dưới nước sẽ có một thiết bị gọi là pinger (một máy phát xung được sử dụng để tạo tiếng vang trong môi trường dưới nước) giúp xác định vị trí dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không rõ liệu tàu lặn Titan có sử dụng nó hay không.

Lora Van Uffelen - nhà nghiên cứu kỹ thuật đại dương tại Đại học Rhode Island - chỉ ra thách thức lớn mà nhóm tìm kiếm đang gặp phải dù xác định được đầu mối âm thanh là họ không biết chính xác loại tín hiệu mà họ đang tìm kiếm. “Họ chỉ đang cố gắng lắng nghe bất cứ điều gì ở dưới biển thôi”.

Bên cạnh đó, chuyên gia Dzieciuch cho rằng một thách thức khác đối với các nhóm cứu hộ là âm thanh có thể bị bẻ cong khi di chuyển dưới nước do áp suất và nhiệt độ thay đổi ở các độ sâu khác nhau. Điều này có thể tạo ra các hiệu ứng giống như tiếng vang và gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc của một âm thanh cụ thể.

“Ai đó đang phát tín hiệu, chẳng hạn như S.O.S. ở dưới đáy đại dương. Nhưng tiếng này thì nghe có vẻ giống như một số âm thanh va đập ngẫu nhiên vào bề mặt đại dương. Nó giống như hét lên trong một hẻm núi. Bạn không thể thực sự hiểu được những gì người nói ở đầu kia của hẻm núi”, ông Dzieciuch so sánh.

Ông Dzieciuch cho biết những tín hiệu âm thanh trong mà các đơn vị cứu hộ nghe thấy được trong quá trình tìm kiếm tàu lặn Titan được phát hiện bởi các phao âm. Thiết bị này có thể tách độ nhiễu với âm thanh của tàu để tìm ra âm thanh khác biệt. Các chuyên gia cho biết các thiết bị này có thể giúp xác định vị trí của chiếc tàu ngầm, nhưng những người tìm kiếm sẽ cần triển khai nhiều phao hơn để nó hoạt động.

Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate - công ty chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương, bao gồm tham quan xác tàu Titanic. Tàu chở 5 người đã mất hoàn toàn liên lạc sau gần 2 giờ đồng hồ lặn xuống đáy đại dương để tham quan xác tàu Titanic hôm 18/6. Hiện dưỡng khí cho 5 người trên tàu lặn được cho là đang cạn kiệt nhanh chóng.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AP)
Tàu lặn Titan được điều khiển bằng tay cầm trò chơi điện tử?
Tàu lặn Titan được điều khiển bằng tay cầm trò chơi điện tử?

Công ty tư nhân OceanGate thu phí khách du lịch khoảng 250.000 USD mỗi lần đi tàu lặn Titan. Trong khi đó, CEO OceanGate từng tiết lộ tàu lặn này được điều khiển bởi… tay cầm trò chơi điện tử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN