S&P lại hạ bậc tín nhiệm của Hy Lạp

Ngày 27/2, Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) đã hạ triển vọng của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) xuống mức "tiêu cực". Động thái này đồng nghĩa với việc EFSF có thể chính thức bị hạ bậc tín nhiệm trong tương lai.

S&P cho rằng chỉ có sự gia tăng tín nhiệm mới đủ để thuyết phục cơ quan xếp hạng tín nhiệm này tin vào khả năng thanh toán của EFSF trong tương lai. Tuy nhiên, hiện S&P chưa thấy khả năng các nước thành viên của EFSF có thể bổ sung nguồn tín dụng cho quỹ vào thời điểm này.

Tháng trước, S&P cũng đã hạ bậc tín nhiệm của EFSF, được EU thành lập từ năm 2010 để hỗ trợ các nước thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone) thoát khỏi khủng hoảng nợ công, từ mức AAA xuống còn AA+, sau khi cũng đã hạ bậc tín nhiệm của một số nước có mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất trong Eurozone như Pháp và Áo, là những nước đang đóng vai trò là các nhà bảo lãnh cho EFSF.

Trong một động thái mới nhất cùng ngày, S&P đã hạ mức tín nhiệm dài hạn CC và ngắn hạn C của Hy Lạp xuống mức "vỡ nợ một phần" (SD) sau khi quốc gia nợ nần chồng chất này bắt đầu kế hoạch hoán đổi trái phiếu nhằm giảm nhẹ gánh nặng nợ nần hôm 23/2.


Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P. Nguồn: Internet.


Trong một tuyên bố trên trang web của mình, S&P tuyên bố: "Chúng tôi đã hạ mức tín nhiệm nợ công của Hy Lạp xuống mức SD, sau khi Chính phủ Hy Lạp bổ sung hồi tố các Điều khoản Hành động tập thể (CAC) trong văn bản nợ công của nước này hôm 23/2". Theo S&P, CAC ràng buộc tất cả các nhà nắm giữ trái phiếu vào một loạt điều khoản trả nợ đã sửa đổi trong trường hợp một số chủ nợ nhất định đồng ý với các điều khoản đó. S&P khẳng định: "Chúng tôi cho rằng việc bổ sung CAC sẽ thu hẹp quyền thương lượng của các nhà giữ trái phiếu trong việc trao đổi nợ tới đây".

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, với 496 phiếu thuận, 90 phiếu chống và 5 phiếu trắng, Quốc hội Đức đã thông qua gói cứu trợ tài chính mới trị giá 130 tỷ ơrô của EU và IMF dành cho Hy Lạp sau khi Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo sẽ là "vô trách nhiệm" nếu để Aten rơi vào phá sản.

Cuộc bỏ phiếu trên, với kết quả tán thành áp đảo do nhận được sự ủng hộ của hai đảng đối lập, "bật đèn xanh" cho Thủ tướng Angela Merkel  phê chuẩn gói cứu trợ mới tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra trong hai ngày 1 và 2/3 tới. Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội, bà Angela Merkel khẳng định: "Những rủi ro của việc bỏ rơi Hy Lạp là không thể lường trước. Không ai có thể đánh giá được những hậu quả mà kinh tế Đức, Italia, Tây Ban Nha, Eurozone hay thế giới nói chung sẽ phải hứng chịu nếu Hy Lạp bị vỡ nợ". Việc Quốc hội Đức thông qua gói cứu trợ thứ hai của EU/IMF dành cho Hy Lạp được coi là thuận lợi mới trong tiến trình thông qua khoản cứu trợ này tại các nước thành viên Eurozone khác.

Trước đó, các bộ trưởng tài chính Eurozone hôm 21/2 đã thông qua thỏa thuận về gói cứu trợ khổng lồ trị giá 130 tỷ ơrô cho Hy Lạp. Theo thỏa thuận trên, Aten cũng được giảm 53,5% (tương đương 107 tỷ ơrô) khoản nợ công do các chủ nợ tư nhân nắm giữ. Đổi lại, Chính phủ Hy Lạp sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ trong những năm tới.


TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN