Sợi dây thương mại níu giữ quan hệ Mỹ-Trung

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc căng thẳng sau loạt bất đồng từ dịch bệnh COVID-19 đến kiểm soát công nghệ song tính đến thời điểm này, thương mại vẫn là điểm sáng duy nhất phát triển ổn định trong quan hệ hai nước.

Chú thích ảnh
Quốc kỳ Trung Quốc và quốc kỳ Mỹ trước một phiên thảo luận về thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

“Lĩnh vực mà chúng tôi đang hợp tác là thương mại. Và hiện tại thì điều đó vẫn ổn”, cố vấn Nhà Trắng Larry Kudlow phát biểu trước phóng viên đầu tuần qua.

Theo hãng CNN, tình hình đã thay đổi rất nhiều kể từ khi hai nước ký thỏa thuận thương mại một phần vào tháng Một vừa qua – sau gần hai năm Mỹ khơi mào cuộc thương chiến. Thỏa thuận khiến Chính phủ Mỹ cắt bớt một số lệnh trừng phạt áp lên Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh nhất trí mua nông sản với trị giá hàng tỷ USD.

Trong nửa đầu năm 2020, Mỹ và Trung Quốc liên tục cáo buộc bên còn lại chịu trách nhiệm cho sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Thậm chí, hai bên còn đóng cửa lãnh sự quán của nhau liên quan đến một tranh cãi an ninh quốc gia. Giới chức Mỹ nhắm tới một vài công ty công nghệ Trung Quốc, đe dọa các ứng dụng phổ biến của nước này như TikTok và WeChat.

Tuy nhiên, giữa sóng gió căng thẳng hai bên, thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một phần lớn là không bị ảnh hưởng.

Cố vấn Kudlow cho biết Trung Quốc đã tăng "đáng kể" việc mua hàng hóa của Mỹ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, chỉ trong tháng 7, Trung Quốc đã mua hơn 4,6 triệu tấn đậu nành của nước này.

Ông David Dollar, một thành viên cấp cao thuộc Trung tâm John L. Thornton tại Viện Brookings ở Washington, lý giải: “Từ lâu Trung Quốc và Mỹ luôn có lịch sử duy trì quan hệ kinh tế ngay cả khi xuất hiện những bất đồng khác, về vấn đề an ninh hoặc nhân quyền. Hiện tại, cả hai quốc gia đều quan tâm đến các mối quan hệ kinh tế ổn định”.

Theo Reuters, cuộc thảo luận trực tuyến về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 15/8 đã bị trì hoãn và hai bên vẫn chưa thống nhất về thời điểm tổ chức cuộc thảo luận này. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận cho biết việc tạm hoãn đàm phán không phải là vấn đề lớn đối với thỏa thuận.

“Chúng tôi đang làm rất tốt đối với thỏa thuận thương mại”, Tổng thống Trump cùng ngày nhấn mạnh khi được hỏi về diễn biến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Chú thích ảnh
Đậu tương sau khi được thu hoạch từ một nông trại gần Scribner, bang Nebraska, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới quan sát cho rằng duy trì hợp tác thương mại là một cách để hai nước kiểm soát căng thẳng.

Mặc dù Washington liên tục chỉ trích Bắc Kinh trong mấy tháng gần đây về an ninh quốc gia và công nghệ, Trung Quốc vẫn cho thấy thiện chí tiếp tục một phần mối quan hệ.

Trong một báo cáo nghiên cứu vào tháng trước, các nhà phân tích tại Eurasia Group lưu ý “Bắc Kinh có thể không muốn hủy bỏ thỏa thuận. Bên cạnh những rủi ro kinh tế từ việc tái áp thuế, thỏa thuận giai đoạn một là một cách giải quyết căng thẳng với Washington”.

Không chỉ là phán đoán của các nhà phân tích, ngay cả chính giới chức Trung Quốc cũng từng đề cập quan điểm này.

“Trung Quốc luôn mở cửa đối thoại với Mỹ. Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ hợp tác để tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thỏa thuận thương mại”, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì viết trong một bài báo được Bộ Ngoại giao Trung Quốc xuất bản vào tuần trước.

Chú thích ảnh
Sơ tán người dân khỏi các khu vực ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch bệnh không phải là lý do duy nhất khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề. Các trận lũ lớn kỷ lục vừa qua đã phá hủy hàng triệu hecta đất nông nghiệp và đe dọa việc sản xuất nông sản của nước này. Chính vì vậy, duy trì quan hệ với đối tác thương mại quan trọng như Mỹ là rất quan trọng.

Cụ thể, việc tăng cường mua đậu nành hồi tháng trước là một phần trong kế hoạch tăng nguồn cung lương thực của Trung Quốc. Chỉ trong tháng 7, Trung Quốc nhập đậu nành với số lượng bằng một nửa tổng sản lượng 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra Trung Quốc có thể không tuân thủ đầy đủ cam kết nêu trong thỏa thuận Giai đoạn Một cho đến hết năm vì tình hình tổng thế của kinh tế toàn cầu còn rất mong manh.

Theo thống kê của Nomura, tính đến hết tháng 6, Trung Quốc mới chỉ mua 40,3 tỷ USD hàng hóa Mỹ được liệt kê trong thỏa thuận Giai đoạn 1 – chỉ đạt 1/5 mục tiêu đề ra cho năm 2020.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Căng thẳng Mỹ-Trung đẩy chứng khoán châu Á vào 'vùng đỏ'
Căng thẳng Mỹ-Trung đẩy chứng khoán châu Á vào 'vùng đỏ'

Căng thẳng Mỹ-Trung đẩy các thị trường chứng khoán châu Á vào "vùng đỏ" trong phiên 7/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN