Quân đội Nga rút khỏi Chernobyl, bàn giao nhà máy điện hạt nhân cho Ukraine

Quân đội Nga đã trao lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cho phía Ukraine và bắt đầu rời khu vực sau hơn một tháng tiếp quản. Trong khi đó giao tranh vẫn diễn ra ở ngoại ô Kiev và các mặt trận khác.

Chú thích ảnh
 Một cụ ông đạp xe qua xác xe tăng bị phá huỷ ở ngoại ô Kiev, Ukraine ngày 31/3/2022. Ảnh: AP 

Theo hãng tin AP, công ty điện lực nhà nước của Ukraine, Energoatom, cho biết việc Nga rút quân tại Chernobyl diễn ra sau khi các binh sĩ phơi nhiễm "liều lượng đáng kể" bức xạ trong lúc đào hào chiến đấu ở khu vực cấm xung quanh nhà máy đã đóng cửa này. Tuy nhiên hiện không có xác nhận độc lập cũng như phản hồi từ phía Nga về điều đó.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết họ đã được Ukraine thông báo bằng văn bản rằng các lực lượng Nga tại địa điểm xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới đã chuyển giao quyền kiểm soát cơ sở này.

Theo đó, Ukraine thông báo ba đoàn xe của lực lượng Nga đã rời đi về phía Belarus, trong khi những binh sĩ còn lại dường như cũng đang lên kế hoạch rút khỏi Chernobyl.

Energoatom không đưa ra chi tiết về tình trạng của những người lính mà họ cho là bị nhiễm phóng xạ và không cho biết bao nhiêu người bị ảnh hưởng. Hiện không có bình luận lập tức từ Điện Kremlin và IAEA cho biết họ chưa thể xác nhận các báo cáo về việc quân đội Nga phơi nhiễm liều cao. Cơ quan này cho biết họ đang tìm kiếm thêm thông tin.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine ở ngoại ô Kiev, ngày 31/3/2022. Ảnh: AP 

Các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát Chernobyl trong giai đoạn mở đầu của chiến dịch quân sự tại Ukraine, làm dấy lên lo ngại rằng về những thiệt hại hoặc gián đoạn tại nhà máy có thể phát tán phóng xạ. Lực lượng chuyên gia và kỹ thuật Ukraine tại cơ sở này giám sát việc lưu trữ an toàn các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng và đống đổ nát bị chôn vùi của lò phản ứng phát nổ năm 1986.

Động thái rút quân diễn ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định giảm quy mô chiến dịch tại các hướng Kiev và Chernigov, đồng thời rút quân khỏi một số mặt trận.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin hôm 29/3 cho biết, việc Nga cắt giảm đáng kể các hoạt động quân sự ở các khu vực xung quanh Kiev và thành phố Chernihiv để tăng cường sự tin cậy giữa hai bên và hỗ trợ các cuộc đàm phán. Đài Sputnik dẫn phát biểu của Thứ trưởng Fomin cho biết “các cuộc đàm phán chuẩn bị cho một thỏa thuận về tính trung lập và tình trạng phi hạt nhân của Ukraine, cũng như về việc đảm bảo an ninh cho Ukraine, đang diễn ra thực tế… Để tăng cường tin tưởng lẫn nhau, tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo và đạt được mục tiêu cuối cùng là nhất trí ký thỏa thuận, một quyết định đã được đưa ra nhằm giảm mạnh hoạt động quân sự trên các hướng Kiev và Chernigov".

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho rằng việc Nga rút quân khỏi miền bắc và trung tâm đất nước chỉ là một chiến thuật quân sự và các lực lượng này đang tích cực triển khai các cuộc tấn công mạnh mẽ mới ở phía đông nam.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho biết thông tin tình báo cho thấy Nga không thu hẹp quy mô hoạt động quân sự ở Ukraine mà thay vào đó đang cố gắng tập hợp lại, tiếp tế cho các lực lượng và củng cố cho cuộc tấn công ở Donbas.

Một vòng đàm phán mới đã được lên kế hoạch diễn ra ngày hôm nay, 1/4, năm tuần sau cuộc chiến khiến 4 triệu người Ukraine phải rời bỏ đất nước.

Trên thực địa, ngày 31/3 một đoàn xe buýt của tổ chức Chữ thập Đỏ đã hướng đến Mariupol trong một nỗ lực tiếp theo nhằm sơ tán người dân khỏi thành phố cảng bị bao vây sau khi quân đội Nga đồng ý ngừng bắn có giới hạn trong khu vực. 

Tổ chức Chữ thập đỏ cho biết các đội cứu trợ của họ hướng đến Mariupol với các vật tư y tế và các đồ cứu trợ khác với hy vọng đưa thường dân ra khỏi thành phố bị bao vây này.

Hàng chục nghìn người đã tìm cách rời khỏi Mariupol trong vài tuần qua thông qua các hành lang nhân đạo, giảm dân số thành phố từ 430.000 trước chiến tranh xuống ước tính 100.000 người vào tuần trước.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo AP)
Đằng sau cuộc ‘nổi dậy trường kỳ’ của Nga nhằm vào đồng đôla Mỹ
Đằng sau cuộc ‘nổi dậy trường kỳ’ của Nga nhằm vào đồng đôla Mỹ

Một thế giới hậu đôla chỉ có thể xảy ra với việc chấp nhận rộng rãi một loại tiền tệ khác, mà cho đến nay rất ít quốc gia ngoài Nga, Trung Quốc tỏ ra quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN