Quan chức Nga bình luận về sáng kiến hoà bình của Indonesia về xung đột Ukraine

Bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 14/6, Đại sứ Nga tại Jakarta, bà Lyudmila Vorobieva nói rằng Moskva sẵn sàng xem xét bất kỳ sáng kiến hòa bình mới nào của Indonesia về xung đột Ukraine.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ảnh: Sputnik

“Tôi không thể khẳng định liệu sẽ có những đề xuất mới về hoà bình ở Ukraine từ Indonesia hay không. Đây là một câu hỏi dành cho giới chức Indonesia. Nhưng như các bạn thấy, Indonesia đã sẵn sàng đóng vai trò là bên thứ ba trong vấn đề Ukraine. Nếu Indonesia chính thức trình bày bất kỳ đề xuất nào khác với chúng tôi, tất nhiên, chúng tôi sẵn sàng xem xét những đề xuất đó”, bà Vorobieva nói.

Đại sứ Nga tại Indonesia cũng nhấn mạnh để thúc đẩy bất kỳ loại kế hoạch hòa bình nào, cần phải có thiện chí của cả hai bên.

“Sáng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto ngay lập tức bị phía Ukraine và phương Tây bác bỏ. Dù kế hoạch này là xấu hay tốt – cũng không ai để tâm. Câu trả lời đơn giản là 'không' và không có gì hơn. Việc thảo luận và nói về kế hoạch này, khi đối phương đã bác bỏ nó, là vô nghĩa”, bà Vorobieva nói.

Hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã đề xuất kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine. Ông đề xuất sẽ tạo ra một khu vực phi quân sự trong khoảng 15km từ vị trí của các bên.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định kế hoạch hòa bình mà ông đưa ra là lựa chọn khả thi duy nhất và có thể chấp nhận được đối với Kiev. Trước đó, tháng 11/2022, ông Zelensky đã đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm, trong đó Nga rút toàn bộ quân và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ông Zelensky cũng muốn đảm bảo an ninh và tạo ra cơ chế quốc tế để bồi thường tổn thất cho Ukraine bằng tài sản của Nga.

Về phần mình, phản ứng trước các nỗ lực hoà giải quốc tế, Nga nói rằng nước này sẵn sàng đàm phán với điều kiện các bên phải tôn trọng lợi ích của Moskva và thực tế trên chiến trường, song Kiev dường như không quan tâm đến việc nỗ lực tìm kiếm giải pháp hoà bình.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Đằng sau việc Ba Lan kêu gọi NATO phản ứng khi Nga gửi vũ khí hạt nhân đến Belarus
Đằng sau việc Ba Lan kêu gọi NATO phản ứng khi Nga gửi vũ khí hạt nhân đến Belarus

Tổng thống Ba Lan từng tuyên bố nước này muốn là nơi lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN