Nhật Bản sẽ triển khai hệ thống thanh toán mã QR chung với các quốc gia châu Á

Du khách từ 8 quốc gia châu Á trong đó có Singapore, Việt Nam… sẽ sớm có thể thanh toán mua hàng bằng ví mã QR nội địa khi đến Nhật Bản. Điều ngược lại cũng có thể áp dụng với du khách Nhật Bản.

.

Chú thích ảnh
Hệ thống thanh toán JPQR của Nhật Bản. Ảnh:  Hiệp hội thanh toán Nhật Bản

Nhật Bản đang nỗ lực để đảm bảo rằng hệ thống thanh toán JPQR của nước này tương thích với các tiêu chuẩn của 8 quốc gia châu Á bao gồm Singapore (SGQR), Malaysia (DuitNow QR), Indonesia (QRIS), Philippines (QRPh), Thái Lan (Thai QR Payment), Campuchia (KHQR), Việt Nam (VietQR) và Ấn Độ (BharatQR). Nhật Bản đặt mục tiêu bắt đầu kế hoạch này kịp thời cho Hội chợ triển lãm Thế giới Osaka dự kiến khai mạc vào tháng 4/2025.

Ông Kenichi Matsuguma, Giám đốc văn phòng xúc tiến thanh toán không dùng tiền mặt tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, phân tích với tờ The Straits Times (Singapore) về kế hoạch: “Một mã QR duy nhất trong cửa hàng có thể xử lý thanh toán từ nhiều đơn vị vận hành hệ thống thanh toán trên khắp châu Á”.

JPQR sẽ tương thích với một loạt ví thanh toán của Nhật Bản cũng như nước ngoài. Vì vậy, du khách 8 quốc gia châu Á đến Nhật Bản có thể sử dụng GrabPay hoặc PayNow để thực hiện thanh toán JPQR.

Nhưng Nhật Bản phải xử lý thách thức trước mắt là hệ thống JPQR mới chỉ được áp dụng ở 15.000 đơn vị kinh doanh trên cả nước, chủ yếu là các đơn vị nhỏ. Rất ít trong số này được khách du lịch nước ngoài thường xuyên lui tới.

Ông Kenichi Matsuguma phân tích: “Thách thức là không có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tham gia, mặc dù chúng tôi hy vọng việc du khách nước ngoài cũng sử dụng JPQR sẽ là chất xúc tác để thuyết phục họ”. Ông Matsuguma thừa nhận rằng Nhật Bản là quốc gia tụt hậu trong việc không dùng tiền mặt so với ASEAN. Năm 2022, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines đã ký hiệp ước thống nhất hệ thống thanh toán mã QR của họ.

Theo dữ liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, vào năm 2023, 39,3% tổng số giao dịch ở Nhật Bản là không dùng tiền mặt, gần gấp ba lần so với mức 13,2% năm 2010. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm 2020, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 83% tổng số giao dịch ở Trung Quốc và 93,6% ở Hàn Quốc.

Ông Matsuguma cho biết mục tiêu đặt ra là Nhật Bản đạt được 40% giao dịch không dùng tiền mặt vào năm 2025 và cuối cùng là 80%. Nhưng chưa có năm mục tiêu nào được đặt ra cho mức 80% này.

Thanh toán bằng thẻ tín dụng chiếm phần lớn các giao dịch không dùng tiền mặt ở Nhật Bản năm 2023, ở mức 83,5%, trong khi thanh toán bằng mã QR chỉ chiếm 8,6%.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Straits Times)
Đồng yen tăng mạnh: Liệu Chính phủ Nhật Bản có can thiệp vào thị trường tiền tệ?
Đồng yen tăng mạnh: Liệu Chính phủ Nhật Bản có can thiệp vào thị trường tiền tệ?

Đồng yen tăng lên mức 153,1 yen/USD vào lúc cao điểm ngày 1/5 tại New York sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), làm dấy lên suy đoán về một đợt can thiệp khác của Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN