Nga nói Đức và các thành viên NATO bị Mỹ chi phối, 'chiếm đóng'

Theo quan điểm của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Đức và phần còn lại của NATO đang chịu sự chi phối của Mỹ - quốc gia yêu cầu họ chi 2% GDP cho quân sự.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 8/2 cho rằng Mỹ tiếp tục “chiếm đóng” Đức xét theo mọi tiêu chuẩn khoa học, còn các đồng minh NATO của Mỹ đã "dâng" cả chủ quyền cho Washington và không được phép có tiếng nói về các vấn đề như Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) hội đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên vào ngày 7/2/2022. Ảnh: AP

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh RT (Nga), bình luận về cuộc hội đàm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 7/2 tại Washington, bà Zakharova chỉ ra rằng Berlin vẫn nằm dưới quyền của Washington kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. 

Bà Zakharova nói thêm: “Các đại sứ Mỹ tại Đức, những người được cho là sẽ làm việc ở đó để cải thiện quan hệ song phương, vẫn tiếp tục ra lệnh cho các quan chức Đức”. Ông Richard Grenell, Đại sứ Mỹ tại Berlin thời Chính quyền Donald Trump đã ra lệnh cho quan chức Đức hàng ngày về những việc phải làm đối với các vấn đề như Nord Stream 2.

Theo bà Zakharova, Đức đang bị Mỹ đối xử như là "nước bảo hộ", đồng thời lưu ý rằng điều này không chỉ thể hiện dưới dạng đòn bẩy tài chính, mà còn được hỗ trợ bởi 30.000 binh sĩ Mỹ tại thực địa.

"Tại sao Berlin lại cho phép mình bị đối xử như vậy là câu hỏi cần đặt ra với Đức, nhưng thực tế là đó không phải là mối quan hệ bình đẳng", bà Zakharova nói. 

Bà Zakharova cũng giải thích những nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn Berlin mua khí đốt tự nhiên của Nga thông qua đường ống Nord Stream 2 cho thấy Mỹ coi thường các lợi ích của Đức: “Đức cần loại khí đốt này không phải vì họ thích Nga hay muốn làm hài lòng chúng tôi. Họ cần khí đốt, đó là thứ nuôi sống nền kinh tế, đó là nguồn tài nguyên mà quá trình phát triển công nghiệp của Đức dựa vào, đó là thứ họ cần để sống, về cơ bản là vấn đề sống còn”.

Thay vào đó, Washington đang tìm cách hỗ trợ Đức mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Tuy nhiên, giá LNG của Mỹ cao hơn nhiều, vì vậy Mỹ đã yêu cầu Đức đánh thêm thuế người dân và bù đắp chênh lệch thông qua trợ cấp. Theo bà Zakharova, đây là hành vi sử dụng năng lượng làm đòn bẩy chính trị, chính xác là những gì Mỹ cáo buộc Nga.

Theo quan điểm của bà Zakharova, phần còn lại của châu Âu cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bà chỉ ra rằng giới lãnh đạo Mỹ đang điều khiển các thành viên NATO ở châu Âu và ra lệnh cho họ chi 2% GDP cho quân sự. 

Công Thuận/Báo Tin tức
Nga chuyển dịch dòng năng lượng từ Tây sang Đông
Nga chuyển dịch dòng năng lượng từ Tây sang Đông

Căng thẳng với Ukraine đang thúc đẩy Moskva kinh doanh dầu khí nhiều hơn với Trung Quốc và có thể sẽ giảm bớt với châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN