Nga coi F-16 ở Ukraine là máy bay có năng lực hạt nhân

Nga sẽ coi các máy bay chiến đấu đa chức năng F-16 do Ukraine vận hành là tài sản có khả năng hạt nhân, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố ngày 6/5.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngồi trên chiếc máy bay chiến đấu F-16 trong nhà chứa máy bay của căn cứ không quân Skrydstrup ở Vojens, miền Bắc Đan Mạch, ngày 20/8/2023. Ảnh: Sputnik

"Chúng tôi không thể bỏ qua thực tế rằng những chiếc máy bay này là nền tảng có hai mục đích, có thể được sử dụng cho cả nhiệm vụ hạt nhân và phi hạt nhân... Bất kể sửa đổi nào của máy bay sẽ được cung cấp [cho Ukraine], chúng tôi sẽ coi chúng là có khả năng hạt nhân và chúng tôi sẽ coi bước đi này của Mỹ và NATO là một hành động khiêu khích có mục đích”, tuyên bố của Bộ trên nêu rõ.

Bộ Ngoại giao Nga tiếp tục cảnh báo chính quyền Ukraine và các nhà tài trợ phương Tây rằng “hành vi liều lĩnh” của họ đang đẩy cuộc xung đột ở Ukraine đến mức không thể quay trở lại.

Tuyên bố cho biết: “Chính quyền ở Kiev và các nhà tài trợ phương Tây nên nhận ra rằng những bước đi liều lĩnh của họ đang đưa tình hình đến gần hơn với mức ‘tới hạn’ và bùng nổ”.

Bộ này cũng cho biết một số quốc gia thành viên NATO đang cố tình kéo liên minh quân sự này vào một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp với Nga. Tuyên bố của họ nhắc lại việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiều lần đề xuất rằng các lực lượng của Pháp và NATO nên được triển khai tới Ukraine để chiến đấu chống lại quân đội Nga.

“Những hành động này và một số hành động khác của các quốc gia thành viên NATO cho thấy họ đang cố tình biến cuộc khủng hoảng Ukraine thành một cuộc đụng độ quân sự công khai giữa các nước NATO và Nga nhằm gây ra một ‘thất bại chiến lược’ cho đất nước chúng tôi”, tuyên bố viết.

Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra rằng các cuộc tập trận quân sự sắp tới nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược Nga nên được xem xét trong bối cảnh các tuyên bố hiếu chiến gần đây của các quan chức phương Tây và các hành động gây bất ổn của NATO.

"Liên quan đến các cuộc tập trận quân sự sắp tới của Nga nhằm thực hành sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược, chúng tôi lưu ý rằng sự kiện này nên được xem xét trong bối cảnh các tuyên bố hiếu chiến gần đây của các quan chức phương Tây và các hành động gây bất ổn mạnh mẽ được thực hiện bởi một số nước NATO nhằm mục đích nhằm gia tăng áp lực vũ lực lên Nga và tạo thêm các mối đe dọa đối với an ninh đất nước chúng ta liên quan đến cuộc xung đột trong và xung quanh Ukraine”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Chú thích ảnh
Một chiếc F-16 cất cánh mang theo tên lửa Sidewinder từ căn cứ Lực lượng Phòng không Quốc gia ở Nam Burlington, Mỹ. Ảnh: Sputnik

Nga kỳ vọng cuộc tập trận sắp tới sẽ "hạ nhiệt" một số "cái đầu nóng" ở các thủ đô phương Tây.

Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga bắt đầu chuẩn bị tổ chức các cuộc tập trận trong tương lai gần với các đơn vị tên lửa của Quân khu phía Nam, với sự tham gia của lực lượng không quân cũng như hải quân, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Bộ này cho biết trong cuộc tập trận, các lực lượng vũ trang Nga sẽ thực hành một loạt hoạt động chuẩn bị và sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược.

Hơn nữa, Nga đã quyết định đẩy mạnh phát triển và triển khai sản xuất tên lửa tầm trung và tầm ngắn để đáp trả hành động của Mỹ.

Bộ trên đề cập rằng Mỹ đã bắt đầu "công khai" đi theo con đường triển khai hệ thống mặt đất với tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở nhiều khu vực mà trước đây bị cấm bởi hiệp ước INF (Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung).

"Sau đó, Mỹ ngay lập tức đẩy mạnh phát triển và thử nghiệm các hệ thống tên lửa thuộc loại được đề cập (trong INF), đồng thời họ cũng bắt đầu thành lập các đơn vị quân đội chuyên biệt tập trung vào các khu vực và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết. Hiện tại, Mỹ đã bắt đầu đưa các hệ thống tên lửa liên quan đến châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được cho là để diễn tập với các đồng minh - cho thấy rằng việc sản xuất và sử dụng các loại vũ khí này trong các cuộc tập trận là có hiệu lực", tuyên bố viết.

Bộ Ngoại giao nói thêm rằng Nga có quyền phản ứng tương ứng với sự xuất hiện của tên lửa tầm trung và tầm ngắn do Mỹ sản xuất ở bất kỳ nơi nào và "điều đó đồng nghĩa việc chấm dứt lệnh cấm đơn phương của Nga đối với việc triển khai các hệ thống vũ khí này".

"Để đáp lại hành động của Mỹ, Nga đang đẩy mạnh phát triển và bắt đầu sản xuất các hệ thống tên lửa tương tự. Hơn nữa, xét đến hoạt động nghiên cứu và phát triển đã công bố trước đó cũng như sự phát triển tích lũy của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga, quá trình này sẽ không mất nhiều thời gian. Khi phải đưa ra các quyết định tiềm tàng về việc triển khai những loại vũ khí như vậy, chúng tôi sẽ tùy ý quyết định nơi sẽ triển khai chúng”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu.

F-16 Fighting Falcon ("Chim Cắt") là loại máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm vụ do General Dynamics và Lockheed Martin sản xuất dành riêng cho Không quân Mỹ. Được thiết kế như một máy bay chiến đấu hạng nhẹ, nó đã trở thành một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ thành công. Sự linh hoạt và giá thành không quá cao là lý do đưa tới thành công của F-16 trên thị trường xuất khẩu. Hiện nó đang được sử dụng tại 24 quốc gia. Tính đến năm 2016, F-16 là chương trình máy bay lớn nhất của phương Tây với hơn 4.500 chiếc đã được chế tạo từ khi nó bắt đầu được sản xuất năm 1976.

Tháng 8 năm ngoái, Mỹ đã chấp thuận chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 từ Đan Mạch và Hà Lan cho Ukraine ngay sau khi khóa huấn luyện phi công Ukraine hoàn tất.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhận định thời điểm Ukraine có thể phản công Nga
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhận định thời điểm Ukraine có thể phản công Nga

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Ukraine có thể nhận được viện trợ từ Mỹ nhưng sẽ phải chờ đến năm 2025 mới có thể triển khai một cuộc phản công nhằm vào Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN