Năng lượng gió - nguồn cung cấp điện chính của nền kinh tế số một châu Âu

Theo báo cáo ngày 26/4 của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức, nước này đang đạt những tiến bộ mới trong việc phát triển năng lượng tái tạo.

Báo cáo cho biết trong quý I năm nay, lượng điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo đã tăng đáng kể, đạt mức gần 77 TWh, cao hơn khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, việc phê duyệt các dự án lắp đặt hệ thống quang điện và năng lượng gió cũng có xu hướng gia tăng rõ ràng.

Theo số liệu sơ bộ của Trung tâm nghiên cứu năng lượng Mặt Trời và hydro Baden-Württemberg (ZSW) và Hiệp hội công nghiệp năng lượng và nước liên bang Đức, tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm khoảng 56% lượng điện tiêu thụ ở Đức trong quý đầu tiên của năm nay.

Báo cáo của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức cho biết năng lượng gió trên bờ là nguồn cung cấp điện quan trọng nhất ở nước này trong năm 2023, đóng góp 22% tổng lượng điện năng được sản xuất, với 142,1 tỷ kWh năm 2023 và 124,8 tỷ kWh năm 2022. Đây là lần đầu tiên các hệ thống tua bin gió tại Đức tạo ra nhiều điện hơn tất cả các nhà máy điện than cộng lại.

Xu hướng này tiếp tục trong quý I/2024. Số lượng phê duyệt các hệ thống điện gió mới cũng ngày càng tăng. Chỉ riêng trong quý I/2024, số tua bin gió mới được phê duyệt đạt tổng công suất 2,8 GW, vượt lượng phê duyệt trong cả năm 2017 và 2018 cộng lại (2,4 GW).

Điện gió ngoài khơi cũng có bước phát triển đáng kể trong năm 2023, đóng góp 5% vào tổng sản lượng điện được tạo ra ở Đức.

Trong khi đó, năng lượng Mặt Trời có xu hướng gia tăng rõ nét nhất. Năm 2023, số lượng hệ thống năng lượng Mặt Trời được lắp đặt ở Đức đạt mức kỷ lục và tăng gấp đôi so với năm 2022. Tỷ lệ quang điện trong tổng sản lượng điện là 12%. Đầu năm 2024, tốc độ phát triển quang điện thậm chí còn gia tăng hơn nữa với 3,7 GW công suất được lắp đặt mới chỉ trong quý I, cao hơn gần 17,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck khẳng định nước Đức đang đạt được tiến bộ thực sự trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Những nỗ lực để quá trình này diễn ra nhanh hơn đang mang lại kết quả tốt, khi hơn một nửa lượng điện tiêu thụ của Đức đến từ năng lượng tái tạo, điện gió, điện Mặt Trời và mạng lưới truyền tải điện đều đang được gia tăng mạnh mẽ. Điều quan trọng hiện tại là tiếp tục đi đúng hướng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Vũ Tùng  (Pv TTXVN tại Berlin)
Hợp tác thúc đẩy triển khai năng lượng sạch, giảm phát thải nhà kính
Hợp tác thúc đẩy triển khai năng lượng sạch, giảm phát thải nhà kính

FPT là công ty công nghệ đầu tiên của Việt Nam tham gia hợp tác với Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) với mục tiêu thiết lập kế hoạch đạt Net Zero vào năm 2040.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN