Iran lần đầu 'đặt chân' vào châu Phi sau một thập kỷ

Bộ Ngoại giao Iran cho biết Tehran đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ kinh tế với các quốc gia trên lục địa đen.

Chú thích ảnh
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đến Nairobi. Ảnh: CNN

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 12/7 đã đến Nairobi, thủ đô Kenya trước sự chào đón trên thảm đỏ từ người đồng cấp Kenya William Ruto, khi ông bắt đầu chuyến công du ba quốc gia ở Đông Phi.

Theo Bộ Ngoại giao Iran, chuyến thăm nhằm thúc đẩy sự tương tác chặt chẽ hơn với các nước châu Phi, cũng như đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu của Iran và tạo thêm cơ sở cho hợp tác chính trị và thương mại.

Chuyến công du của Tổng thống Raisi đến Châu Phi diễn ra hơn một thập kỷ sau khi cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đến thăm Benin, Niger và Ghana vào năm 2013.

Nhà lãnh đạo Iran cũng sẽ đến thăm Uganda và Zimbabwe, trong một chuyến đi mà Tehran mô tả là một “khởi đầu mới” trong quan hệ với châu lục mà họ gọi là “vùng đất của những cơ hội” và “vận may”.

Với chuyến công du quan trọng này, Iran muốn tìm cách mở rộng thương mại ở châu Phi. Bộ Ngoại giao Iran bày tỏ hy vọng thương mại với các nước châu Phi sẽ tăng lên hơn 2 tỷ USD trong năm nay. 

Ngoại trưởng Iran, Hossein Amir-Abdollahian nhấn mạnh, các nguồn tài nguyên khoáng sản và cơ hội kinh tế của châu Phi trong các lĩnh vực khác nhau, cũng như của Cộng hòa Hồi giáo Iran, sẽ cung cấp “cơ sở quan trọng cho cả hai bên để phát triển các lợi ích và thu lợi từ các năng lực hiện có”.

Theo thông báo của Tổng thống Kenya Ruto, Tehran đã đồng ý thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu và công nghệ của đất nước ông trong lĩnh vực sản xuất, y tế và nền kinh tế xanh. Hai nước cũng đã hoàn tất các biên bản ghi nhớ quan trọng trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, văn hóa và di sản, thông tin và truyền thông, thủy sản, nhà ở, cũng như phát triển đô thị.

“Kenya rất quan tâm đến việc tăng cường khối lượng thương mại với Iran", Tổng thống Ruto nói, đồng thời cho biết thêm rằng Nairobi sẽ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và chè của mình sang Tehran, “nơi cũng sẽ đóng vai trò là điểm nhập cảnh quan trọng đối với các nước Trung Á.”

Bên cạnh thúc đẩy thương mại, Iran cũng nhắm tới thúc đẩy hoạt động ngoại giao, củng cố quan hệ chính trị. Chuyến thăm của ông tới Uganda và Zimbabwe dự kiến ​​sẽ ưu tiên thảo luận về thương mại và quan hệ song phương.

Một số chi tiết đã được tiết lộ về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Iran tới hai nước. Theo đó, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni, một đồng minh của Mỹ về các vấn đề an ninh, trước đây đã lên tiếng ủng hộ chương trình hạt nhân của Iran, nhấn mạnh quyền của các quốc gia có chủ quyền được theo đuổi các hoạt động hạt nhân vì mục đích hòa bình. Uganda cũng đang tìm cách thành lập một nhà máy điện hạt nhân với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc. Tại Zimbabwe, quốc gia cũng đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, một phái đoàn cấp bộ trưởng đã đến thăm Tehran vào đầu năm nay để tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác, bao gồm cả thương mại dầu mỏ.

Tháng trước, Tổng thống Iran Raisi đã tới Mỹ Latinh, sau chuyến thăm Indonesia, tất cả nằm trong nỗ lực mở rộng phạm vi ngoại giao của Tehran tới các nước đang phát triển, nơi hàng chục thỏa thuận đã được ký kết. Nhà lãnh đạo Iran chỉ trích các hành động của Washington, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran và các đồng minh ở Mỹ Latinh của nước này.

Iran đã phải gánh chịu lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ năm 2018, khi Tổng thống lúc đó là Donald Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân đa phương và áp đặt lại các hạn chế kinh tế đối với Tehran.

Đầu tháng này, Iran đã trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Liên minh an ninh ra đời từ năm 2001, gồm các quốc gia: Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan, ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, thương mại, kinh tế, tài chính và đầu tư, cũng như trong quan hệ văn hóa và vấn đề nhân đạo.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT, DW)
Iraq đạt được thỏa thuận đổi dầu thô lấy khí đốt với Iran
Iraq đạt được thỏa thuận đổi dầu thô lấy khí đốt với Iran

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al Sudani ngày 11/7 thông báo nước này đã ký kết một thỏa thuận đổi dầu thô lấy khí đốt với Iran, động thái sẽ giúp chấm dứt tình trạng thiếu nguồn cung cấp khí đốt cần thiết để vận hành các nhà máy điện ở Iraq.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN