Hòn đảo tại Thái Lan cạn kiệt nước ngọt trong mùa du lịch

Tại đảo Koh Samui (Thái Lan), giới chức đang nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt kéo dài nhiều tháng vì không muốn hòn đảo này trở thành “khu vực thảm họa”.

Chú thích ảnh
Đảo Koh Samui, Thái Lan. Ảnh:Alamy

Theo trang The Guardian, ông Sutham Samthong, Phó thị trưởng của đảo Koh Samui, đã phải kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm nước, trong bối cảnh lượng mưa sụt giảm và sự phục hồi của ngành du lịch đã gây áp lực lớn lên nguồn cung nước ngọt.

Ông Sutham cho biết đảo Samui cần khoảng 30.000 m3 nước mỗi ngày. Trong đó, khoảng 24.000 m3 sẽ được bơm qua một đường ống từ thành phố Surat Thani trên đất liền. Nhu cầu còn lại sẽ được đảm nhiệm bởi các hồ chứa. Theo ông, với sự quản lý chặt chẽ, hòn đảo này có thể tồn tại trong vòng 2 tháng tiếp theo trước khi mưa tới.

“Chúng tôi không tự mãn. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết tình hình. Chúng tôi không muốn chính quyền tỉnh hay các cấp cao hơn tuyên bố Koh Samui là một khu vực thảm họa”, ông chia sẻ.

Samui – hòn đảo nổi tiếng với những bãi biển cát trắng, những ngôi đền tuyệt đẹp và khu nghỉ dưỡng sang trọng – thường xuyên phải vật lộn với tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô từ tháng 3 đến tháng 5. Giới chức lo ngại hiện tượng El Niño, kết hợp với lượng mưa ít hơn, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng hơn trong năm nay.

Cô Jutharath, làm việc tại một tiệm massage ở khu vực Bo Phut, cho biết trong 3 tháng qua, các vòi nước chỉ hoạt động 1 - 2 ngày/tuần. Có những thời điểm, người dân bị mất nước suốt cả tuần Jutharath phải mua nước từ những chiếc xe bán tải có bể chứa để đảm bảo nguồn cung.

“Hàng xóm của tôi đôi khi phải đi bộ đến ngôi đền gần đó, chỉ để sử dụng phòng tắm vì không có nước. Tôi có một tiệm massage và phòng cho thuê. Tình trạng mất nước đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc kinh doanh của tôi”, cô cho biết.

Theo chủ tịch Hiệp hội Du lịch đảo Koh Samui, ông Ratchaporn Poolsawadee, thay vì được hưởng lợi từ sự hồi phục của ngành du lịch, các khách sạn và doanh nghiệp phải dùng lợi nhuận để mua nước với chi phí đắt đỏ. Ngay cả khi có tiền, nguồn cung nước cũng khan hiếm.

“Khi dùng hết nước, người dân không thể mua nước ngay lập tức, họ cần phải lên kế hoạch trước,” ông nói thêm.

Ông Ratchaporn cho biết số phòng cho thuê trên đảo đã tăng từ 5.000 phòng trong đại dịch lên 25.000 phòng - tương đương với con số được ghi nhận trong năm 2019. Do đó, các vấn đề như quản lý nước và chất thải cũng đang xuất hiện trở lại.

Tiến sĩ Kannapa Pongponrat Chieochan, trợ lý giáo sư tại Đại học Thammasat, người đã nghiên cứu các sáng kiến tiết kiệm nước ở Koh Samui, cho biết tình trạng thiếu nước ngọt bắt nguồn từ việc lập kế hoạch yếu kém.

Bà Kannapa cho biết cơ sở hạ tầng gặp khó khăn để đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng trên hòn đảo. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của các các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và sân golf cũng khiến nhu cầu tăng thêm.

“Samui có rất nhiều spa, biệt thự có hồ bơi. Dựa trên nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng đó hầu hết những tập đoàn lớn, khách sạn lớn, khu nghỉ dưỡng 4 hoặc 5 sao, những khu sang trọng, nơi cần tiêu thụ nhiều nước. Do đó, các cộng đồng xung quanh đã bị thiếu nước vì tất cả nước đều được bơm vào các khu nghỉ dưỡng,” bà nói.

Bà cho biết thêm rằng trong khi các doanh nghiệp lớn có thể mua nước từ các xe chở nước, thì những nhà điều hành nhỏ hơn và người dân khó khăn lại dễ bị tổn thương hơn.

“Tôi kêu gọi mọi người tiết kiệm nước, sử dụng tiết kiệm. Nếu chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta có thể vượt qua khó khăn này,” phó thị trưởng Sutham nói.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Guardian)
Ngôi làng ở Thái Lan bị nước biển nhấn chìm từng ngày
Ngôi làng ở Thái Lan bị nước biển nhấn chìm từng ngày

Trong những thập kỷ gần đây, Ban Khun Samut Chin, ngôi làng ven biển ở tỉnh Samut Prakan của Thái Lan, cách ngoại ô Bangkok khoảng 10 km, đang dần bị biển “nuốt chửng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN