Đức bác bỏ yêu cầu của Ba Lan về việc bồi thường chiến tranh

Bộ Ngoại giao Ba Lan ngày 3/1 cho biết phía Đức đã chính thức bác bỏ yêu cầu của Vácsava về việc bồi thường thiệt hại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, ước tính lên tới 1.300 tỷ euro (1.400 tỷ USD).

Chú thích ảnh
Adolf Hitler quan sát binh lính Đức Quốc xã hành quân vào Ba Lan. Ảnh minh họa: Sputnik

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ba Lan, Chính phủ Đức cho rằng vấn đề bồi thường thiệt hại thời chiến đã khép lại và Berlin không có ý định đàm phán về vấn đề này. Bộ Ngoại giao Ba Lan khẳng định sẽ tiếp tục yêu cầu Đức bồi thường về "việc xâm lược và chiếm đóng" trong giai đoạn 1939-1945.

Cũng trong ngày 3/1, Ba Lan đã kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ nỗ lực của nước này trong việc đòi bồi thường thiệt hại trong chiến tranh. 

Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 2015, đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền ở Ba Lan (PiS) đã đấu tranh cho vấn đề này, cho rằng Đức có "nghĩa vụ đạo đức" phải bồi thường cho Ba Lan. Tháng 9/2022, Ba Lan ước tính thiệt hại tài chính do Chiến tranh Thế giới thứ hai gây ra đối với nước này là 1.300 tỷ euro và đã gửi công hàm chính thức tới Berlin yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, Chính phủ Đức đã nhiều lần bác bỏ đề nghị này, cho rằng Ba Lan đã chính thức từ bỏ các yêu cầu như vậy trong một hiệp định ký năm 1953.

Trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau hồi tháng 10/2022, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thừa nhận những nỗi đau dai dẳng mà nước này đã gây ra tại Ba Lan trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, song khẳng định vấn đề bồi thường đã khép lại.

Số liệu thống kê cho thấy khoảng 6 triệu người Ba Lan, trong đó có 3 triệu người gốc Do Thái, đã bị sát hại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và thủ đô Vácsava của nước này đã bị san phẳng vào năm 1944, khiến khoảng 200.000 dân thường thiệt mạng.

Văn Khoa (TTXVN)
Ngoại trưởng Nga: Washington đã thông báo không muốn chiến tranh trực tiếp chống lại Moskva
Ngoại trưởng Nga: Washington đã thông báo không muốn chiến tranh trực tiếp chống lại Moskva

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, thông điệp nêu trên được chuyển qua các kênh ngoại giao. Về phần mình, Nga muốn giải quyết tình hình Ukraine và kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN