Chuyên gia Nga bình luận về cuộc tập trận quân sự Mỹ - Armenia

Cuộc tập trận "Eagle Partner 2023" tuy dự kiến chỉ là một sự kiện nhỏ nhưng dường như là bước đi mới nhất của Armenia nhằm phản ứng với Nga liên quan đến tranh chấp giữa Armenia - Azerbaijan đang diễn ra về khu vực Nagorny - Karabakh.

Chú thích ảnh
Các binh sĩ thuộc những nước thành viên CSTO tham gia tập trận ở Armenia năm 2022. Ảnh: AFP

Theo tờ Vedomosti (Nga) ngày 7/9, cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Armenia sắp tới đang gây lo ngại ở Nga, đặc biệt là trong bối cảnh leo thang quân sự hơn nữa ở biên giới Armenia - Azerbaijan. 

Bộ Quốc phòng Armenia thông báo rằng cuộc tập trận "Eagle Partner 2023" (Đối tác Đại bàng 2023) sẽ được tổ chức tại nước này từ ngày 11 đến ngày 20/9 như một phần của quá trình "chuẩn bị tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế". Ngược lại, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng Moskva sẽ phân tích diễn biến này và theo dõi tình hình.

Trong cuộc tập trận Eagle Partner 2023, binh sĩ hai bên sẽ tiến hành các hoạt động “nhằm ổn định mối quan hệ giữa các bên xung đột trong việc thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình”. Reuters dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, các trang thiết bị hạng nặng sẽ được sử dụng trong cuộc tập trận và 175 binh sĩ, sĩ quan người Armenia và 85 lính Mỹ dự kiến sẽ tham gia diễn tập.

Theo Alexander Iskandaryan, Giám đốc Viện Caucasus, Armenia đã tương tác với NATO dưới nhiều hình thức khác nhau trong nhiều năm, bao gồm cả thông qua chương trình tập trận chung để chuẩn bị cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. Chuyên gia này cho biết quân đội Armenia thường xuyên tham gia các hoạt động sau xung đột ở Iraq và Afghanistan, lưu ý rằng: “Trong trường hợp này, đây là một sự kiện thường lệ, sẽ không cản trở sự tương tác giữa Nga và Armenia”.

Về phần mình, Stanislav Pritchin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Hậu Xô Viết thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Primakov (IMEMO RAS) nhận định, kế hoạch tổ chức cuộc tập trận trên cho thấy Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan không hài lòng với việc Nga tiếp tục giữ thái độ trung lập trong tranh chấp Armenia - Azerbaijan đang diễn ra liên quan đến khu vực Nagorny - Karabakh.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, Nga vẫn là nhà bảo đảm không thể tranh cãi cho an ninh của Armenia, vì cả Pháp, Mỹ và NATO nói chung đều không thể hoàn thành vai trò này do những hạn chế về địa lý và chính trị.

Nga có truyền thống thống trị khu vực Nam Caucasus, nơi biên giới của Liên Xô từng bao trùm các quốc gia hiện độc lập là Armenia, Azerbaijan và Gruzia. Moskva vẫn có căn cứ quân sự ở Armenia và nước này là một phần của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu.

Nhưng quan hệ Nga - Armenia đang xấu đi do tranh chấp Armenia - Azerbaijan đang diễn ra ở Nagorny - Karabakh, khu vực được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng có 120.000 người chủ yếu là người dân tộc Armenia. 

Hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 8/9 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, truyền thông Armenia gần đây thường đưa tin tiêu cực về Moskva, một xu hướng không thể làm hài lòng cả hai nước. 

Công Thuận/Báo Tin tức
Phương Tây kéo Armenia về phía mình như thế nào giữa xung đột Ukraine
Phương Tây kéo Armenia về phía mình như thế nào giữa xung đột Ukraine

Mục tiêu của các cuộc tập trận chung Mỹ-Armenia có thể là cố gắng "đẩy Nga ra khỏi khu vực, để chứng tỏ Nga không có khả năng giải quyết các vấn đề đang tồn tại" - theo chuyên gia Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN