Chính phủ Đức tìm giải pháp khi người dân bỏ hẹn tiêm vaccine COVID-19

Tình trạng hủy hẹn tiêm vaccine tăng mạnh ở thời điểm biến chủng Delta (B.1.617) vốn phát hiện lần đầu ở Ấn Độ tiếp tục lây lan. Trước thực trạng này, chính phủ Đức đã thực hiện nhiều biện pháp để khuyến khích người dân tiêm vaccine phòng COVID-19.

Chú thích ảnh
Chiến dịch quảng cáo "Đức xắn tay áo" dường như chưa đạt hiệu quả. Ảnh: DW

Trang DW (Đức) cho biết câu khẩu hiệu của chiến dịch tiêm vaccine tại nước này trong 6 tháng qua là “Đức xắn tay áo”. Chính phủ Đức đã chi 25 triệu euro dành cho quảng cáo trên tivi, internet, poster. Hiện nay, người Đức thật sự cần xắn tay áo để tiêm vaccine hơn bao giờ hết.

Trên 56% dân số Đức đã tiêm một liều vaccine và 39% tiêm đủ 2 liều vaccine. Đức đang cố gắng hướng đến mục tiêu hàng đầu để đạt được miễn dịch cộng đồng là tiêm vaccine cho 85-90% dân số. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu những cá nhân vẫn còn lưỡng lự hoặc không muốn tiêm được thuyết phục để đổi ý.

Tuy nhiên, chiến dịch dường như chưa tác động được đến người dân Đức.

Ông Steffen Egner tại công ty nghiên cứu quảng cáo MediaAnalyzer đã tiến hành nghiên cứu 500 người về ảnh hưởng của chương trình “Đức xắn tay áo” và nhận thấy những người vẫn chưa chắc chắn hoặc tiêu cực về tiêm vaccine đều chưa được tiếp cận bởi chương trình này. Ông Egner nhận định rằng nếu phải chấm điểm, chương trình này chỉ được điểm C hoặc D.

Theo ông Egner, điều khác biệt lớn nhất là các chương trình quảng cáo, và nhãn hàng đều biết chính xác khách hàng mà họ nhắm tới là ai. 1/5 số người còn chưa quyết định tiêm vaccine tham gia khảo sát cho biết thông điệp từ các quảng cáo chưa tác động được đến cảm xúc của họ.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Miễn dịch học Đức Christine Falk tự nhận bà có thể thuyết phục những người còn ngần ngại tiêm vaccine COVID-19 trong 15 phút. Bà Falk dự kiến nói với họ: “Vaccine là tấm khiên chắn tốt nhất dành cho bạn. Bất cứ ai không tiêm vaccine có thể mắc COVID-19 dù sớm hay muộn”.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine tại một nhà máy ở Zwickau (Đức). Ảnh: AP

Tuy nhiên, tình trạng ngần ngại tiêm vaccine vẫn lan truyền tại Đức với các trung tâm tiêm chủng ghi nhận số trường hợp hủy tiêm mũi 2 tăng vọt. DW tiếp cận dữ liệu tại vùng North Rhine và nhận kết quả 6% người có lịch hẹn tiêm đã không xuất hiện. Tại Berlin trong những tuần gần đây thậm chí có tới 1/5 trường hợp hẹn tiêm vaccine đã hủy hoặc trì hoãn lịch.

Lãnh đạo của Hội chữ Thập Đỏ Đức ở Berlin-ông Mario Czaja đề xuất phạt từ 25-30 euro với những người bỏ tiêm theo lịch hẹn. Nhiều quan chức chính phủ cũng đứng về phía kêu gọi áp đặt hình phạt vớ những người bỏ hẹn tiêm vaccine.

Tuy nhiên, Sở Y tế bang North Rhine-Westphalian chia sẻ với DW rằng có thể có lý do khác dẫn đến xu thế này. Theo đó, người dân bỏ tiêm mũi thứ 2 tại các trung tâm y tế bởi họ lựa chọn tiêm tại những nơi có lịch hẹn nhanh chóng hơn, như văn phòng bác sĩ.

Viện Robert Koch (Đức) đánh giá rằng việc bỏ tiêm mũi thứ hai có thể dẫn đến hậu quả chết người ở thời điểm biến chủng Delta lây lan.

Chủ tịch Hiệp hội Miễn dịch học Đức và Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đều có đề xuất tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba cho người dân trong mùa Đông hoặc mùa Thu, đặc biệt là những nhóm nhiều rủi ro.

Một số chính khách Đức muốn thiết lập hệ thống thưởng để có thể khuyến khích những người còn ngờ vực đi tiêm. Ví dụ như tại Mỹ, nhiều người dân sẽ được thưởng bia, bánh rán khi tiêm vaccine COVID-19.

Chính phủ Đức hiện xem xét việc tiến hành một chương trình quảng cáo mới khuyến khích tiêm vaccine COVID-19 với sự tham gia của người nổi tiếng.

Hà Linh/Báo Tin tức
Rơi máy bay tại Nga: Tiến hành điều tra theo 3 giả thuyết
Rơi máy bay tại Nga: Tiến hành điều tra theo 3 giả thuyết

Hãng tin Nga TASS cho biết Ủy ban Điều tra LB Nga cho biết cuộc điều tra vụ rơi máy bay chở khách AN-26 ở Kamchatka vào ngày 6/7 đang được thực hiện theo 3 giả thuyết, trong đó có yếu tố điều kiện thời tiết và lỗi của phi hành đoàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN