Châu Âu đối mặt với lựa chọn khó khăn sau động thái của Nga về Ukraine

Bán năng lượng là nguồn thu lớn của Nga nhưng EU không muốn cắt đứt các dòng dầu và khí đốt từ Nga trong trường hợp xung đột leo thang hơn ở Ukraine. Châu Âu vẫn bị mắc kẹt vào các đường ống cung cấp của Gazprom và đã không đạt được bước tiến đáng kể nào trong giảm phụ thuộc.

Theo Politico.eu ngày 21/2, khi phương Tây cân nhắc làm thế nào để trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin vì leo thang xung đột ở Ukraine, châu Âu có nguy cơ cao sẽ là bên cung cấp tiền cho hành động của Điện Kremlin thông qua các khoản thanh toán cho dầu và khí đốt.

Hiện nay, dường như không ai có thể dễ dàng giải quyết vấn đề hóc búa đó. 

Chú thích ảnh
Xe tăng Nga ở khu vực gần biên giới Ukraine. Ảnh: AFP

Châu Âu đã công khai bày tỏ quan điểm về các biện pháp trừng phạt chống Nga, thậm chí trước khi Nga điều lực lượng gìn giữ hòa bình tới miền Đông Ukraine vào đêm 21/1. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế, còn Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng các công ty Nga sẽ không thể thực hiện các giao dịch bằng đồng USD hay bảng Anh.

Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đó có thể ảnh hưởng nặng nề đến Moskva, nhưng lập trường của EU là mơ hồ khi siết chặt nguồn thu từ hydrocarbon quan trọng của Nga, vốn chiếm hơn 1/3 ngân sách của nước này. Hiện vẫn chưa rõ liệu các lệnh trừng phạt ngân hàng có ngăn cản các khoản thanh toán của EU cho công ty khí đốt nhà nước Gazprom của Nga hay không. Nếu không có gì thay đổi, nguồn thu từ năng lượng có khả năng tiếp tục đổ về Moskva, ngay cả xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine.

Vấn đề chính là châu Âu bị mắc kẹt vào các đường ống cung cấp của Gazprom và Brussels đã không đạt được bước tiến đáng kể nào trong giảm phụ thuộc như họ đã cam kết sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Vào năm 2020, 35% lượng khí đốt mà EU nhập khẩu đến từ Nga, tăng so với 26% năm 2010. Năm 2021, tỷ trọng nhập khẩu khí đốt từ Nga vào EU là hơn 42%, chỉ tính riêng qua đường ống, không bao gồm các chuyến hàng vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Bà Maria Shagina, một thành viên cấp cao tại Viện Vấn đề Quốc tế Phần Lan cho biết: “Năng lượng là một vấn đề quan trọng gây tranh cãi mà mọi người đều biết nhưng không ai đề cập hoặc muốn thảo luận".

Trong khi Mỹ là đối thủ nặng ký về quân sự của phương Tây trong việc đối phó với Nga, thì về mặt lý thuyết, châu Âu có đòn bẩy kinh tế lớn hơn, nếu họ chọn sử dụng nó. Châu Âu có giao dịch thương mại với Nga nhiều hơn gần 10 lần so với Mỹ.

Tuy nhiên, sự tổn thương về nguồn cung khí đốt có vẻ quá lớn. Thủ tướng Italy Mario Draghi cuối tuần trước nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt không nên bao gồm lĩnh vực năng lượng. Ông nói: “Các biện pháp trừng phạt phải hiệu quả nhưng cũng phải bền vững".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen đã phản bác lại nhận xét của của nhà lãnh đạo Italy, cho rằng tất cả các lựa chọn đều được thảo luận khi nói đến lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, về mặt thực tế, EU sẽ không thể đạt đồng thuận về các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng nếu không có sự ủng hộ từ một quốc gia lớn như Italy. 

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cũng không mặn mà với bất kỳ hạn chế nào đối với dòng khí đốt từ Nga, quốc gia muốn mở rộng thông qua đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Khi được hỏi lợi ích kinh doanh của Đức có ảnh hưởng gì nếu các biện pháp trừng phạt được đưa ra, Rolf Mützenich, lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội Đức, thừa nhận rằng những tác động trực tiếp đối với nền kinh tế là một yếu tố quan trọng cần xem xét.

Hiệp hội ngành công nghiệp BDI của Đức lưu ý rằng giá năng lượng và khí đốt tăng cao đe dọa phá hủy nền kinh tế và tình hình nghiêm trọng đến mức ngay cả các công ty quy mô vừa trong nhiều lĩnh vực khác nhau, vốn trung thành với vị trí của mình, cũng đang phải cân nhắc chuyển ra nước ngoài.

Khí đốt cũng chỉ là một trong những yếu tố cho thấy châu Âu phụ thuộc vào năng lượng. EU còn nhập khẩu một nửa lượng than từ Nga. Năm 2020, Moskva cũng là đối tác thương mại dầu thô chính của EU, vượt xa Na Uy, Kazakhstan và Mỹ.

Do đó, không có nhà lãnh đạo lớn nào của châu Âu trực tiếp tranh luận rằng EU nên ngừng mua những thứ này từ Nga trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Mike Fulwood, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nhận xét: "EU không có khả năng nhắm mục tiêu vào lĩnh vực năng lượng vì việc từ chối mua dầu, khí đốt và than từ Nga sẽ gây thiệt hại lớn cho các nền kinh tế EU trong ngắn hạn nhiều hơn là đối với Nga".

Vấn đề phức tạp khác là liệu các lệnh trừng phạt tài chính của EU - chẳng hạn nhắm vào hệ thống thanh toán SWIFT - có thực sự là một cách gián tiếp để làm gián đoạn các khoản thanh toán bằng khí đốt hay không. Chuyên gia Fulwood lưu ý rằng Nga có thể giữ lại các lô hàng khí đốt vì vấn đề này: "Nếu cắt các khoản thanh toán cho Nga theo SWIFT thì khả năng Gazprom cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt sẽ tăng lên vì họ sẽ không được thanh toán". Francesco Giumelli, Phó Giáo sư tại Đại học Groningen, cũng cho rằng các khách hàng từ EU có thể tìm các cách khác để thanh toán. 

Tóm lại, câu hỏi chính trị rộng lớn hơn là liệu các công dân EU có sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình vì Ukraine hay không.

Công Thuận/Báo Tin tức
Hội đồng châu Âu thông qua khoản tài chính hỗ trợ Ukraine ổn định kinh tế
Hội đồng châu Âu thông qua khoản tài chính hỗ trợ Ukraine ổn định kinh tế

Hội đồng châu Âu ngày 21/2 xác nhận rằng cơ quan này đã hoàn tất quá trình thông qua khoản hỗ trợ tài chính vĩ mô trị giá 1,2 tỷ euro (khoảng 1,36 tỷ USD) dành cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN