Đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân khu vực ven biển Gò Công trong mùa khô

Hằng năm, cứ đến mùa khô hạn, nhân dân các huyện, thị ven biển phía Đông tỉnh Tiền Giang như Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Tân Phú Đông phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt trầm trọng.

Chú thích ảnh
Huyện Gò Công, Tiền Giang triển khai hàng trăm điểm bơm chuyền trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống, phòng chống hạn bảo vệ lúa. Ảnh tư liệu: TTXVN

Mùa khô 2021-2022, tình trạng trên được cải thiện nhờ địa phương sớm triển khai các phương án, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân đang sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh, tùy từng khu vực, địa phương đưa ra những giải pháp cần thiết, phù hợp, hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, không để bà con thiếu nước sinh hoạt.

Đối với vùng dự án ngọt hóa Gò Công gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, tỉnh cho mở vận hành 12 giếng khoan dự phòng, đồng thời tích cực bơm bổ sung nguồn nước ngọt từ kênh Sáu Ầu - Xoài Hột, đảm bảo lượng nước ngọt thô cho hai nhà máy nước Bình Đức và Đồng Tâm (thành phố Mỹ Tho) xử lý, chuyển tải, tăng cường đáp ứng nhu cầu của nhân dân các địa phương kể trên.

Tỉnh Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển thêm tuyến ống cấp nước phân phối đến các trạm hiện hữu cũng như cấp nước đến cụm dân cư sinh sống ở vùng lõm lâu nay chưa tiếp cận nguồn nước từ các trạm cấp nước tập trung sẵn có. Tỉnh mở lại 87 vòi nước công cộng cung cấp nước sinh hoạt miễn phí cho người dân sống ngoài đê, cửa sông, cửa biển, vùng xa của các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công chưa hưởng lợi từ hệ thống cấp nước tập trung, thường phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt gay gắt trong mùa khô.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lưu Thị Hồng Anh, do là địa phương nằm tiếp giáp Biển Đông nên hàng năm, vấn đề cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các địa bàn vùng sâu, xa gặp khó khăn. Để giải quyết căn cơ và ổn định lâu dài vấn đề nước sinh hoạt, ngoài các biện pháp trên, UBND huyện Gò Công Đông tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, ngành hữu quan, sắp tới nạo vét 3 ao trữ nước ngọt dùng đồng thời với cải tạo, nâng cấp và thi công mới tổng cộng 40 tuyến ống chuyển tải nước phân phối, phục vụ 6.340 hộ dân có nhu cầu.

Vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông thuộc huyện cù lao Tân Phú Đông tiếp giáp Biển Đông chủ động bơm trữ nước ngọt vào ao có diện tích lên đến 6 ha tại xã Tân Thới. Nguồn nước ngọt này sau đó theo đường ống và trạm bơm tăng áp đưa về phục vụ nhân dân 6 xã trên địa bàn huyện là Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân và Tân Thạnh. Mặt khác, tỉnh cho mở lại 16 vòi nước công cộng cấp nước ngọt miễn phí cho bà con các địa bàn vùng sâu, xa ở khu vực ven biển Đông. Thời gian mở vòi nước công cộng phục vụ nhân dân từ tháng Giêng đến tháng 6/2022, khi mùa khô tại đây chấm dứt.

Ngành hữu quan đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường ống đưa nước ngọt đến cụm dân cư trên địa bàn huyện mà hiện nay chưa có đường ống nước kéo về phục vụ nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, về lâu dài, huyện sẽ huy động nguồn lực cũng như hỗ trợ của cấp trên, đầu tư thêm 42 tuyến đường ống đưa nước ngọt về phục vụ sinh hoạt cho gần 1.000 hộ dân với trên 3.500 nhân khẩu đang sống ở khu vực đặc biệt khó khăn. Mặt khác, huyện kết hợp nâng cấp, cải tạo hệ thống tuyến ống nước hiện hữu nhằm tăng khả năng tiếp nhận nguồn nước của Nhà máy Đồng Tâm đưa về các trạm trên địa bàn phân phối đến tận hộ dân, nhất là bà con khu vực các ấp Cồn Cống, Pháo Đài xã Phú Đông, ấp Tân Phú xã Tân Thới nằm cuối nguồn cấp nước.

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang đánh giá, nhờ những giải pháp tích cực trên, tỉnh cơ bản đảm bảo đủ nước ngọt dùng trong các tháng mùa khô 2021-2022 cho nhân dân các huyện, thị ven biển đặc biệt khó khăn. Do đó, tỉnh không phải điều sà lan chở nước ngọt từ thượng lưu sông Tiền tốn nhiều chi phí, người dân không phải mua hoặc đổi nước ngọt dùng với giá đắt đỏ như những năm trước.

Minh Trí (TTXVN)
Đồng Tháp: Người dân ở đường Kênh 307 sử dụng nước sinh hoạt có nhiều cặn bẩn
Đồng Tháp: Người dân ở đường Kênh 307 sử dụng nước sinh hoạt có nhiều cặn bẩn

Hơn 5 tháng qua, nước sinh hoạt của nhiều gia đình ở đường Kênh 307 thuộc khóm 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp xuất hiện cặn đen, thỉnh thoảng có mùi hôi. Người dân rất lo lắng cho sức khỏe của mình khi sử dụng nguồn nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN