Uống sữa đậu nành chưa chắc giảm béo?

"Uống sữa đậu nành mỗi ngày không những tốt cho cơ thể mà còn có tác dụng giảm béo", đó là quan niệm của khá nhiều bà nội trợ hiện nay.

Liệu sữa đậu nành có tác dụng giảm béo và tốt cho sức khỏe không?

Ths.BS Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám, Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng trao đổi với Tin Tức Cuối Tuần xung quanh vấn đề này.

Quan niệm "sữa đậu nành có tác dụng giảm béo" có đúng không, thưa BS?

Sữa đậu nành được chế biến từ đậu nành (đậu tương), hàm lượng chất đạm, chất béo trong sữa đậu nành khá cao. Trong sữa đậu nành còn có các vitamin A, B1, B2, D, PP, K, F và các men có ích cho tiêu hóa. Đồ uống này còn chứa chất isoflavon bù lại tình trạng thiếu oestrogene của phụ nữ có tuổi, chống loãng xương, phòng trị ung thư vú. Tuy nhiên, nếu nói sữa đậu nành có tác dụng giảm béo thì chưa hẳn đã đúng vì còn tuỳ thuộc vào lượng uống hàng ngày, khi uống có cho đường hay không? Khi uống sữa đậu nành có ăn nhiều thức ăn khác nữa hay không? Ví dụ, có ăn nhiều cơm, ăn nhiều chất béo, ăn nhiều chất đường ngọt không…

Quan niệm uống sữa đậu nành có tác dụng giảm béo chỉ đúng khi uống không quá 500ml/ngày, uống không có đường, ăn một chế độ hợp lý, cân đối đủ theo nhu cầu năng lượng của cơ thể. Còn nếu uống thoải mái quá nhiều, uống thay nước lọc, hoặc uống cho đường nhiều, ăn chế độ ăn thừa năng lượng, không chịu vận động thì chẳng những không giảm béo mà còn béo hơn.

Uống sữa đậu nành liên tục trong một thời gian dài có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Sữa đậu nành được chế biến từ hạt đậu nành có chứa prôtêin tốt nhất trong các loại prôtêin từ thực vật, có giá trị dinh dưỡng không kém sữa bò. So với các nguồn đạm thực vật khác, prôtêin từ đậu nành cho chỉ số đo lượng đạm cao hơn hẳn. Nhiều nghiên cứu y học và khoa học đã khẳng định vai trò tiềm năng của đậu nành trong sức khỏe tim mạch, giảm thiểu cholesterol, giảm các triệu chứng giai đoạn mãn kinh, ngăn ngừa các loại ung thư (ung thư vú, tuyến tiền liệt, tử cung, trực tràng…), hỗ trợ hữu hiệu cho việc điều trị bệnh tiểu đường, tăng cường chức năng của hệ miễn dịch. Vì vậy, thời gian gần đây, sữa đậu nành trở thành lựa chọn thường xuyên của những người có ý thức giữ gìn sức khỏe. Cho nên uống sữa đậu nành liên tục thường xuyên không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ, mà còn làm cho sức khoẻ tốt hơn, tuy nhiên cần phải uống vừa phải (khoảng 500ml/ngày), nếu ai có nguy cơ bị thừa cân béo phì thì nên uống không có đường.

Nếu không có điều kiện tự đun nấu, có thể dùng các sản phẩm đang bán trên thị trường được không?

Hiện nay, theo khảo sát của cơ quan chức năng, trên 70% số sữa đậu nành đang tiêu thụ trên thị trường có xuất xứ từ các cơ sở tư nhân, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì sữa đậu nành được chế biến trong môi trường nước nên dễ nhiễm khuẩn như E.Coli, Salmonella…, gây tiêu chảy. Vì vậy, nếu không có điều kiện tự chế biến, có thể mua sữa đậu nành tại các hàng bán đậu phụ nhưng trước khi uống nên đun sôi lại 5- 10 phút.

Nên uống sữa đậu nành như thế nào cho khoa học, thưa BS?

Nếu có thời gian và điều kiện thì tốt nhất là tự làm sữa đậu nành tại nhà. Khi chế biến sữa đậu nành, trước hết người ta rửa sạch và ngâm đậu trong nước từ 6 – 8h, khi hạt đậu nở to, bong vỏ thì xát vỏ, đãi vỏ, cho vào máy xay sinh tố xay, cho nước theo tỉ lệ 100 – 150g đậu cho 1 lít nước, dùng túi vải lọc vắt lấy nước sữa, rồi đun sôi khoảng 10 – 15 phút. Quá trình chế biến sữa đậu nành như vậy sẽ không có độc hại nào phát sinh. Tuy nhiên cần phải chọn loại đậu không bị mốc.

Sữa đậu nành có lượng prôtêin không thua kém sữa bò, nhưng lượng đường và chất béo, cũng như một số chất khoáng thì ít hơn. Do đó, nếu dùng sữa đậu nành làm thức ăn duy nhất cho trẻ nhỏ thì không tốt. Để khắc phục nhược điểm này, người ta có thể cho thêm một chút dầu ăn vào trong và hòa thêm ít đường khi uống. Hoặc có thể pha sữa đậu nành với sữa đặc có đường thì rất tốt vì kết hợp được cả đạm động vật và thực vật, hàm lượng đạm trong sữa đặc có đường thấp sẽ được đạm trong đậu nành bù lại. Ở các nước có công nghệ thực phẩm phát triển, người ta có thể bổ sung thêm chất béo, đường và các chất khoáng như canxi, sắt, kẽm, vitamin A, D... vào bột sữa đậu nành, khi đó, sữa đậu nành trở nên một sản phẩm có thể thay thế được sữa bò, dùng được cả cho trẻ sơ sinh.

Đối với trẻ em từ 1- 5 tuổi nên uống 500- 600ml/ngày, khi uống cho thêm đường. Những cháu nhẹ cân suy dinh dưỡng có thể cho thêm dầu ăn vào, cứ 100ml có thể bổ sung 5ml dầu ăn, pha cùng sữa đặc có đường càng tốt. Người lớn cũng chỉ nên uống 500ml/ngày, nếu ai có nguy cơ bị thừa cân thì chỉ nên uống không có đường.

Xin cảm ơn BS!

Phương Liên
(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN