Phòng bệnh hô hấp cho trẻ nhỏ

Khi thời tiết lạnh và khô, trẻ thường hay bị khô niêm mạc mũi, họng. Vì vậy, trẻ dễ bị viêm nhiễm, ho, chảy nước mũi xanh, sốt thậm chí bị viêm đường hô hấp trên, viêm tai giữa. BS Thành Ngọc Minh, BV Nhi TƯ đã trao đổi với PV Tin Tức về biện pháp phòng tránh căn bệnh này.

Các bậc cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh mũi - họng cho con trẻ, thưa BS?

Thời tiết lạnh giá, độ ẩm không khí thấp, có sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ban ngày và ban đêm là những yếu tố dễ tác động đến đường hô hấp của con trẻ. Ban ngày, độ ẩm không khí thấp, dễ khiến các cháu nhỏ bị khô niêm mạc mũi, gây tình trạng phù nề, gây ho, khó thở, hắt hơi. Vào ban đêm, các cháu thường có thói quen đạp chăn ra nên rất dễ bị nhiễm lạnh. Ngoài ra, mùa đông- xuân cũng là thời điểm vi rút phát triển nên trẻ nhỏ dễ nhiễm bệnh hơn.

Nhân viên y tế xã Năng Khả, huyện miền núi Na Hang (Tuyên Quang) tuyên truyền cho các bà mẹ chăm sóc trẻ, phòng chống dịch bệnh mùa đông. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Để phòng bệnh hô hấp cho trẻ trong thời điểm này, tốt nhất là giữ ấm cho trẻ. Nếu gia đình có điều hòa, chú ý để thêm chậu nước hoặc khăn tắm có thấm nước trong phòng. Đặc biệt, hàng ngày nên vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như súc miệng bằng nước muối, nhỏ mũi bằng dung dịch Natri clorid 0.9%0 nhiều lần trong ngày để làm ẩm niêm mạc mũi cho trẻ.

Nếu trẻ nằm ngủ mà há miệng thở thì tức là mũi đã bị ngạt, có thể dùng loại thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch để trẻ dễ thở hơn. Khi bị ngạt mũi, nhỏ các thuốc loại co mạch sẽ làm co các cơ thắt của các mao mạch niêm mạc mũi co nhỏ, giảm xuất tiết, làm giảm phù nề, trẻ hết ngạt mũi và dễ thở hơn. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không nên lạm dụng loại thuốc này vì nếu dùng thuốc kéo dài và lặp lại nhiều lần sẽ xảy ra hiện tượng giãn mạch thứ phát, tình trạng giãn mạch sẽ trở nên thường xuyên hơn. Cuốn mũi sẽ phù nề và mức độ ngạt mũi của bệnh nhân sẽ tăng lên. Khi sử dụng thường xuyên thuốc co mạch, cuốn mũi có thể bị xơ hóa và dần dần thuốc sẽ không có tác dụng. Thông thường thì các BS hay khuyên dùng các loại thuốc co mạch từ 7 – 10 ngày, song nếu thấy trẻ hết ngạt mũi, dễ thở hơn, các bậc phụ huynh có thể ngừng thuốc sớm hơn khoảng thời gian đó.

Sau khi bị viêm họng, chảy nước mũi, sốt và ho, một số cháu còn bị viêm tai giữa. Vậy, khi nào nên đưa trẻ đi khám để tránh biến chứng đáng tiếc, thưa BS?

Tai- mũi- họng có liên quan mật thiết đến nhau. Vì vậy, nếu mũi, họng của trẻ không thông thoáng, dịch mũi có thể chuyển sang có thể gây ứ dịch ở tai, khiến trẻ bị viêm tai giữa. Với những trường hợp này, trẻ thường bị sốt, cha mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt khi con sốt cao trên 38,50C. Nếu 1 - 2 ngày mà trẻ không đỡ, ăn kém quấy khóc, mệt mỏi nhiều thì nên đưa cháu đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

Xin cảm ơn BS!

Phương Liên, TTN thực hiện

Rét đậm, bệnh nhân cấp cứu tăng mạnh
Rét đậm, bệnh nhân cấp cứu tăng mạnh

Rét đậm, rét hại kéo dài liên tiếp những ngày qua tại miền Bắc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhiều người già, trẻ nhỏ. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe trong nền thời tiết lạnh dự kiến còn kéo dài đến tận đầu tháng 3/2012, người già và trẻ nhỏ cần được chăm sóc đặc biệt hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN