Nga phản ứng sau khi Tổng thống Pháp nêu 2 điều kiện triển khai quân đến Ukraine

Tổng thống Macron tái khẳng định rằng ông sẽ xem xét việc gửi binh sĩ Pháp tới Ukraine và nêu các điều kiện để điều đó có thể diễn ra. Nga coi tuyên bố này là "nguy hiểm".

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Đại học Sorbonne ở thủ đô Paris ngày 25/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Economist mới đây, ông Macron đã mô tả rằng Nga đang đặt ra “thách thức cấp bách” cho châu Âu liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Khi được hỏi về bình luận trước đó của ông rằng quân đội NATO có thể được triển khai để giúp Ukraine, Tổng thống Macron nói: “Tôi không loại trừ bất cứ điều gì, bởi vì chúng tôi đang đối mặt với một người (Tổng thống Nga Vladimir Putin) không loại trừ bất cứ điều gì. Chắc chắn là chúng tôi đã quá do dự khi xác định giới hạn hành động của mình”.

Nhà lãnh đạo Pháp cho biết ông sẽ cân nhắc việc gửi binh sĩ Pháp đến Ukraine "nếu các lực lượng Nga xuyên thủng phòng tuyến của Ukraine và có yêu cầu từ Kiev".

Trong những tháng gần đây, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự phương Tây đã đưa ra những cảnh báo ngày càng tăng về những tác động tiềm tàng sau chiến thắng của Nga ở Ukraine. Nhận xét của ông Macron về việc gửi binh sĩ Pháp đến Ukraine là một trong những tuyên bố “diều hâu” nhất của một nhà lãnh đạo phương Tây. Một số quốc gia NATO, trong đó có Mỹ, đã nhanh chóng phản đối vào tháng 2 vừa qua khi ông Macron lần đầu tiên nói rằng Pháp không loại trừ việc gửi quân tới Ukraine.

Về phần mình, Điện Kremlin đã chỉ trích tuyên bố mới nhất của Tổng thống Macron về việc triển khai quân tới Ukraine, theo hãng tin AFP ngày 3/5.

“Tuyên bố này rất quan trọng và nguy hiểm. Ông Macron liên tục nói về khả năng can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Đây là một xu hướng rất nguy hiểm”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

Nga trước đó cũng đã phản ứng giận dữ về những đề xuất rằng phương Tây có thể triển khai lực lượng để hỗ trợ Kiev, coi đây là bằng chứng cho thấy NATO có liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột. 

Ông Peskov cũng cho biết nhận xét của Ngoại trưởng Anh David Cameron ủng hộ việc Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga là "nguy hiểm" và "leo thang".

Trong chuyến thăm Kiev hôm 2/5, ông Cameron nói Ukraine "hoàn toàn có quyền tấn công lại Nga" và London đã không "cảnh báo trước" về cách lực lượng Ukraine sử dụng vũ khí do Anh cung cấp. Ukraine đã tấn công một số cơ sở năng lượng ở Nga trong những tháng gần đây, sử dụng thiết bị bay không người lái mang theo chất nổ để tấn công các nhà máy lọc dầu và kho chứa nhiên liệu nằm cách chiến tuyến hàng trăm km.

Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết những tuyên bố trên của Tổng thống Macron và Ngoại trưởng Cameron "có khả năng gây nguy hiểm cho an ninh châu Âu cũng như với toàn bộ cấu trúc an ninh châu lục này". Ông Peskov nói thêm: “Chúng tôi nhận thấy xu hướng leo thang đáng báo động trong các tuyên bố chính thức. Điều này khiến chúng tôi lo ngại”.

Ukraine đã nỗ lực ngăn chặn Nga chọc thủng tuyến phòng thủ của mình trong bối cảnh gói viện trợ của Mỹ bị đình trệ. Và mặc dù dự luật viện trợ trị giá hơn 60 tỷ USD mới được thông qua gần đây, Ukraine vẫn đang chật vật để đối phó các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của Nga.

Mặc dù các nước NATO đã gửi viện trợ tài chính và vũ khí để giúp Ukraine nhưng họ tránh đối đầu trực tiếp vì lo ngại điều đó có thể làm leo thang xung đột với một nước Nga có vũ khí hạt nhân. Người phát ngôn Điện Kremlin từng lưu ý việc triển khai quân NATO tới Ukraine sẽ dẫn đến chiến tranh giữa Nga và liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Tổng thống Zelensky: Ukraine bắn hạ chiến đấu cơ Su-25 của Nga ở Donetsk
Tổng thống Zelensky: Ukraine bắn hạ chiến đấu cơ Su-25 của Nga ở Donetsk

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Lực lượng Vũ trang Ukraine đã bắn hạ một máy bay chiến đấu - ném bom Su-25 của Nga ở khu vực Donetsk thuộc miền Đông Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN