Điều gì thực sự đã ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine?

Các đơn vị Ukraine huấn luyện tại một số quốc gia NATO và trang bị xe bọc thép phương Tây đã được tung ra chiến trường. Nhưng tại sao một lực lượng "hùng hậu" như vậy chỉ giành được kết quả hạn chế trong cuộc phản công đang diễn ra?

Chú thích ảnh
Một lô cốt phòng ngự của Nga ở ven sông Dnieper. Ảnh: RIA Novosti

Theo hãng thông tấn RIA Novosti (Nga), cuộc phản công của Ukraine đã diễn ra được gần một tháng nay. Các đơn vị Ukraine huấn luyện tại một số quốc gia NATO và trang bị xe tăng, xe bọc thép phương Tây đã được tung ra chiến trường. Nhưng tại sao một lực lượng "hùng hậu" như vậy của Ukraine lại giành được kết quả hạn chế? Dưới đây là một số lý do chính:

Phòng thủ nhiều lớp, linh hoạt

Trong khi cuộc phản công được chuẩn bị ở Kiev, thì quân đội Nga cũng bắt đầu dựng các tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp. Các trang thiết bị kỹ thuật xây dựng công sự, những rào chắn, chẳng hạn như các khối bê tông cốt thép, đã được chuyển đến khu vực giới tuyến.

Từ quan điểm chiến thuật, các lực lượng Nga đặc biệt tập trung vào những hướng chủ yếu mà các lực lượng Ukraine có khả năng tấn công, ví dụ như ở Zaporozhye. Điều này đã dẫn đến một kết quả: Lực lượng Ukraine thậm chí còn không đột phá qua được tuyến phòng thủ đầu tiên.

Theo quân đội Nga, các tuyến phòng ngự được triển khai thành nhiều cấp. Công sự, từ đó mọi thứ đều có thể quan sát rõ ràng, được triển khai dọc theo các đỉnh và rặng núi cao. Chiều sâu phòng ngự từ 25 - 30 km.

Nhưng để tiếp cận được giới tuyến đầu tiên, đối phương cần vượt qua hàng chục cứ điểm phòng ngự cấp trung đội, đại đội với các bãi mìn dày đặc. "Quân đội Nga hiện đang ở một vị thế có lợi hơn", một sĩ quan quân đội Nga nói.

Các bãi mìn rộng lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng Nga tiêu hao sinh lực của đối phương. Khi các lực lượng Ukraine chưa kịp vượt qua bãi mìn, họ tiếp tục bị tấn công bởi đạn pháo hoặc tên lửa chống tăng từ trực thăng hay máy bay không người lái cảm tử. Bị tấn công từ nhiều hướng, mũi khác nhau, xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của Ukraine buộc phải phân tán sang hai bên, lại nguy cơ trúng mìn hoặc trở thành mục tiêu dễ bị tiêu diệt dưới hỏa lực khác.

Ở một số khu vực, quân đội Nga tuân theo nguyên tắc phòng thủ linh hoạt. Khi các đơn vị của Ukraine tiếp cận khu vực, các máy bay chiến đấu tấn công bằng hỏa lực ngắn sau đó rời đi và tiếp theo là những cuộc tấn công bằng tên lửa, đặc biệt là từ hệ thống pháo tự hành hạng nặng "Solntsepek".

Để tạo động lực, Ukraine tăng cường báo cáo về những thành công của mình. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Anna Malyar tuyên bố rằng quân đội nước này đã giành quyền kiểm soát thêm 130 km2. Tờ The Washington Post của Mỹ nhận xét: với tốc độ như vậy, cuộc tấn công sẽ kéo dài trong 16 - 20 năm, khi so sánh diện tích của Crimea là 26.000 km2.

Thống trị trên không

Lực lượng hàng không Nga đang đóng một vai trò đặc biệt và hiện đang hoạt động trong điều kiện ít nguy hiểm hơn nhiều trước các cuộc phản công của phía Ukraine.

Chú thích ảnh
Máy bay trực thăng tấn công Ka-52 của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga. Ảnh: RIA Novosti

Trong một báo cáo mới đây, Bộ Quốc phòng Anh lưu ý: Nga đã tăng cường phi đội trực thăng tấn công. Điều này mang lại một lợi thế. Một binh sĩ Ukraine trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times của Anh đã mô tả máy bay trực thăng của Nga là loại vũ khí rất mạnh, đồng thời nói thêm rằng không phải lúc nào cũng có thể ngăn chặn chúng tấn công xe bọc thép.

Các nhà phân tích đã nhiều lần chỉ ra rằng các phương tiện thiết giáp hạng nặng (xe tăng) của phương Tây được chuyển giao cho Ukraine triển khai ở tiền tuyến sẽ phải đối phó chủ yếu với trực thăng tấn công thay vì là xe tăng, trái ngược với những ý tưởng truyền thống về chiến tranh. Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) phóng từ trên không, chẳng hạn từ trực thăng Ka-52 Alligator của Nga, có khả năng tấn công từ khoảng cách xa hơn nhiều so với lực lượng phòng không của quân đội Ukraine, chủ yếu bao gồm hệ thống phòng không di động (MANPADS) của NATO và Liên Xô.

Các đối tác phương Tây của Kiev đã ngạc nhiên và dường như nhận thấy tình huống này, do đó đang thay đổi cách nói của họ. Họ không còn nói về kết quả mong đợi, mà là về những khó khăn. Họ thừa nhận rằng Nga đã tổ chức phòng thủ tốt.

Như tờ Pravda của Ukraine ngày 5/7 trích dẫn lời của Antony Radakin, Tham mưu trưởng quân đội Anh trong cuộc phỏng vấn với Financial Times nói rằng, mật độ dày đặc các bãi mìn của Nga, thiếu sự yểm trợ của không quân Ukraine và thiếu thiết bị quân sự theo yêu cầu của Kiev đã làm phức tạp chiến dịch phản công.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo ria.ru/pravda.com.ua)
Ukraine tiết lộ trọng tâm phản công mới; tình báo Anh nói về chiến thuật đối phó của Nga
Ukraine tiết lộ trọng tâm phản công mới; tình báo Anh nói về chiến thuật đối phó của Nga

Trong khi Moskva được cho là đã thay đổi chiến thuật đối phó với cuộc phản công của Ukraine, Kiev cũng đặt trọng tâm phản công vào việc gây thiệt hại tối đa cho các lực lượng và phương tiện chiến đấu của Liên bang Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN