Xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát: Một bị cáo lâm bệnh nguy kịch xin được miễn án

Ngày 28/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục cho luật sư bào chữa cho các bị cáo, các bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa.

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 28/3. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Phần lớn các bị cáo cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo, có vai trò thứ yếu nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Lưu Quốc Thắng, cựu Trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng SCB bị Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị mức án 3 năm tù treo do trong thời gian bị cáo giữ vai trò Trưởng Ban kiểm soát SCB để phát sinh 438 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 652 khoản vay tại SCB, gây thiệt hại cho SCB 344.695 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, bị cáo Thắng không thực hiện đầy đủ, đúng chức năng nhiệm vụ quy định của Ban kiểm soát và Trưởng ban kiểm soát trong quá trình SCB cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng Trương Mỹ Lan. Vì vậy, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của SCB trong hoạt động cấp tín dụng này, dẫn đến các khoản vay còn dư nợ đặc biệt lớn, SCB không có khả năng thu hồi nợ.

Tại tòa, luật sư bào chữa Trương Thị Minh Thơ không tranh luận về tội danh của bị cáo Thắng, nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về cáo buộc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không ngăn chặn kịp thời để Trương Mỹ Lan rút của Ngân hàng SCB 344.695 tỷ đồng, bởi bị cáo đã làm tròn trách nhiệm trong thời gian giữ chức vụ.

Theo luật sư Thơ, trong thời gian Thắng làm việc tại SCB, bị cáo phát hiện rất nhiều sai phạm và gửi hàng chục báo cáo lên Hội đồng quản trị SCB. Các báo cáo nêu rõ tình hình hoạt động, tiến độ trả nợ của khách hàng chậm, đề nghị bổ sung tài sản bảo đảm cho các khoản vay, một số tài sản định giá cao hơn giá trị tài sản thực tế tại SCB... nhưng đều bị lãnh đạo SCB bỏ qua.

Ngoài các báo cáo tăng trưởng hàng tháng, bị cáo Thắng còn gửi các công văn đề nghị lãnh đạo Ngân hàng SCB về việc xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và những công văn cảnh báo về các tài sản thế chấp tại SCB nhưng không được ban lãnh đạo xem xét chú trọng, thậm chí bác bỏ. Luật sư dẫn chứng ra tại phiên tòa 30 báo cáo của bị cáo Thắng về tình hình hoạt động, bất cập, hạn chế của Ngân hàng SCB để Hội đồng xét xử xem xét.

Luật sư Thơ cho rằng, sai lầm của bị cáo Lưu Quốc Thắng là biết có sai phạm tại SCB, nhưng do thiếu bản lĩnh nên không báo cáo lên cơ quan công an hoặc cơ quan cấp cao hơn. Tuy nhiên, nếu lấy sai lầm này để cáo buộc bị cáo Thắng phải chịu trách nhiệm số tiền thiệt hại 344.695 tỷ đồng là không hợp lý.

Luật sư cũng trình bày bị cáo Thắng có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ chưa được xem xét, trong đó, có việc bị cáo phát hiện bản thân bị ung thư từ tháng 2/2022, nhưng trong thời gian điều trị bệnh bị cáo vẫn tiếp tục làm văn bản báo cáo các bất thường tại SCB với lãnh đạo ngân hàng, làm tròn nhiệm vụ của mình.

Luật sư Thơ cho biết, hiện nay, bệnh ung thư của bị cáo Thắng đã vào giai đoạn cuối, di căn qua nhiều bộ phận, sức khỏe diễn biến rất xấu, thời gian sống tính từng ngày, từng giờ. Bị cáo đang điều trị bệnh tại bệnh viện và không biết có còn sống đến ngày kết thúc phiên tòa hay không, do đó, luật sư thiết tha mong Hội đồng xét xử thay đổi quan điểm, xem xét miễn hình phạt cho bị cáo để trong trường hợp bị cáo ra đi cũng không còn bị mang tội.

Về trách nhiệm dân sự, luật sư Thơ cho biết, cơ quan điều tra đang phong tỏa 3 tài sản của gia đình bị cáo Thắng và 3 sổ tiết kiệm của em ruột bị cáo gửi tại ngân hàng. Theo luật sư, số tiền này là em ruột bị cáo Thắng gửi để nuôi cha mẹ già, không liên quan đến vụ án, mong Hội đồng xét xử tuyên gỡ phong tỏa để gia đình có tiền trang trải cuộc sống. 

Bị cáo Nguyễn Anh Thép, cựu Giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn đã ký 17 tờ trình thẩm định đồng ý cho 17 khách hàng là các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 19 khoản tại SCB, với tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 17.313 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Thép giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại cho SCB số tiền 15.272 tỷ đồng. Bị cáo bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 5 - 6 năm tù giam.

Bào chữa cho bị cáo Thép, luật sư trình bày rằng, bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi, không nhận thức bản thân đang giúp sức cho các bị cáo khác chiếm đoạt tiền từ SCB. Bị cáo không có động cơ vụ lợi cá nhân trong vụ án. Qua đó, luật sư mong Hội đồng xét xử có bản án phù hợp cho bị cáo, dưới mức án đề nghị của Viện Kiểm sát.

Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Anh Thép thừa nhận nội dung ký tờ trình thẩm định khi còn làm Giám đốc chi nhánh Cống Quỳnh. Riêng giai đoạn từ ngày 16/12/2020 – 17/11/2021 khi bị cáo làm Giám đốc chi nhánh Sài Gòn bị cáo không nhận trách nhiệm do trong thời gian này, ở Chi nhánh Sài Gòn không phát sinh hồ sơ vay từ hệ thống Vạn Thịnh Phát theo hình thức hợp thức hóa. 

Bị cáo Thép nói, thời điểm đó, bị cáo thấy các khoản vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tài sản đảm bảo cao hơn giá trị khoản vay, tài sản có thật nên mới đề xuất cho vay. Với cương vị là người làm công ăn lương, bị cáo Thép chỉ nghĩ rằng bản thân đã nhận lương của SCB thì bị cáo phải làm tròn trách nhiệm của mình trong công việc chứ không mưu cầu tư lợi. Nay bị cáo đã nhận thức được sai phạm của mình, mong Hội đồng xét xử đánh giá lại vai trò của bị cáo, cho bị cáo mức án phù hợp với trách nhiệm, hành vi của bị cáo.

Bị cáo Lê Thanh Hà, cựu Phó Chánh thanh tra kiểm toán Nhà nước là Tổ trưởng cả 2 giai đoạn thanh tra SCB đã có hành vi đồng ý thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với khoản vay nhóm 71 khách hàng địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Khi phát hiện các sai phạm của các khoản vay tại địa chỉ trên, bị cáo Hà kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Tuy nhiên, khi tham gia ý kiến dự thảo kết luận thanh tra, bị cáo Hà đã “lung lay” quan điểm và đồng ý không chuyển hồ sơ sai phạm cho cơ quan chức năng, điều tra xử lý. Hành vi của bị cáo gây thiệt hại số tiền 514.102 tỷ đồng. Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo mức án 3 - 4 năm tù giam về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tự bào chữa, bị cáo Hà cho rằng bản thân thực hiện đúng theo quy định, liên tục báo cáo, kiến nghị tiến độ thanh tra tại SCB lên cấp trên, nhưng khi thanh tra gặp rất nhiều cản trở, che giấu thông tin của Trưởng Đoàn thanh tra nên để xảy ra sai phạm. Bị cáo Hà xin Hội đồng xét xử xem xét trong diễn biến vụ án, bị cáo chỉ đóng vai trò thứ yếu, là thành viên đoàn thanh tra bị phụ thuộc vào sự điều hành của Trưởng đoàn và gặp hạn chế nhất định về thông tin nhưng bị cáo vẫn cố hết sức hoàn thành nhiệm vụ. 

Bị cáo Hà cũng mong Hội đồng xét xử ghi nhận thêm cho bị cáo tình tiết tự thú, phối hợp cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án bên cạnh những tình tiết giảm nhẹ về nhân thân, hoàn cảnh gia đình của bị cáo để cho bị cáo hưởng mức án khoan hồng.

Kết thúc phần bào chữa cho các bị cáo, Hội đồng xét xử tiếp tục mời các bên bị hại, người liên quan trong vụ án tham gia tranh luận, trong đó có Ngân hàng SCB được tòa triệu tập với cả hai tư cách bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. 

Luật sư Nguyễn Minh Tâm bảo vệ quyền lợi cho phía SCB cho biết, SCB không có ý kiến về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xác định Lan và các bị cáo phải bồi thường cho SCB số tiền thiệt hại tính đến ngày 5/3 (thời gian bắt đầu phiên xử sơ thẩm) là 761.802 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là 483.972 tỷ đồng và nợ lãi/phí tạm tính là 277.830 tỷ đồng) cùng lãi phát sinh cho đến khi nào SCB thực nhận được tiền.

Đối với 1.166 mã tài sản đảm bảo cho gần 1.300 khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan và các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, luật sư Tâm đề nghị để SCB được toàn quyền khai thác, sử dụng quản lý mà không phụ thuộc vào việc có hay không đầy đủ pháp lý; trong trường hợp cần thiết, SCB có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án xử lý. Với tài sản là vật chứng bị kê biên trong vụ án, có nguồn gốc từ việc các bị cáo phạm tội, rút từ SCB mà có, luật sư cũng đề nghị tòa tuyên cho ngân hàng toàn quyền quản lý.

Luật sư Tâm cũng đề nghị tòa xem xét chấp thuận cho SCB được nhận lại toàn bộ các tài sản và các quyền tài sản đã được Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp cưỡng chế, thu hồi, kê biên, phong tỏa trong vụ án. Bên cạnh đó, luật sư Tâm cho rằng trong quá trình xét xử có nhiều bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả của vụ án, đề nghị giao số tiền này cho SCB định đoạt.

Đối với khoản tiền 1.000 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt của bị cáo Trương Mỹ Lan và số tiền 5,2 triệu USD bị cáo Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ, luật sư Tâm cho rằng đây là số tiền có nguồn gốc từ SCB bị chiếm đoạt chứ không phải tài sản là sở hữu riêng của bị cáo Trương Mỹ Lan nên cần phải trả lại cho SCB để khắc phục hậu quả vụ án, không tuyên tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

Đại diện Ngân hàng SCB trình bày bổ sung, SCB có thuê tòa nhà tại địa chỉ số 19 Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) với Công ty Horizon nhưng do công ty này hiện đang có liên quan đến vụ án, tài sản này đang bị kê biên nên SCB hiện chưa thanh toán tiếp. SCB không có ý kiến gì về kết quả thẩm định giá của công ty thẩm định giá Hoàng Quân. SCB cũng đề nghị xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo nguyên là cán bộ SCB.

Hồng Giang (TTXVN)
Vụ án Vạn Thịnh Phát: Nhiều bị cáo có hành vi vi phạm thụ động, theo chỉ đạo
Vụ án Vạn Thịnh Phát: Nhiều bị cáo có hành vi vi phạm thụ động, theo chỉ đạo

Ngày 26/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục phần bào chữa của luật sư .

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN