Phòng chống tội phạm về thuế: Sớm bịt những lỗ hổng

5 năm qua, cơ quan công an đã khám phá và phối hợp với cơ quan thuế xử lý hình sự hàng trăm vụ, xử lý hành chính hơn 1 vạn vụ việc vi phạm về chính sách thuế, thu hồi cho ngân sách Nhà nước gần 800 tỷ đồng tiền trốn thuế, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế. Song, việc phối hợp phòng chống loại tội phạm kinh tế của hai cơ quan này cũng đang bộc lộ những khó khăn, vướng mắc…


Hiệu quả nhờ phối hợp chặt chẽ


Năm 2007, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Tổng cục Thuế đã ký Quy chế phối hợp số 1527/QCPH-TCT-TCCS đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế. Qua đó, hai lực lượng đã thường xuyên thông tin về các chủ trương, chính sách mới cũng như thông tin về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, trao đổi về tình hình, phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng... Sự phối hợp giữa hai cơ quan này đã góp phần đẩy nhanh quá trình điều tra, xử lý và thu hồi hàng trăm tỷ đồng tiền thuế vi phạm.

 

Hướng dẫn người nộp thuế tại Chi cục Thuế thành phố Yên Bái (Yên Bái). Hoàng Hùng - TTXVN


Thống kê của liên ngành cho thấy, 5 năm qua, cơ quan Công an đã khám phá và phối hợp với cơ quan Thuế xử lý hình sự 218 vụ, xử lý hành chính 10.155 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thuế, thu hồi cho ngân sách hơn 782 tỷ đồng tiền trốn thuế, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.


Cũng trên cơ sở phối hợp với cơ quan thuế, Công an các địa phương đã xác minh, điều tra, khám phá được nhiều vụ tội phạm về thuế có tính chất nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Một số vụ việc điển hình có thể nhắc tới như vừa qua, Phòng CSĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) CATP Hồ Chí Minh xác lập, đấu tranh, khám phá thành công Chuyên án Nguyễn Văn Nhi cùng đồng bọn phạm tội mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế. Nhi và đồng bọn đã mua tổng cộng 10 công ty “ma” trên địa bàn thành phố để thực hiện hàng chục ngàn phi vụ mua bán hóa đơn Giá trị gia tăng (VAT) với doanh số sau thuế hơn 4.000 tỷ đồng, gây thiệt hại tiền thuế VAT cho Nhà nước hơn 390 tỷ đồng.


Tại Quảng Ninh, Công an thành phố Uông Bí cũng đã lật tẩy trò thành lập công ty “ma” và “phù phép” hóa đơn tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hằng Long do Trần Hoàng Long làm giám đốc. Từ năm 2006 đến 2009, công ty này đã mua 695 tờ hóa đơn VAT từ 43 công ty “ma” với tổng số tiền hàng hóa ghi trong hóa đơn là 125,19 tỷ đồng, tiền thuế VAT là 8,52 tỷ đồng, để kê khai hàng hóa dịch vụ đầu vào và kê khai khấu trừ thuế VAT. Long còn bán ra 931 số hóa đơn VAT của Công ty với tổng số tiền hàng hóa và dịch vụ là 111,6 tỷ đồng, tiền thuế VAT là 7,72 tỷ đồng cho một số doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh, thành khác…


Đánh giá về hiệu quả trong công tác phối hợp giữa hai lực lượng trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm về thuế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho rằng: Việc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Tổng cục Thuế phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế, đã góp phần đẩy nhanh quá trình điều tra, xử lý và thu hồi hàng trăm tỷ đồng tiền thuế vi phạm.


Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh - Cục trưởng Cục CSĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) nhận xét: Mỗi năm ở nước ta xảy ra hơn 13 nghìn vụ tội phạm về kinh tế, trong đó tội phạm trốn thuế trong các doanh nghiệp gần 1.000 vụ, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 7% số vụ tội phạm về kinh tế. “Việc hai lực lượng phối hợp đấu tranh với tội phạm về thuế đã tạo sự chuyển biến tích cực, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, thiếu trọng tâm, trọng điểm trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về thuế”- Tướng Thịnh khẳng định.


Còn nhiều khó khăn


Sau 5 năm phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Tổng cục Thuế, thực tế đã nảy sinh nhiều khó khăn. Cuộc chiến phòng chống loại tội phạm kinh tế, ngoài nguyên nhân chính sách pháp luật thường xuyên sửa đổi, bổ sung, thì nổi lên một số bất cập, vướng mắc: Thời gian cung cấp tài liệu, hồ sơ được quy định trong Quy chế phối hợp là 10 ngày, tuy nhiên có một số vụ án, vụ việc có tính chất nghiêm trọng cần giải quyết nhanh. Do đó cơ quan Thuế cần linh động rút ngắn thời gian cung cấp tài liệu cho cơ quan Công an. Song, một số trường hợp tài liệu cơ quan Thuế cung cấp không đầy đủ, trễ hạn hoặc nhờ doanh nghiệp photo tài liệu để cung cấp cho Công an, dẫn đến lộ, lọt thông tin ảnh hưởng đến công tác điều tra của Công an.


Thêm nữa, thời hạn tối đa để cơ quan Công an điều tra kết luận khởi tố hay không khởi tố đối với một vụ việc là hai tháng, nhưng trên thực tế thời gian thụ lý giải quyết của Công an kéo dài hơn so với quy định. Do vậy, có trường hợp khi nhận được kết quả hồi báo từ Công an để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, thì doanh nghiệp đã bỏ trốn, Chi cục không có cơ sở để ra quyết định xử phạt.


“Với những doanh nghiệp có dấu hiệu tội phạm, cần thiết phải kiểm tra ngay để phát hiện thu thập tài liệu chứng cứ, điều này rất cần sự có mặt của lực lượng Công an, nhưng thường không thể thực hiện ngay được. Do đó đến khi ban hành quyết định kiểm tra thì doanh nghiệp đã tẩu tán tài liệu, chứng cứ và kịp đối phó”- Một cán bộ công tác lâu năm trong cơ quan thuế nói.


Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh cũng thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay, tội phạm về thuế hoạt động có tổ chức, liên quan đến nhiều địa phương, trong khi đó sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ nên việc điều tra, xử lý rất khó khăn. Một số cán bộ, chiến sỹ, công chức của hai lực lượng chưa qua đào tạo, trình độ nhận thức chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, tạo sự chậm trễ trong công việc, gây phiền hà không đáng có đối với hoạt động sản xuất của cơ quan, doanh nghiệp. “Một số ít cán bộ thoái hóa, biến chất, suy thoái về đạo đức, sách nhiễu, vòi vĩnh, tiếp tay cho các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc hoạt động dưới dạng bảo kê cho doanh nghiệp”- Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh lo ngại.


Mới đây, khi đánh giá công tác phối hợp giữa hai lực lượng, Thượng tướng Lê Quý Vương - Ủy viên TW Đảng- Thứ trưởng Bộ Công an, cũng chỉ ra: Qua theo dõi các vụ án mới tập trung vào lĩnh vực Thuế giá trị gia tăng, trong khi còn các lĩnh vực khác chưa đề cập sâu như Thuế xuất nhập khẩu, Thuế nhà đất, cần nhanh chóng khắc phục để hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả trao đổi thông tin nhất là về phương thức, thủ đoạn mới để chủ động đề ra các biện pháp và phòng ngừa.

 

Anh Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN