Đưa người ra nước ngoài trái phép, hai chị em lĩnh án tù

TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 2 bị cáo Nguyễn Văn Thuận (Quốc Oai) lĩnh án 30 tháng tù và Nguyễn Thị Hải lĩnh 18 tháng tù treo về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.


Ngày 26/9, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt 2 bị cáo: Nguyễn Văn Thuận (sinh năm 1980, trú tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lĩnh án 30 tháng tù và Nguyễn Thị Hải (sinh năm 1975, là chị gái của Thuận) lĩnh 18 tháng tù treo về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. 

Riêng Thuận còn bị phạt thêm 9 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt chung là 39 tháng tù.

Phiên tòa đã làm rõ: Khoảng tháng 12/2010, Nguyễn Văn Thuận đi du lịch sang Hàn Quốc rồi trốn ở lại để lao động trái phép. Đến cuối năm 2011, khi làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay bên Hàn Quốc, Thuận bị phát hiện cư trú bất hợp pháp nên đã bị cơ quan chức năng lăn tay, chụp ảnh và cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc. 

Sau khi trở về Việt Nam thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân không có công ăn việc làm và thấy việc đi du lịch rồi trốn ở lại lao động khá dễ dàng, nên Thuận tìm cách quay lại Hàn Quốc để lao động trái phép thêm một lần nữa.

Do từng cư trú bất hợp pháp, bị cơ quan chức năng phía Hàn Quốc lăn tay, chụp ảnh và cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc, Thuận đã thuê người sửa chứng minh nhân dân, từ tên Nguyễn Văn Thuận thành tên khác là Nguyễn Văn Huân (có năm sinh và số chứng minh nhân dân khác nhưng vẫn giữ nguyên ảnh của Thuận). 

Sau khi có được chứng minh nhân dân giả, Thuận đã đến Phòng quản lý xuất nhập cảnh (Công an thành phố Hà Nội) làm tờ khai cấp hộ chiếu với tên giả là Nguyễn Văn Huân (sinh năm 1970). Ngày 16/12/2011, Thuận được cấp hộ chiếu mới mang tên Nguyễn Văn Huân, sinh ngày 14/2/1970.

Sau khi có hộ chiếu giả, Nguyễn Văn Thuận đã gọi điện cho bạn bè hiện đang lao động ở Hàn Quốc và những người quen để tìm người có nhu cầu đi lao động ở Hàn Quốc. Trong đó có cả chị ruột, em trai, em trai vợ Thuận, rồi thu tiền của tất cả những người này và tổ chức cho họ đi sang Hàn Quốc bằng hình thức du lịch rồi trốn ở lại để tìm việc làm.

Chị gái Thuận là Nguyễn Thị Hải làm Giám đốc Công ty môi trường Đô Thị Xanh. Do Công ty này không có chức năng kinh doanh tour du lịch nên Thuận đến Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Sen Vàng (tại phố Đông Kim Ngưu, Hà Nội) và tự giới thiệu tên là Huân, là nhân viên hành chính của Công ty môi trường Đô Thị Xanh để ký hợp đồng đặt tour du lịch đi Hàn Quốc cho công nhân viên. 

Sau khi có hợp đồng, Thuận đem về cho Hải để ký vào, hợp lý hóa hồ sơ cho mọi người đi du lịch vào Hàn Quốc để được dễ dàng. Hải đồng ý ký vào bản hợp đồng này mặc dù biết những người đi du lịch lần này không phải là công nhân viên của công ty.

Ngày 2/2/2012, Thuận cùng với Hải và 11 người khác ra sân bay Nội Bài bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, để từ đó bay sang Hàn Quốc. Trên đường đi, Hải biết Thuận tổ chức cho những người cùng đi trốn sang Hàn Quốc để tìm việc làm dưới hình thức du lịch.

Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, khi làm thủ tục xuất cảnh cho bản thân và 12 người cùng đi, Thuận bị Đồn Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện và giữ lại, chuyển về Cục quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an xử lý theo quy định pháp luật.

Kim Anh (TTXVN)
Đề xuất đưa tội danh cưỡng bức lao động vào Luật Hình sự
Đề xuất đưa tội danh cưỡng bức lao động vào Luật Hình sự

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH), Bộ LĐTBXH đang đề xuất đưa tội danh cưỡng bức lao động vào Luật Hình sự và cần phải quy định chi tiết về tội danh này. Theo đó, có hai dấu hiệu cấu thành quan trọng của cưỡng bức lao động là phải có sự đe dọa, trừng phạt và buộc làm việc trái với ý muốn tự nguyện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN