Cảnh giác với thông tin về các chương trình, khóa học trên mạng xã hội

Thời gian qua, mặc dù Công an thành phố Hà Nội đã có nhiều khuyến cáo, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng có nhiều tin, bài phản ánh phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo trên không mạng như: Giả danh công an, kiểm sát viên... làm việc online để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng nhiều người dân vẫn nhẹ dạ, cả tin, "sập bẫy" lừa đảo của các đối tượng, thậm chí có những người mất cả tỷ đồng. 

Đặc biệt, gần đây nhất, các đối tượng lừa đảo thực hiện thủ đoạn mời chào người dân tham gia các chương trình, khóa học trên mạng xã hội, rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước tình hình đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác với thông tin, lời mời chào về các chương trình, khóa học trên mạng xã hội, nhất là khi thực hiện các việc được hứa hẹn hưởng hoa hồng cao, đóng các khoản tiền nhất định. 

Theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, lợi dung nhu cầu tìm các khóa học, kỳ học, chương trình ngoại khóa cho con trong thời gian nghỉ hè năm 2023, trên mạng xã hội thời gian gần đây xuất hiện nhiều fanpage “Chiến sĩ Nhí”, “Chiến Sỹ Nhí Năm 2023”,... đăng tải các nội dung như: "Tuyển các chiến sỹ tí hon cho chương trình chúng tôi là chiến sỹ nhí - Đài Truyền hình Việt Nam VTV"; "Cần tuyển 500 mẫu nhí cho chương trình chúng tôi là chiến sỹ nhí 2023 của Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Chương trình sẽ được phát sóng vào 20h thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam...".

Để đăng ký tham gia chương trình, các đối tượng cung cấp cho phụ huynh mã ứng tuyển của bé và số điện thoại Zalo của tư vấn viên, dẫn dắt các bậc phụ huynh truy cập vào zalo đăng ký các thông tin cá nhân. Sau khi đăng ký thông tin cá nhân, các đối tượng yêu cầu phụ huynh tham gia nhóm Telegram để thực hiện các nhiệm vụ. Khi đăng nhập vào ứng dụng Telegram, các đối tượng tiếp tục yêu cầu các phụ huynh giúp bé vượt qua 2 vòng thử thách online để tuyển chọn hồ sơ thành công. 

Tại vòng thử thách thứ 2, các đối tượng sẽ yêu cầu và mời chào phụ huynh thực hiện các nhiệm vụ để hưởng hoa hồng với lãi suất cao. Trong nhóm, sẽ có nhiều ảnh phụ huynh chuyển tiền và nhận được hoa hồng như hứa hẹn nhằm tạo thêm lòng tin. Khi phụ huynh chuyển tiền vào thực hiện các nhiệm vụ sẽ bị chiếm đoạt số tiền chuyển khoản.

Trong diễn biến liên quan đến loại tội phạm lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội thông tin thêm, ngày 4/7, Công an phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của bà P, sinh năm 1951, trú tại quận Long Biên (Hà Nội) về việc bà P có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói bà P có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu bà P phải chuyển tiền để phục vụ điều tra. Do lo sợ nên bà P đã chuyển gần 200 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng. Sau đó bà P phát hiện bị lừa nên đã trình báo cơ quan công an.

Trước vụ việc nêu trên, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất, để kịp thời hỗ trợ người dân và xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo theo quy định pháp luật.

Nguyễn Thắng (TTXVN)
Bộ Công an cảnh báo về 24 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến
Bộ Công an cảnh báo về 24 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến

Ngày 10/7, Bộ Công an phát đi thông tin cảnh báo về ba nhóm lừa đảo chính trên không gian mạng ở Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN