Trung Quốc và cuộc chiến trên hai mặt trận COVID-19 và kinh tế

Phải kiểm soát được COVID-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đó là thách thức kép Trung Quốc đang phải đối diện.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 16/4/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Vận mệnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện phụ thuộc vào hai điều. Đầu tiên là do dự về vaccine. Rất ngạc nhiên khi người cao tuổi tại Trung Quốc tỏ ra chần chừ trong tiêm vaccine ngừa COVID-19. Điều này có thể đẩy một bộ phận dân cư dễ bị tổn thương đứng trước nguy cơ tử vong vì nhiễm COVID-19 nếu chính phủ từ bỏ chính sách zero-Covid (không Covid).

Nhưng đến thời điểm này, zero-Covid vẫn là cách tiếp cận không thỏa hiệp, đẩy Trung Quốc áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại nhiều thành phố được coi là trung tâm của sản xuất, chế tạo, như Thượng Hải – nơi mà phần đông dân chúng đã phải ở trong nhà trong vòng 30 ngày qua.

Những hạn chế về đi lại, di chuyển đang gây ra hệ quả kinh tế tiêu cực. Ngay cả khi mới chỉ bắt đầu áp dụng những quy định hạn chế chưa thuộc diện hà khắc nhất, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 3 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái (chưa điều chỉnh theo lạm phát) – theo số liệu được công bố chính thức ngày 18/4.

Tính trong quý 1, GDP Trung Quốc tăng 4,8%, nhưng phần lớn động lực tăng trưởng rơi vào tháng 1 và tháng 2. Ngành dịch vụ ăn uống, nhà hàng giảm 16%, tỉ lệ thất nghiệp tại 31 thành phố lớn nhất cả nước ở mức 6%, cao hơn thời điểm năm 2020. Trong quý 2, tình hình thậm chí có thể còn tồi tệ hơn và giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không giấu giếm lo ngại. Đầu tháng 4 này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã yêu cầu chính quyền các địa phương tăng tính “khẩn cấp” trong hành động để giữ ổn định kinh tế.

Kiểu do dự thứ hai chính là khả năng và mức độ hành động, can thiệp của chính phủ trước đà suy giảm kinh tế. Nhà điều hành tỏ ra chần chừ, không tung các biện pháp kích thích mạnh tay như thường làm trước đây. Ngày 15/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ra quyết định giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). Nhưng mức cắt giảm RRR lần này chỉ là 0,25% với hầu hết các ngân hàng, chỉ bằng một nửa so với kỳ vọng thị trường trước đó. PBoC cũng không hạ lãi suất chủ chốt kể từ tháng 1 vừa qua.

Điều gì khiến PBoC e ngại? Trong thông báo được đưa ra, ngân hàng này cho biết sẽ hạn chế áp dụng một loạt những chính sách kích thích mạnh tay, xem xét những thay đổi chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến để đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu trong nước và cả bên ngoài. Đáng chú ý, PBoC có thể lo sợ kịch bản dòng vốn rút khỏi đại lục nếu cắt giảm mạnh tay lãi suất trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lại đang hành động theo hướng ngược lại về dâng nhanh lãi suất.

Một khi do dự áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, Trung Quốc sẽ phải dựa vào tăng chi tiêu tài khóa. Nhưng ở đây nhà điều hành cũng gặp phải nhiều rào cản. Đơn cử, Bộ Tài chính vẫn có tâm lý ngại công bố thông tin về mức thâm hụt ngân sách lớn. Vì thế, một phần chi tiêu công bổ sung nhằm ổn định kinh tế năm nay sẽ được tính vào chi tiêu của chính quyền địa phương, các quỹ đặc biệt. Thế nhưng chính quyền địa phương cũng lại bị bó buộc bởi quy định siết chặt tài chính.

Chú thích ảnh
Dịch COVID-19 gây tắc nghẽn logistics tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Tháng 7/2021, PBoC ban hành Chỉ thị số 15, yêu cầu các ngân hàng không tăng tỉ lệ nợ “giấu kín” của chính quyền địa phương. Quy định này sau đó bị bãi bỏ, nhưng nguy cơ về một đợt chỉnh huấn tương tự trong tương lai vẫn còn nguyên. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đưa ra quy định yêu cầu chính quyền địa phương lựa chọn dự án đầu tư cẩn trọng nếu muốn huy động nguồn vốn từ trái phiếu.

Tại nhiều địa phương trên cả nước đang phải vật lộn với cuộc chiến chống COVID-19, rào cản với kích thích kinh tế nhiều khi lại là vấn đề hậu cần, chứ không phải tài chính. Lệnh phong tỏa cùng các quy định về giãn cách ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng, mạng lưới vận tải vốn là những nhân tố cần thiết đối với các dự án công. Yêu cầu chống dịch cao, nguy cơ bị mất chức, bị xử lý cũng có thể khiến chính quyền, quan chức địa phương chỉ chú tâm vào mảng này, mà tạm thời bỏ qua yêu cầu cấp thiết về ổn định kinh tế.

Vẫn có cách để vượt qua được những rào cản quan liêu này. Đó chính là hình thức kích thích kinh tế trực tiếp như Mỹ từng làm khi chi séc cho các hộ gia đình, người lao động trong đại dịch vừa qua. Thế nhưng Trung Quốc không có được một hệ thống tương tự để có thể phân phối nguồn chi này của chính phủ. Về lý thuyết, chỉ còn lại giải pháp tốt nhất tiếp theo - đó chính là cắt giảm thuế.

Nhưng do chỉ có một bộ phận nhỏ người dân Trung Quốc thuộc diện phải nộp thuế thu nhập, nên cắt giảm sắc thuế này không mang nhiều ý nghĩa. Giải pháp thay thế khả thi nhất là cắt giảm thuế với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì lý do này, nên khoảng 1/3 quy mô kích thích tài khóa trong năm 2022 của Trung Quốc sẽ là dưới hình thức cắt giảm thuế và phí với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đến đây, COVID-19 một lần nữa lại nổi lên là nhân tố ngáng đường. Nhà hàng, cửa hàng, trung tâm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ thuộc diện được cắt giảm thuế thường cũng chính là những doanh nghiệp bị tác động mạnh nhất bởi chính sách phong tỏa, quy định hạn chế để phòng chống dịch mà nhà chức trách triển khai. Khi chính sách zero-Covid khiến số này mất đi khách hàng, chính sách giảm thuế không còn ý nghĩa, bởi một công ty có doanh thu không đồng sẽ chẳng buồn quan tâm đến số thuế phải nộp là bao nhiêu.

Trung Quốc vì thế sẽ phải đợi đến thời điểm làn sóng lây nhiễm COVID-19 dịu đi mới có thể đưa nền kinh tế phục hồi trở lại theo cách mạnh mẽ nhất. Nhưng ngay cả trong kịch bản lý tưởng này cũng cần phải có thêm một điều kiện đi kèm: Đó là không được phép để xảy ra các đợt bùng dịch mới. Chừng nào mà người cao tuổi còn chần chừ tiêm vaccine, nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ không thể tiếp cận và hấp thụ được các gói kích thích.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (The Economist)
Nhật Bản lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng liên quan tới dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc 
Nhật Bản lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng liên quan tới dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc 

Giới chuyên gia và doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang hết sức quan ngại việc các trung tâm thương mại ở thành phố Thượng Hải của Trung Quốc phong tỏa có thể khiến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị đứt gãy, "giáng một đòn mạnh" vào nền kinh tế giới vốn đã mất đà phục hồi sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN