'Thùng thuốc súng' ở Trung Đông

Các nhà phân tích cảnh báo rằng căng thẳng gia tăng ở Trung Đông có nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát.

Chú thích ảnh
Mỹ và Anh triển khai cuộc tấn công mới nhằm vào Houthi ở Yemen. Ảnh: AFP

Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 20/1, khi sự đối đầu giữa phương Tây và lực lượng Houthi ngày càng gia tăng, các chuyên gia đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đây là "thùng thuốc súng" ở Trung Đông, đồng thời kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.

Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công vào nhiều mục tiêu và căn cứ của Houthi ở Yemen, nhằm đáp trả các cuộc tấn công liên tục của nhóm này nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, điều mà họ tuyên bố là một biện pháp chống lại cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza.

Giữa tuần, Washington tuyên bố sẽ liệt Houthi vào danh sách “những kẻ khủng bố toàn cầu đặc biệt”.

Các cuộc không kích và quyết định liệt Houthi vào danh sách khủng bố đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ nhóm vũ trang này ở Yemen, những người đã tuyên bố sẽ tăng cường tấn công, nhắm vào các tàu có liên quan đến Mỹ và Anh cùng với các tàu có liên kết với Israel.

Nhà phân tích an ninh Zoran Kusovac nhận định với Anadolu: “Lực lượng Houthis có thể sẽ chỉ dừng các cuộc tấn công nếu họ được mời tham gia các cuộc đàm phán chính trị về tình trạng tương lai của họ ở Yemen”.

Ông Kusovac cho biết Houthi muốn có sự công nhận chính trị nào đó ở Yemen, vì vậy điều duy nhất có thể ngăn cản họ tấn công các tàu ở Biển Đỏ sẽ là “một giải pháp chính trị, không phải giải pháp quân sự”.

Về phần mình, nhà phân tích xung đột người Yemen Hisham al-Omeisy cũng cho rằng chỉ các cuộc không kích thôi sẽ không đủ để đánh bại lực lượng Houthi.

“Chúng ta cần một cách tiếp cận toàn diện hơn. Tất nhiên, có một chiến dịch quân sự, nhưng cũng cần có một chiến dịch chính trị”, ông al-Omeisy nêu rõ.

Theo ông al-Omeisy, vài tháng sau khi cuộc chiến ở Yemen bắt đầu vào năm 2015, các phe phái trên thực địa mắc kẹt trong bế tắc quân sự và giải pháp duy nhất là giải pháp chính trị, nhấn mạnh sự cần thiết của chiến lược sâu sắc hơn.

Chuyên gia al-Omeisy giải thích: “Không thể tiêu diệt hoàn toàn người Houthis. Họ có một căn cứ thực sự rất lớn ở địa phương, vì vậy (Mỹ và Anh) không thể hy vọng có thể tiêu diệt hoàn toàn họ. Đây không giống như việc đối phó với IS (Nhà nước Hồi giáo) tự xưng, hay al-Qaeda, mà là đang đối phó với nhóm là một phần của người dân địa phương”. 

"Thùng thuốc súng" ở Trung Đông

Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng căng thẳng gia tăng ở Trung Đông có nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát.

Chuyên gia al-Omeisy nhấn mạnh: “Không chỉ ở Yemen. Chúng ta đang chứng kiến sự leo thang ở Liban, Iraq và cả ở Syria. Về cơ bản nó giống như một thùng thuốc súng ở Trung Đông”.

Theo quan điểm của nhà phân tích Kusovac, Mỹ và các đồng minh chủ yếu nhằm mục đích giảm thiểu mối đe dọa đối với vận chuyển hàng hải, vì không thể phá hủy mọi bệ phóng và mọi tên lửa của Houthi. Ông nói: “Mỹ sẽ làn giảm bớt nhưng không phá hủy hoàn toàn năng lực của Houthi trong việc nhắm mục tiêu vào tàu vận tải dân sự”.

Trong khi đó, chuyên gia Al-Omeisy cho biết các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu đã gây thiệt hại cho một số căn cứ và vũ khí của Houthi ở một số địa điểm nhất định, đặc biệt là các radar, nhưng một vài cuộc tấn công khó có thể làm suy yếu nhóm này. Houthis đã phân tán vũ khí của họ khắp khu vực. Họ đã rất giỏi trong việc giấu vũ khí và bố trí chúng trên một khu vực rộng khắp Yemen. 

Ông Al-Omeisy cho rằng các cuộc tấn công của các quốc gia phương Tây sẽ thúc đẩy lực lượng Houthi “phản ứng và trả đũa mạnh mẽ hơn nữa ở Biển Đỏ, và giờ đây mục tiêu này còn bao gồm cả các tàu của Anh và Mỹ”.

Ông nói: “Chúng ta đã thấy người phát ngôn của Houthi nói rằng họ sẽ mở rộng phạm vi tấn công ở Biển Đỏ và sẽ không chỉ giới hạn ở các tàu của Israel hoặc các tàu có liên quan đến Israel”,  đồng thời cảnh báo rằng điều đó có thể trở thành một tình huống ăn miếng trả miếng mà cuối cùng có thể “vượt quá tầm kiểm soát”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo aa.com.tr/en)
Vì đâu thị trường năng lượng thờ ơ với những căng thẳng ở Trung Đông?
Vì đâu thị trường năng lượng thờ ơ với những căng thẳng ở Trung Đông?

Cách đây không lâu, vụ tàu Ever Given mắc kẹt ở Kênh đào Suez đã đẩy hóa đơn nhiên liệu và năng lượng của các hộ gia đình tăng mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN