Siêu dự án thủy điện Rogoun chia rẽ Trung Á

Trung Á là một trong những chủ đề được đề cập nhiều tại "Diễn đàn Thế giới về nước" diễn ra ở Pháp. Tại khu vực này, các nguồn tài nguyên không được chia sẻ đồng đều. Một số nước giàu tài nguyên năng lượng nhưng lại thiếu tài nguyên nước, trong khi các nước khác bị khủng hoảng năng lượng lại được hưởng một nguồn nước dồi dào. Đó là trường hợp của Tátgikixtan, quốc gia mới chỉ sử dụng 5% tiềm năng thủy điện của mình.

Dự án đập thủy điện Rogoun gây tranh cãi giữa Udơbêkixtan và Tátgikixtan.


Vì vậy, sau khi nội chiến chấm dứt vào năm 1997, Tổng thống Emomalii Rahmon đã tái khởi động dự án Rogoun xây dựng đập trên sông Vakhsh, một công trình thủy điện được kỳ vọng cao nhất thế giới (335 mét).

Tuy nhiên, theo báo Pháp "Le Figaro", dự án thủy điện này đang gây mâu thuẫn kéo dài và chưa có hồi kết giữa Tátgikixtan và Udơbêkixtan. Nước láng giềng Udơbêkixtan, với 26 triệu dân, đã không chấp nhận bất cứ sự kiểm soát nào đối với lưu lượng nước từ các con sông chảy về lưu vực biển Aral. Đây là quốc gia nổi tiếng về trồng bông và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu sản phẩm này. Ngoài ra, do nhu cầu về nguồn nước xuất phát từ bùng nổ dân số, Taxken luôn tìm cách phản đối dự án Rogoun, kể cả việc phong tỏa các chuyến tàu hỏa bị nghi là chở vật liệu phục vụ xây dựng công trình "siêu vĩ đại" này.

Vấn đề đập Rogoun vì thế mang tính chất địa chính trị rất quan trọng. Năm 2004, Nga đã khuyến khích trùm tư bản Oleg Deripaska tài trợ cho dự án này ở mức tối đa. Tuy nhiên, ý tưởng này đã không được thực hiện khi chính phủ Udơbêkixtan trở lại với tình cảm thân Nga và ít thân phương Tây hơn. Souhrob Sharipov, một nghị sĩ Quốc hội Tátgikixtan, nhận định: "Udơbêkixtan sẽ không gây chiến tranh về nước vì đập Rogoun, nhưng họ sẽ sử dụng Nga để gây sức ép đối với chúng tôi". Tập đoàn Rusal rút khỏi dự án, Đusanbe trở lại với tình trạng thiếu tiền, bởi công trình Rogoun có thể ngốn mất 3 tỷ euro. Năm 2009, Chính phủ Tátgikixtan đã phải bất đắc dĩ phát động sự tham gia "tự nguyện" của người dân. Bakhadur Khabibov, thành viên Hội người tiêu dùng Tátgikixtan, khẳng định: "Thực ra, người dân đã bị bắt buộc mua trái phiếu". Trong khi đó, "Rogoun, nguồn sống thịnh vượng" là khẩu hiệu xuất hiện khắp nơi ở thủ đô Đusanbe.

Tuy nhiên, cố gắng lắm Chính phủ Tátgikixtan cũng chỉ thu được 140 triệu euro từ các đợt phát hành công trái. Một nửa trong số 7 triệu dân nước này đang sống dưới mức nghèo khổ. Mùa đông, ngoài khu vực thủ đô, các hộ dân mỗi ngày chỉ được hưởng 2-3 giờ đồng hồ có điện, trong khi các xí nghiệp phải nghỉ sản xuất là chuyện bình thường. Hàng triệu người Tátgikixtan phải tìm việc làm tại Nga để gửi tiền về nuôi người nhà (theo đánh giá, kiều hối chiếm 40% GDP nước này). Saïfoullo Safarov, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Tátgikixtan, khẳng định: "Chúng tôi tuyệt đối cần đập Rogoun để phục vụ nền kinh tế. Ngoài ra, chúng tôi có thể xuất khẩu điện sang Ápganixtan và Pakixtan, đồng thời góp phần ổn định cho khu vực. Nếu có điện, người Ápganixtan sẽ ít bị tư tưởng Hồi giáo cực đoan và sản xuất ma túy lôi kéo hơn".

Đầu năm nay, giới ngoại giao nước ngoài tại Đusanbe đã đề cập rất nhiều đến các nghiên cứu (do Ngân hàng Thế giới tài trợ) về tính khả thi của dự án chiến lược Rogoun. Một quan chức của Ngân hàng Thế giới giải thích: "Các chuyên gia đã kết luận rằng việc xây đập Rogoun ở tầm lưng chừng là không thể đứng vững, bởi trầm tích sẽ lắng đọng rất nhanh ở hồ chứa. Vì vậy, chúng tôi phải nghiên cứu ở giả thuyết tầm cao. Đồng thời, chúng tôi cũng tài trợ cho một nghiên cứu về tính hiệu quả của năng lượng tại Tátgikixtan".

Rogoun là một dự án được thiết kế theo các tiêu chuẩn thời Liên Xô trước đây và tư duy của những năm 60 của thế kỷ trước, nếu thực hiện sẽ vừa tốn kém vừa không hiệu quả. Lẽ ra, Tátgikixtan nên tập trung xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ hơn để có điện sinh hoạt cho người dân trước tiên, sau đó mới nghĩ đến "siêu dự án" kiểu như Rogoun. Một nhà ngoại giao châu Âu bình luận: "Nếu các nghiên cứu đưa ra kết luận không khả thi, Tổng thống Rahmon vẫn cứ quyết định cho xây dựng. Trong khi đó, nếu dự án chỉ cần có vẻ khả thi, Udơbêkixtan sẽ ngay lập tức gây sức ép mạnh mẽ, đặc biệt với Mỹ và NATO, hai đối tượng đang cần lãnh thổ nước này làm căn cứ hậu cần cho Ápganixtan".

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN