Lý do Nga vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của phương Tây

Nga đã thích ứng đáng kể trong việc vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của phương Tây liên quan đến các công nghệ quan trọng.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: TASS

Sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Mỹ và đồng minh đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm mục đích khiến Nga phải trả giá đắt về kinh tế. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt được thiết kế để đảo ngược quá trình hiện đại hóa quân sự của Nga, làm suy thoái các ngành công nghiệp quan trọng và làm suy giảm khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế công nghệ cao của thế kỷ 21.

Các biện pháp trừng phạt này trải rộng trên một số ngành và lĩnh vực kinh tế, bao gồm xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu thô cũng như hệ thống tài chính của Nga. Những lệnh trừng phạt cũng bao gồm một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn Nga tiếp cận các linh kiện có thể được sử dụng cho lĩnh vực quân sự. Chúng nhắm đến một loạt công nghệ, nhưng đặc biệt tập trung vào các mặt hàng có công dụng kép có trong tên lửa và máy bay không người lái của Nga trên chiến trường ở Ukraine.

Tuy nhiên, Nga đã vượt qua được các lệnh phong tỏa đó của phương Tây. Điều này đúng với toàn bộ nền kinh tế Nga nhưng đặc biệt đúng khi nói đến thành công ngoài mong đợi của Moskva trong việc mua lại các linh kiện công nghệ tiên tiến.

Về lý thuyết, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ của phương Tây đáng lẽ phải có nhiều tác động hơn. Ví dụ như chip bán dẫn - vốn quan trọng đối với nhiều loại thiết bị bao gồm máy bay không người lái, radio, tên lửa chính xác và xe bọc thép. Ngành chip nội địa của Nga đã lỗi thời và chưa đủ quy mô. Các nhà máy của Nga sử dụng công nghệ chip 65 nanomet – tụt hậu hơn Mỹ khoảng 15 năm.

Như Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong phần mô tả về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, các mặt hàng có mức độ ưu tiên cao nhất đã được lựa chọn đưa vào danh sách trừng phạt một phần do Nga thiếu năng lực sản xuất trong nước. Khi Nga phụ thuộc vào nhập khẩu công nghệ quan trọng, các nhà hoạch định chính sách phương Tây không phải là không thực tế khi mong rằng các biện pháp trừng phạt công nghệ sẽ làm suy giảm đáng kể khả năng quân sự của Nga. Nhưng sau khi các sản phẩm chất bán dẫn và bộ vi xử lý nhập khẩu giảm mạnh vào năm 2022, nguồn cung của Nga về lĩnh vực này đã phục hồi trở lại mức trước chiến tranh.

Vậy làm thế nào mà Nga lại đạt được hiệu quả như vậy trong việc mua lại công nghệ quan trọng dùng cho vũ khí, thường là từ các nhà sản xuất phương Tây, bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu? Có ba yếu tố chính đã giúp Nga mua sắm thành công các công nghệ quân sự.

Đầu tiên, Nga đang tăng cường sức mạnh cho hệ thống vũ khí bằng cách mua các chip và linh kiện máy tính hiện đại, thường có nguồn gốc từ các nhà sản xuất Mỹ, được tìm thấy trong các sản phẩm tiêu dùng không bị hạn chế xuất khẩu.

Thứ hai, Nga đã thể hiện khả năng thích ứng trong khai thác chuỗi cung ứng toàn cầu hóa và tận dụng mạng lưới thương nhân của nước thứ ba để tiếp cận các linh kiện có công dụng kép cho xe tăng, tên lửa và máy bay không người lái.

Thứ ba, các động lực địa chính trị đang thay đổi đã thúc đẩy nhiều quốc gia – như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) – phớt lờ các lệnh trừng phạt của phương Tây và duy trì quan hệ thương mại với Nga.

Chú thích ảnh
Mỹ đã áp đặt hàng loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm vào Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Một khía cạnh khiến các chuyên gia ngạc nhiên là mức độ Nga tăng cường sản xuất công nghiệp quốc phòng. Mặc dù Nga nhập khẩu nhiều loại mặt hàng quân sự, như máy bay không người lái của Iran, cơ sở sản xuất trong nước của nước này đã nhanh chóng chuyển sang trạng thái sẵn sàng cho chiến tranh. Ước tính khoảng 7,5% GDP của Nga hiện được dành cho chi tiêu quốc phòng và ngành này sử dụng 3,5 triệu lao động Nga, tương đương 2,5% dân số cả nước. Việc tăng chi tiêu quốc phòng đã dẫn đến những thay đổi lớn, như tờ Guardian đưa tin: “Thợ máy và thợ hàn trong các nhà máy sản xuất thiết bị quân sự của Nga đang có lương cao hơn nhiều nhà quản lý hay luật sư”.

Các phân tích cho thấy phần lớn các linh kiện có nguồn gốc từ Nga - dù là bộ vi xử lý hay thiết bị GPS – đều có nguồn gốc từ các công ty Mỹ như Intel, AMD và Texas Instruments. Hồ sơ hải quan chỉ ra rằng từ tháng 2/2022 đến cuối năm đó, các công ty Nga đã thực hiện hơn 3.000 giao dịch nhập khẩu chất bán dẫn trị giá ít nhất 100.000 USD mỗi giao dịch. 70% trong số đó là sản phẩm từ các nhà sản xuất chip của Mỹ. Như một nhà sản xuất vũ khí của Nga đã nói rằng nước này không gặp vấn đề gì trong việc mua chip vì không thể cô lập Nga khỏi toàn bộ cơ sở linh kiện điện tử toàn cầu.

Nga cũng đã tận dụng thành công mạng lưới thương mại toàn cầu để tiếp cận các linh kiện cần thiết. Do Nga phải đối mặt với những hạn chế lớn khi nhập khẩu trực tiếp các công nghệ quan trọng nên nước này nhập khẩu 98% linh kiện thông qua các nước thứ ba.

Thành công của Nga trong việc vượt qua các lệnh trừng phạt cũng một phần là do bản thân các cơ chế kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và đồng minh còn thiếu sót. Mặc dù tất cả hàng xuất khẩu vi điện tử của Mỹ đều phải chịu sự kiểm soát, nhưng một khi các linh kiện rời khỏi nước này, chúng sẽ gặp ít hạn chế hơn nhiều. Các cơ chế đa phương hiện tại có xu hướng tập trung vào các ứng dụng quân sự và thiếu cơ chế thực thi để kiểm soát công nghệ lưỡng dụng. Ví dụ, thỏa thuận Wassenaar (Kiểm soát Xuất khẩu đối với Vũ khí Thông thường và Hàng hóa và Công nghệ Lưỡng dụng) hoạt động trên cơ sở đồng thuận và Nga vẫn là thành viên của nhóm nên các thành viên muốn trừng phạt Moskva phải dựa vào các cơ chế khác để hạn chế hàng hóa lưỡng dụng.

Những khó khăn trong việc tạo ra và thực thi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu toàn diện đối với các thành phần này đã dẫn đến việc phương Tây liên tục mở rộng các biện pháp kiểm soát của mình. Dù chúng được mở rộng nhưng những lỗ hổng mới cũng xuất hiện. Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại, chịu trách nhiệm triển khai và thực thi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, mới đây đã bổ sung các công ty mới vào danh sách thực thể vi phạm lệnh trừng phạt nhưng thừa nhận rằng họ không theo kịp việc thành lập các công ty bình phong.

Do sự phức tạp của mạng lưới mua sắm toàn cầu và do BIS thiếu kinh phí, không có gì ngạc nhiên khi Nga đã tìm ra nhiều cơ hội để khai thác các chuỗi cung ứng. Không hề bị cô lập, Moskva dựa vào mạng lưới các quốc gia không muốn cắt đứt quan hệ với Nga.

Thậm chí cả các nước thân thiện với Mỹ (như Hàn Quốc) cũng như các chính phủ trung lập hơn (Brazil và UAE) đều nhận thấy có lợi về mặt tài chính khi tiếp tục bán sản phẩm cho các cửa hàng ở Nga bất chấp sự kiểm soát xuất khẩu của phương Tây.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo carnegieendowment.org)
Tổn thất thiết bị quân sự do phương Tây cung cấp cho Ukraine tăng mạnh
Tổn thất thiết bị quân sự do phương Tây cung cấp cho Ukraine tăng mạnh

Khả năng ngụy trang hạn chế các thiết bị quan trọng và thực tế là xe tăng hạng nặng của phương Tây không hoàn toàn phù hợp với địa hình lầy lội trên khắp Ukraine, đã giúp Nga thành công hơn trong việc tấn công phá hủy các trang thiết bị quân sự của Kiev.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN