Chuyên gia Nga đánh giá mục đích chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ

Chuyến thăm Trung Đông của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ chủ yếu nhằm mục đích duy trì ảnh hưởng của Washington trong khu vực và giảm thiểu rủi ro xung đột có thể lan rộng.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát biểu với các phóng viên ở Tel Aviv ngày 12/10/2023. Ảnh: AP

Trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và nhóm Hamas người Palestine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Washington sẽ cung cấp viện trợ quân sự khẩn cấp cho Israel. Đây là vấn đề then chốt trong cuộc hội đàm của ông với Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại Israel ngày 12/10.

Ngày 13/10, Ngoại trưởng Mỹ cũng đến thăm các quốc gia Arab khác: Jordan, Qatar, Bahrain và Saudi Arabia để thảo luận về cuộc xung đột Israel - Hamas. Trước khi khởi hành đến Doha, ông Blinken cũng ​​gặp Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas tại Amman.

Bình luận với tờ Vedomosti (Nga) ngày 13/10, Lev Sokolshchik, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện châu Âu và Quốc tế của Trường Kinh tế Cấp cao Nga (Đại học HSE), cho biết Mỹ vẫn có đủ nguồn lực để cung cấp quân sự và viện trợ khác cho Israel. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ trở nên rõ ràng sau khi Mỹ có người thay thế Chủ tịch Hạ viện bị lật đổ Kevin McCarthy. 

Chuyên gia Sokolshchik cho rằng chuyến thăm Trung Đông của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ chủ yếu nhằm mục đích duy trì ảnh hưởng của Washington trong khu vực và giảm thiểu rủi ro xung đột có thể lan rộng. Chuyên gia này nói thêm: “Mỹ từ lâu đã thúc đẩy đối thoại giữa Israel với các nước Arab, trên hết là với Saudi Arabia nên sẽ cố gắng giữ lại kênh liên lạc mong manh này bằng mọi giá”.

Trong khi đó, Lyudmila Samarskaya, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng ông Blinken dường như cố gắng thuyết phục Thủ tướng Israel Netanyahu kiềm chế để tránh tình hình leo thang.

Về phần mình, Ivan Bocharov, điều phối viên chương trình tại Hội đồng Vấn đề quốc tế Nga, lưu ý thành công của ông Blinken trong việc ngăn Iran và các nước láng giềng can dự vào cuộc xung đột Israel - Hamas sẽ phụ thuộc phần lớn vào những gì Israel làm tiếp theo. Chuyên gia kết luận: “Không ai còn hy vọng vào các cuộc đàm phán hòa bình vào thời điểm này nữa; mục tiêu chính hiện nay là ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thậm chí còn sâu sắc hơn nhấn chìm toàn bộ khu vực”.

Cùng ngày, hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Israel đã bị tấn công kinh hoàng nhưng việc giải quyết sẽ chỉ có thể thực hiện được thông qua việc thành lập một Palestine độc ​​lập với Đông Jerusalem là thủ đô.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (CIS), ông Putin nêu rõ: "Nga tiến hành từ nguyên tắc một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột Palestine - Israel, không có lựa chọn thay thế nào. Mục tiêu của các cuộc đàm phán phải là thực hiện công thức hai nhà nước của Liên hợp quốc, trong đó ngụ ý thành lập một nhà nước Palestine độc ​​lập với Đông Jerusalem là thủ đô, cùng tồn tại hòa bình và an ninh với Israel. Tất nhiên, Israel có quyền tự vệ, có quyền đảm bảo sự tồn tại hòa bình của mình". Ông nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng các biện pháp hòa bình.

Công Thuận/Báo Tin tức
Mỹ, Đức đề xuất thiết lập vùng an toàn ở Gaza
Mỹ, Đức đề xuất thiết lập vùng an toàn ở Gaza

Ngày 13/10, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng nước này Antony Blinken và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thảo luận việc thiết lập các khu vực an toàn ở Dải Gaza để bảo vệ dân thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN