Mỹ và cách tiếp cận nửa vời trong vấn đề Ukraine

Trên báo Chicago Tribune, cây bút Steve Chapman có bài bình luận về cách tiếp cận vấn đề Ukraine trong chính sách của chính quyền Obama và các nghị sĩ đối lập. Theo tác giả, đó là một cách tiếp cận nửa vời.

Binh sĩ Ukraine sử dụng súng phóng lựu tự động trong cuộc xung đột với lực lượng đòi độc lập gần Avdeevka, vùng Donetsk ngày 18/6. Ảnh: AFP/ TTXVN


Tác giả Steve Chapman đặt vấn đề bằng câu chuyện đi bộ ngoài trời. Nếu phát hiện một hố sâu, rộng, người đi đường có thể từ bỏ, quay trở lại, hoặc nghĩ ra một cách để vượt qua. Nhưng điều không được phép làm là nhảy lưng chừng qua hố sâu, rộng đó, điều mà theo tác giả chính là cách hành xử của chính quyền Tổng thống Obama lẫn các nghị sĩ phe đối lập với vấn đề Ukraine.

So với việc không làm gì, những biện pháp nửa vời thường khiến mọi việc trở nên tệ hại hơn. Và khi ở trong thế phải đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đó lại chính xác là phương pháp chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn những nhà chỉ trích trong quốc hội ưa chuộng hơn cả.

Năm qua, Tổng thống Nga đã có động thái sáp nhập bán đảo Crimea (Crưm) sau cuộc trưng cầu dân ý thể hiện nguyện vọng trở về với nước Nga của đa số người dân trên bán đảo. Cũng kể từ đó, chính phủ thân phương Tây ở Kiev luôn ở trong tình trạng đấu tranh với lực lượng đòi độc lập ở miền đông Ukraine.

Trước những diễn biến tại Ukraine và Nga, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã phản ứng lại bằng việc áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế với hy vọng trừng phạt ông Putin và buộc nhà lãnh đạo Nga phải rút lui. Theo tờ Nhật kí Phố Wall, các lệnh trừng phạt trên của Mỹ và phương Tây đã khiến nước Nga xáo trộn khi “làm đồng ruble mất giá, mở đường cho dòng chảy tư bản và đưa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ vào sự hỗn loạn”.

Vậy nhưng, sự rút lui được Mỹ và phương Tây kỳ vọng vẫn không xuất hiện. Thế cho nên, chính quyền Tổng thống Obama đã trao cho Ukraine “sự hỗ trợ phòng thủ an ninh không sát thương”, bao gồm hỗ trợ y tế cùng kính bảo hộ nhìn trong đêm.

Tuy nhiên, phe diều hâu của Mỹ muốn nhiều hơn thế. Theo Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa John McCain, việc Mỹ từ chối chuyển vũ khí cho Kiev là “một trong những chương đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Còn theo Chủ tịch Ủy ban quân lực Hạ viện Mỹ Mac Thornberry, nếu Mỹ gửi vũ khí cho Ukraine, “Tổng thống Putin sẽ phải trả giá trước việc con số thương vong tăng lên…”.

Binh sĩ Ukraine tuần tra tại thành phố miền đông Mariinka ngày 5/6. Ảnh: AFP/ TTXVN


Dẫu vậy, tác giả nhận định, một nguyên tắc của an ninh quốc gia là phải cẩn trọng trong việc liên đới vào các cuộc chiến tranh vũ trang với các quốc gia có sức mạnh hủy diệt. Trong khi đó, cần thấy rằng, với hàng trăm tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, nước Nga có thể “KFC” Mỹ chỉ trong nửa tiếng đồng hồ.

Một chính sách khôn ngoan khác phải xét đến là việc tránh những động thái dù bề ngoài trông cũng ổn song trên thực tế lại tiềm tàng nguy hiểm. Trang bị vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ góp phần làm mở rộng các cuộc đụng độ mà không thể làm thay đổi được cục diện. Như người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest từng chỉ ra, Washington không thể “cung cấp đủ sự ủng hộ quân sự cho quân đội Ukraine để họ có thể áp đảo lực lượng đang được Nga trợ lực”, điều mà nước Nga vẫn bác bỏ.

Bất kì điều gì Mỹ làm, Tổng thống Putin đều có thể làm hơn thế, và gần như chắc chắn sẽ làm như thế. So với Mỹ, Ukraine đóng vai trò quan trọng hơn với nước Nga và do đó, nước Nga sẵn sàng “cắn răng hơn Mỹ” để có được điều mà quốc gia này mong muốn.

Trong khi đó, về phía mình, chính quyền Tổng thống Obama lại ưa thích những động thái không ăn thua. Tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho hay nước này có kế hoạch triển khai vũ khí hạng nặng tại một số quốc gia Đông Âu, trong đó có Litva, Latvia và Estonia – các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Động thái này, một mặt được cho sẽ giúp phản ứng tốt hơn trước một đợt tấn công của Nga, đồng thời theo lời ông Carter, còn cho thấy Mỹ và NATO “hoàn toàn quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ” của các quốc gia Baltic.


Steve Chapman là người phụ trách chuyên mục 2 lần/tuần về các vấn đề quốc gia của Mỹ cũng như vấn đề quốc tế trên tờ Chicago Tribune. Ông sinh ra ở Texas, tốt nghiệp đại học Harvard, hiện sống ở ngoại ô Chicago.

Bên cạnh đó, động thái trên của Mỹ cũng cho phép Tổng thống Putin suy nghĩ về việc nếu buộc phải tiến tới, Nga sẽ không vấp phải sự kháng cự của binh lính Mỹ.  Với việc từ chối triển khai quân đội ở Baltic, Tổng thống Mỹ đang gửi đến người đồng cấp Nga tín hiệu đèn vàng, chứ không phải đèn đỏ. Đây được cho là động thái một mũi tên trúng hai con chim: vừa giữ chân được Nga, vừa không phải mạo hiểm.

Trên khía cạnh đó, theo tác giả, Mỹ mở rộng cam kết an ninh với các quốc gia như Litva, Latvia và Estonia chỉ bởi vì cho rằng sẽ không bao giờ buộc phải giữ những lời cam kết đó. Và giờ đây, nước Mỹ đang ở trong tình thế phải suy ngẫm về việc liệu Mỹ có sẵn sàng gửi quân đến các quốc gia này hay không. Câu trả lời có thể là không, mà cũng có thể là có.
 
Tác giả Steve Chapman đánh giá hiện Tổng thống Mỹ đang thiếu một giải pháp thật sự thuyết phục trong vấn đề Ukraine. Và mặc dù có những bất đồng về một số chính sách, nhưng cả Tổng thống Mỹ lẫn các nghị sỹ đối lập lại có chung một cách tiếp cận khi nói về nước Nga: Nếu không thể làm gì hữu ích, hãy làm điều gì đó vô dụng.


Anh Tiếu (Theo Chicago Tribune)
Ukraine còn tin tưởng vào phép màu của Hiệp định Minsk?
Ukraine còn tin tưởng vào phép màu của Hiệp định Minsk?

Hơn một nửa số người dân Ukraine đã sẵn sàng từ bỏ Donbass, bởi mong muốn sớm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN