Hy Lạp về đâu sau tổng tuyển cử?

Sau khi đảng Syriza giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp, các nhà chính trị trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro đang dõi theo từng diễn biến ở Hy Lạp để xem điều gì sẽ tiếp tục xảy đến ở nước này và liệu tương lai tới đây, Athens có còn sử dụng đồng tiền chung châu Âu hay không.


Toàn cảnh cuộc họp ở Brussels ngày 26/1 của Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu thảo luận về tình hình Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN.


Điều các chính trị gia cũng như nhà kinh tế châu Âu lo ngại nhất cũng đã xảy đến khi Athens giờ đây được lãnh đạo bởi một người từng lớn tiếng phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng. Ông Alexis Tsipras cũng đã hứa sẽ cắt giảm nợ và nới lỏng thuế cho tầng lớp trung lưu mặc dù ngân sách trống rỗng. Làm thế nào để ông Tsipras có thể thực hiện lời cam kết của mình và các đối tác trong khu vực đồng euro sẽ phản ứng ra sao? Ba kịch bản có thể xảy ra như sau:


Chương trình của ông Tsipras tiển triển tốt: Trong năm qua đã có một số thông tin tích cực từ Hy Lạp, đó là việc lần đầu tiên sau 6 năm, kinh tế nước này đã tăng trưởng trở lại. Ngân sách trong năm nay dự đoán sẽ cân bằng và hứa hẹn tăng trưởng mạnh. Trong kịch bản này, Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ thành công trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách hệ thống thuế quan để người giàu đóng góp nhiều hơn cho nhà nước. Điều này sẽ giúp nguồn thu từ thuế của Hy Lạp tăng lên đáng kể và quan trọng hơn là giúp nhà lãnh đạo Tsipras thực hiện những cam kết quan trọng mà ông đã đưa ra. Khi người dân nghèo có tiền trong túi, họ sẽ tăng chi tiêu và chính sách tái phân phối của ông Tsipras sẽ giúp kích thích nền kinh tế trong nước, điều sẽ dẫn tới sự tăng trưởng hơn nữa. 


Theo hướng này, quan hệ giữa Hy Lạp với bộ ba chủ nợ quốc tế là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng bớt căng thẳng. Hy Lạp sẽ thực hiện các thỏa thuận của mình với các chủ nợ, và một mặt kêu gọi xóa nợ song cũng hối thúc giãn nợ và giảm lãi suất với các đối tác trong khu vực đồng euro. 


Lãnh đạo đảng Syriza Alexis Tsipras tại Athens sau khi kết quả tổng tuyển cử được công bố. Ảnh: AFP/ TTXVN.


Tuy nhiên, kịch bản này khó xảy ra, vì theo Ngân hàng Berenberg, nguồn thu từ thuế của Hy Lạp đã giảm mạnh từ tháng 11/2014 và dự kiến sẽ thâm hụt ngân sách 2,3 tỷ euro trong năm 2015. Trong khi đó, Hy Lạp đang cần rất nhiều tiền để đầu tư. Chỉ trong vài tuần đầu năm 2015, Hy Lạp đã cần tới 5 tỷ euro cho đầu tư.


Kịch bản thứ hai là tồi tệ nhất, đó là việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro (Grexit). Những diễn biến sau cho thấy kịch bản này có nguy cơ xảy ra: Trong khi ngân sách trống rỗng và xuất hiện hiện tượng tháo vốn, Chính phủ Hy Lạp vẫn thực thi các chương trình của mình như bổ sung hàng loạt nhân viên công quyền, nới lỏng thuế cho tầng lớn trung lưu, tăng đầu tư công cũng như tăng phúc lợi xã hội. Trong khi đó, các chủ nợ vẫn khẳng định không cắt giảm nợ cho Athens. Những việc làm này sẽ nhanh chóng dẫn đến việc Hy Lạp không còn khả năng thanh toán bằng tiền mặt. ECB từ chối bơm tiền cho các ngân hàng Hy Lạp, trong khi các giải pháp hỗ trợ tài chính khẩn cấp của chính phủ và Ngân hàng Trung ương Hy Lạp cũng chỉ có thể chống đỡ được trong thời gian ngắn. Hậu quả là Hy Lạp phải rời khu vực đồng euro và quay trở lại với đồng Drachme trước đây của mình. Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) Marcel Fratzscher cho rằng không chỉ có nhà nước, các ngân hàng và nhiều doanh nghiệp Hy Lạp cũng nhanh chóng lâm vào cảnh phá sản. Do các khoản tín dụng là bằng đồng euro, nên việc đồng Drachme mất giá thảm hại sẽ không giúp ích được gì cho tình trạng tài chính yếu kém của Hy Lạp lúc này.


Kịch bản trên sẽ rất thảm khốc đối với Hy Lạp. Tình trạng nghèo đói sẽ xuất hiện, phần lớn dân số phải sống trong cảnh nghèo nàn rồi bất ổn xã hội sẽ phát sinh. Trong khi đó, khu vực đồng euro cũng sẽ nơm nớp lo sợ. Các quốc gia đang gặp khủng hoảng như Italy và Tây Ban Nha sẽ được đặc biệt quan tâm, lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh. Hệ thống ngân hàng trong khu vực đồng euro sẽ lung lay, hy vọng tăng trưởng trở nên xa vời. Khi Hy Lạp vỡ nợ, các nước trong khu vực đồng euro sẽ mất rất nhiều tiền, trong đó riêng Đức là 65 tỷ euro. Nhà phân tích Schmieding thuộc ngân hàng Berenberg cho rằng có khoảng 30% nguy cơ xảy ra kịch bản này, song nhận định tới 50% khả năng xảy ra kịch bản thứ ba là giữ nguyên chính sách hiện tại và tiếp tục duy trì phát triển.


Trong kịch bản thứ ba này sẽ không có cắt giảm nợ, không có việc ngừng các biện pháp thắt lưng buộc bụng cũng như không có cảnh Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro. Tuy nhiên, điều quyết định và quan trọng nhất là cả ông Tsipras cũng như các đối tác trong khu vực đồng euro phải bằng mọi cách ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa mang tên Grexit.



TTK

Hy Lạp – người bạn mới của ông Putin
Hy Lạp – người bạn mới của ông Putin

Chiến thắng bất ngờ của đảng cánh tả Syriza trong cuộc tổng tuyển cử Hy Lạp diễn ra ngày 25/1 đã càng làm khăng khít thêm mối quan hệ của quốc gia này với nước Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN