Cứu thị trường chứng khoán Bắc Kinh “trên lưng hổ”?

Những biện pháp nhằm cứu vãn thị trường chứng khoán khỏi đà lao dốc liên tục của Chính phủ Trung Quốc đã đưa chỉ số Shanghai Composite chính thức trở lại trên mốc 4.000 điểm vào hôm 21/7. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh vừa chỉ mới thông báo các biện pháp đã đạt được mục tiêu ổn định thị trường thì chỉ số này lại rơi vào cơn lốc giảm điểm mới.

Sự lao dốc của thị trường chứng khoán lần này không phải do một sự kiện đặc biệt duy nhất chi phối. Có một nhà phân tích thị trường tin rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc sau khi tăng trong vài tuần gần đây, các nhà đầu tư đã chọn phương án thu lợi nhuận dẫn đến giá cổ phiếu giảm. Ngoài ra, kết quả sản xuất của các doanh nghiệp không như kỳ vọng, cùng với sự sụt giảm của một loạt các thị trường hàng hóa, tiền tệ và cổ phiếu bên ngoài cũng ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư.

Chỉ số chứng khoán được niêm yết tại Ngân hàng Hong Kong (Trung Quốc) ngày 27/7.Ảnh: THX/TTXVN



Tuy nhiên, xét trong xu hướng phát triển gần đây, nguyên nhân thị trường Thượng Hải giảm là do đã phát triển quá "nóng". Kể từ giữa năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc thông qua các phương tiện truyền thông tuyên truyền tốt cho thị trường, đồng thời hạ thấp lãi suất và dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường. Ngoài ra, các sàn giao dịch cũng đưa ra các chương trình ký quỹ, cho phép các nhà đầu tư thế chấp cổ phiếu, bán khống cổ phiếu. Dưới sự thúc đẩy của những chính sách này, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng cao. Thị trường chứng khoán Thượng Hải vào ngày 12/6 đã lập mức kỷ lục 5.166 điểm, tăng gấp đôi so với cuối năm trước. Vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc chủ yếu là đơn lẻ, hơn nữa trình độ học vấn không cao, đầu tư theo tâm lý thị trường. Cho nên, khi chính phủ thực hiện điều chỉnh quy mô ký quỹ giao dịch hồi tháng 6 ngay lập tức đã khiến thị trường sụt giảm. Ngày 26/6, thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 7,4% trong một phiên. Do sự suy giảm quá khốc liệt, Chính phủ Trung Quốc đưa ra một loạt biện pháp ứng cứu như đình chỉ phát hành cổ phiếu mới, đưa quỹ bảo hiểm hưu trí vào thị trường chứng khoán... Ngoài ra, 21 công ty môi giới lớn của Trung Quốc lập tức thành lập quỹ bình ổn thị trường có trị giá 120 tỷ NDT. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại giảm mạnh một lần nữa vào ngày 8/7, khiến chính phủ phải tiếp tục can thiệp trực tiếp vào thị trường.

Theo tờ “Kinh tế Nhật báo” của Hong Kong (Trung Quốc), xu thế “dò đáy” lần hai trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã hình thành. Dù chính quyền đã ra tay can dự, nhưng niềm tin trên thị trường vẫn chưa được khôi phục. Nhà bình luận cao cấp Dương Bỉ Đắc của Hong Kong cho rằng hành động cứu thị trường của Chính phủ Trung Quốc đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan.

Nếu không cứu, thị trường xu thế giảm sẽ xuất hiện và sẽ kéo theo khủng hoảng tài chính. Tới lúc đó, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy người người khởi nghiệp, nhà nhà sáng tạo do Bắc Kinh thúc đẩy chắc chắn sẽ tan thành mây khói. Bước tiếp theo của khủng hoảng tài chính rất có thể là khủng hoảng chính trị và khủng hoảng quan hệ quốc tế.

Ngược lại, muốn cứu thị trường cũng rất khó và không biết bao giờ mới kết thúc. Số tiền mang ra cứu thị trường sẽ rất lớn, nhưng hiệu quả lại không biết thế nào. Kéo chỉ số Thượng Hải lên 4.000 điểm, rồi 4.500 điểm có thể không phải là việc khó, nhưng vấn đề then chốt là kéo lên ngưỡng đó rồi thì sau này tiếp tục làm như thế nào?

Theo nhà bình luận Dương Bỉ Đắc, Chính phủ Trung Quốc đã ở thế “cưỡi trên lưng hổ”, muốn xuống cũng không được, chỉ còn hy vọng duy nhất là dùng tiền của chính phủ để đổi lấy thời gian.

Xem xét số liệu kinh tế vĩ mô quý II của Trung Quốc thấy rằng sức tăng trưởng của nền kinh tế nước này vẫn đối mặt với áp lực giảm rất mạnh, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm xuống rõ rệt, nhà đầu tư thiếu niềm tin vào thị trường. Hiện nay, điều mà Chính phủ Trung Quốc có thể làm chính là vật lộn cứu thị trường, kiên trì không để thị trường đổ vỡ trong 2 - 3 tháng để chờ nền kinh tế ổn định trở lại trong quý III/2015 như giới chức cấp cao kỳ vọng.

Hà Ngọc ( (P/v TTXVN tại Hong Kong) )
Kinh tế Trung Quốc trong cơn lốc chứng khoán
Kinh tế Trung Quốc trong cơn lốc chứng khoán

Tháng 7 năm nay cả thế giới được chứng kiến một cơn lốc bất ngờ tràn qua thị trường chứng khoán Trung Quốc, "cuốn theo chiều gió" hơn 3.000 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN