Chống tham nhũng ở Italy: Cuộc chiến không hồi kết

"Trong 20 năm qua, tôi không thấy Italy thay đổi, nền chính trị cũng thế, các thói quen cũng thế, thậm chí, mọi chuyện còn tệ hơn nhiều. Tham nhũng không bị đánh bại mà vẫn lan tràn mạnh mẽ, trong khi luật pháp tỏ ra yếu ớt. Cuộc chiến này sẽ không bao giờ kết thúc", cựu công tố viên Antonio di Pietro đã nói như vậy trên kênh Sky Italia, vào ngày hệ thống truyền hình trả tiền này bắt đầu phát tập đầu tiên của serie phim truyền hình "1992".

Một cảnh trong bộ phim truyền hình "1992".


Đối với những người Italy đã sống qua giai đoạn ấy, thì 1992 chính là một năm mang tính biểu tượng, khi vụ bê bối "Tangentopoli" (thành phố hối lộ) bùng nổ, khiến một loạt chính trị gia bị bắt và xử tù, nhiều đảng phái chính trị tan rã, nền Cộng hòa thứ nhất sụp đổ và mở đường cho những nhân vật theo chủ nghĩa cơ hội trong giới kinh tài như Silvio Berlusconi bước lên vũ đài chính trị, từ đó cuốn Italy vào một cơn lốc chính trị mới trong suốt 20 năm sau đó.

Di Pietro, cùng với một số công tố viên khác, là người đứng đầu vụ điều tra mang tên "Mani Pulite" (Bàn tay sạch) hướng vào những vụ tham nhũng đã làm rung chuyển Italy ngày ấy. Trong suốt 20 năm sau đó, với tiếng tăm và vai trò chính trị của mình, Di Pietro đã không ngừng đấu tranh cho một xã hội trong sạch hơn mà ông tin là có thể thực hiện được, với điều kiện việc chống tham nhũng phải là một nỗ lực lớn của tất cả các đảng phái và những kẻ tham nhũng phải bị xử thật nặng.

"Nhưng điều này không thể xảy ra được, bởi người ta đã tìm mọi cách để xóa bỏ những tội liên quan đến tham nhũng, chẳng hạn như tội làm sai lệch các giấy tờ tài chính", Di Pietro nói, nhắc đến việc năm 2002, đúng 10 năm sau khi xảy ra vụ "Tangentopoli", chính phủ của Thủ tướng lúc đó là Berlusconi đã sửa lại luật chống tham nhũng, không coi việc làm giả mạo hoặc sửa chữa các giấy tờ tài chính là một tội và giảm thời hiệu điều tra đối với các vụ án liên quan đến tham nhũng từ 15 năm xuống còn 7 năm rưỡi.

Hành động chính trị đó được cho là để giúp Berlusconi thoát khỏi những cáo buộc đã gian lận tài chính trong các hoạt động kinh doanh của ông cũng như việc ông bị tố cáo đã cấu kết với mafia. Theo Di Pietro, việc thay đổi ấy đã để lại những hậu quả kinh khủng đối với Italy, tạo điều kiện cho tham nhũng lan tràn và mafia mở rộng sự cấu kết của chúng với các quan chức tha hóa. Ông kết luận, sau 20 năm, Italy vẫn tràn ngập tham nhũng, thậm chí còn hơn cả thời "Tangentopoli".

Một điều trùng lặp ngẫu nhiên, là serie phim của đạo diễn Giuseppe Gagliardi, được kì vọng là một quả bom trên màn ảnh nhỏ ở Italy sau các serie ăn khách liên quan đến mafia như "Bạch tuộc" hay "Gomorra", được chiếu khi chính trường nước này đang chấn động vì vụ Bộ trưởng Bộ phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông Maurizio Lupi buộc phải từ chức vì dính líu đến một vụ bê bối lớn liên quan đến một chuyên viên tư vấn cao cấp có tên là Ettore Incalza trong Bộ của ông.

Trong 14 năm qua ở vị trí này, Incalza được cho là người phân phát các gói thầu công trình xây dựng cấp quốc gia cho hàng loạt nhà thầu thân tín. Một trong số những người như thế, Stefano Perotti, đã thực hiện các gói thầu cấp nhà nước tổng cộng 25 tỉ euro trong 11 năm qua, chính là người được Incalza "nhờ" thu xếp chỗ làm cho con trai mới tốt nghiệp của Bộ trưởng Lupi ở một "công ty quen" của ông ta. Công ty ấy đang muốn thực hiện một gói thầu của Bộ phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông...

Các nhà điều tra khẳng định rằng, Incalza đã đứng đầu một nhóm những quan chức tha hóa của Bộ để thực hiện các hành vi tham nhũng trong hầu hết tất cả những công trình lớn của đất nước trong nhiều năm qua, từ các hệ thống đường cao tốc xuyên đất nước cho đến các công trình của Triển lãm thế giới EXPO sắp khai mạc ở Milan.

Những đoạn băng ghi âm cho thấy, Bộ trưởng Lupi đã nói chuyện khá nhiều với Incalza và biết mọi chuyện liên quan đến con trai ông, đến cả việc cậu sinh viên mới ra trường và đang muốn thành kĩ sư cầu đường này đã nhận một chiếc đồng hồ Rolex trị giá hơn 10.000 euro, là quà mà Perotti tặng cho cậu "nhân dịp tốt nghiệp".

"Tôi không đủ nhạy cảm để bảo thằng bé đừng nhận chiếc đồng hồ", Bộ trưởng Lupi đã nói như thế trong một chương trình truyền hình mà ở đó ông tuyên bố sẽ từ chức.

Lupi là một trong số rất nhiều quan chức cao cấp nhất của Italy phải rời nhiệm vì các bê bối liên quan đến những công trình công cộng có vốn nhà nước trong hơn 20 năm qua, kể từ sau vụ "Tangentopoli". Danh sách các nghị sĩ ở hai viện Quốc hội bị điều tra, bị bắt hoặc truất phế trong thời gian ấy cũng lên đến hơn 100 người, mà người mới nhất trước Lupi không phải ai khác chính là Berlusconi.

Cựu Thủ tướng Italy, Silvio Berlusconi.


Cuối năm 2013, bị tuyên đã gian lận tài chính và trốn thuế trong các hoạt động kinh doanh ở tập đoàn Mediaset của ông, người 3 lần làm Thủ tướng này đã bị truất phế khỏi Thượng viện, bị tước quyền miễn truy tố và bị cấm tranh cử trong vòng 6 năm, và mới rồi, vào đầu tháng 3, mới mãn hạn lao động công ích trong một năm để thi hành bản án này.

Điều đáng chú ý là sau khi ông rớt khỏi vũ đài chính trị, người ta mới đưa đạo luật chống tham nhũng đó ra để tìm cách sửa đổi. Chính phủ của Thủ tướng Renzi trình một loạt những thay đổi, trong đó hủy những điều luật quan trọng mà chính phủ Berlusconi đưa ra 12 năm trước, quy định việc làm giả các hồ sơ tài chính để tham nhũng là tội và những người bị tuyên án về tội này có thể bị tù đến 8 năm.

Ngoài ra, nhằm đối phó với việc các phiên tòa ở Italy thường rất dài và nhiều trường hợp phải kết thúc mà không đưa ra được bản án do sự quan liêu và trì trệ của hệ thống tư pháp, dự luật cho phép thời hiệu điều tra kéo dài lên 20 năm, gấp đôi quy định hiện tại. Dự luật này đã được chính phủ đệ trình lên Thượng viện suốt hai năm nay và đến giờ mới được đưa ra xem xét lại để sau đó thông qua trở thành luật.

Đấy có lẽ là một câu trả lời quá muộn màng sau hàng loạt các scandal tham nhũng xảy ra ở khắp nơi, từ việc người ta phát hiện ra sự dính líu của mafia vào các công trình tái thiết thành phố l'Aquila bị động đất năm 2008, dự án làm đê ngăn triều cường ở Venice, bê bối tham nhũng trong các trại nhập cư ở đảo Sicily, sự cấu kết của mafia và hàng loạt quan chức tha hóa trong scandal mafia ở Rome, nhiều quan chức phụ trách EXPO bị bắt, và scandal mới nhất liên quan đến Bộ trưởng Lupi.

Nhưng muộn còn hơn không, và Thủ tướng Renzi, người nổi tiếng là mạnh mẽ và quyết đoán, cho tất cả thấy rằng ông không thể khoan nhượng trong cuộc chiến với một tệ nạn đã khiến Italy ê mặt với thế giới và gây thiệt hại mỗi năm không dưới 60 tỉ euro: ông bổ nhiệm Raffaele Cantone, từng là một công tố viên xuất sắc trong các vụ điều tra mafia ở miền Nam Italy, vào vai trò người đứng đầu Cơ quan chống tham nhũng quốc gia Italy (ANAC).

ANAC được chính phủ thành lập năm 2014 và có quyền lực lớn như một Viện công tố cấp quốc gia, có thể tiến hành và huy động các lực lượng khác nhằm tiến điều tra vào các vụ có dấu hiệu tham nhũng. Cách hoạt động của ANAC gợi nhớ đến nhóm hơn 20 công tố viên của vụ "Bàn tay sạch" cách đây 20 năm.

"1992" được chiếu như một sự nhắc nhở rằng, tham nhũng luôn là một căn bệnh trầm kha của Italy và chưa bao giờ các chính phủ Italy tiêu diệt hoặc giảm thiểu được tác hại mà tham nhũng gây ra. Trên thực tế, hiện tại Italy không giống như 1992.

Năm ấy, không chỉ chính phủ đổ và cả một lớp chính trị gia bị quét sạch, vài trong số đó tự tử để tránh nỗi xấu hổ khi ra hầu tòa, mà còn là năm bùng nổ cuộc chiến của mafia chống nhà nước Italy. 7.000 quân đã được chính phủ Italy đưa đến đảo Sicily sau khi hai công tố viên Giovanni Falcone và Paolo Borsellino bị sát hại tàn bạo.

Năm 1992 được cho là đã thay đổi bộ mặt của Italy, và những tác động của nó đến giờ vẫn có thể cảm nhận được. Rất nhiều thay đổi đã diễn ra. Một điều duy nhất không đổi: tham nhũng không hề biến mất hay giảm đi về mức độ, mà vẫn tồn tại mạnh mẽ, nhức nhối...


Trương Anh Ngọc
(P/v TTXVN tại Italy)



Mối đe dọa tiềm tàng đối với Italy
Mối đe dọa tiềm tàng đối với Italy

Nhật báo “Libero Quotidiano”, Italy đã đăng bài giới thiệu báo cáo mang tên "Hồ sơ về cộng đồng Hồi giáo tại Italy: Những biểu hiện của sự cực đoan hóa".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN