Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Nữ y sĩ trẻ nặng lòng với bệnh nhân nghèo

Với tâm và tình thương yêu con người, sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, người ốm đau, bệnh tật, chị Trần Thị Thùy Vân (sinh năm 1983, ở Châu Thành, Bến Tre) từ bỏ ngành thiết kế thời trang, quyết tâm đeo đuổi ngành Y học cổ truyền.

Sau khi ra trường và có chứng chỉ hành nghề, khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, chị không xin vào các cơ sở y tế để công tác, thay vào đó, chị thực hiện khám bệnh, bốc thuốc nam - châm cứu miễn phí cho người nghèo ở địa phương tại chính ngôi nhà của mình và bắt tay củng cố, phát triển Chi hội Đông y xã Tiên Thủy (Hội Đông y huyện Châu Thành).

Chú thích ảnh
Nữ y sĩ y học cổ truyền Trần Thị Thùy Vân châm cứu hoàn toàn miễn phí cho người nghèo. 

Nhà của chị Trần Thị Thùy Vân và cũng là Phòng khám của Chi hội Đông y xã Tiên Thủy nằm sâu trong hẻm nhưng khá đông người đến để chờ khám chữa bệnh và bốc thuốc. Chị Thùy Vân chi sẻ, trước đây, Chi hội Đông y xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành vốn đã trở thành điểm tựa tinh thần cho những bệnh nhân nghèo gần xa. Tuy nhiên, Chi hội phải dừng hoạt động một thời gian do sức khỏe của người tiền nhiệm. Là thế hệ trẻ, ở độ tuổi còn nhiều hoài bão với nghề y và đồng cảm hoàn cảnh khó khăn của những người ốm đau, bệnh tật, chị quyết tâm tìm hiểu về kiến thức đông y, nguồn dược liệu tại địa phương. Càng đọc và nghiên cứu, chị càng thấy đam mê, bị cuốn hút bởi những cây thuốc nam, cây kim châm kỳ diệu. Vì vậy, chị quyết chí "đeo" theo học ngành Y tại Trường Trung cấp Tây Sài Gòn và gắn bó với nghề.

Lúc đầu, để củng cố lại hoạt động của Chi hội, được sự ủng hộ của gia đình, người thân, chị Vân đã tự bỏ tiền tích góp bản thân và một phần thu nhập của gia đình từ những mảnh vườn dừa để “tân trang” lại cơ sở chữa trị cho bà con. Đồng thời, y sĩ Vân và những người thân quen còn tự đi tìm các loại thuốc nam trong các khu vườn lân cận, dược liệu nào không có thì cùng nhau bỏ tiền  góp quỹ, “hùn” mua về. Lâu dần, nhiều người mang cây thuốc đến biếu, những người bệnh có điều kiện cũng “chung tay” đóng góp ít kinh phí để duy trì hoạt động – y sĩ Vân kể.

Trẻ với nghề, nhưng cô gái 8X bằng sự tận tụy với việc khám bệnh, bằng kiến thức được đào tạo bài bản và "mát tay" khi sử dụng dược thảo nên Tổ chẩn trị này ngày càng thu hút bệnh nhân xa gần đến khám, chữa bệnh. Y sĩ Vân cho biết, bệnh nhân đến đây đa số là người già, lớn tuổi hoặc trung niên với những chứng bệnh thường gặp do thay đổi thời tiết hay bệnh mãn tính (huyết áp, xương khớp, gan....). Mỗi ngày có khoảng 30 - 40 bệnh nhân đến Tổ chẩn trị khám chữa bệnh miễn phí. Để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân, Tổ chẩn trị mở cửa 4 - 5 ngày/tuần để xem mạch và bốc thuốc, châm cứu… tất cả làm việc với tinh thần tự nguyện, không có thù lao.

Bà Hồ Thị Đào (82 tuổi, ở ấp Tiên Tây Vàm, xã Tiên Thủy) cho biết, mỗi khi bị bệnh, bà đều tới đây lấy thuốc, châm cứu. Nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc của bà cũng như rất nhiều bệnh nhân nghèo quanh vùng. Bà bị giật cơ miệng và mang nhiều bệnh ở lưng, khó khăn trong việc đi lại. Được người quen giới thiệu, gần nửa năm nay, bà đến điều trị bằng phương pháp đông y cổ truyền. Hàng ngày, được châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt…, hiện cơ miệng không còn giật, bệnh ở lưng dần thuyên giảm. 

Bà Đào nhận xét thêm, phòng chẩn trị có đầy đủ phương tiện để phục vụ việc khám điều trị bệnh, phòng chờ thoáng mát, rộng rãi, có chỗ cho bà con nghỉ ngơi, có bàn khám bệnh tổng quát, máy đo huyết áp… Theo bà, điều trị bằng phương pháp đông y phải trải qua thời gian lâu nhưng đỡ tốn kém, hiệu quả lại cao. Bệnh nhân đến khám lại được y sĩ giải thích tỉ mỉ nguồn gốc bệnh, liều lượng dùng thuốc, điều trị ra sao, nên vận động như thế nào; đặc biệt, người có hoàn cảnh khó khăn đều được tiếp đón, thăm khám tận tình, tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở vùng khác tìm đến để bốc thuốc trị bệnh. Chị Võ Thu Trang (47 tuổi, ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc) cho hay, chị hay bị đau mỏi vai gáy, đau khớp tay, chân đã 3 – 4 năm rồi. Bản thân đã điều trị ở nhiều nơi, tốn tiền nhưng không dứt hẳn. Từ ngày uống thuốc đông y kết hợp xoa bóp, châm cứu, thủy châm tại Chi hội Đông y xã Tiên Thủy, bệnh của chị tiến triển rất tốt mà không phải mất tiền.

Chia sẻ với chúng tôi, nữ y sĩ trẻ Thùy Vân nói, chữa bệnh bằng thuốc Nam yêu cầu phải thăm khám kỹ, chẩn đoán đúng bệnh rồi mới quyết định đưa ra bài thuốc phù hợp. Bệnh nào thì thuốc đấy, chỉ cần sai một vị, thuốc sẽ phản tác dụng gây ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Đồng thời, với cùng một loại bệnh, tùy thể trạng của mỗi người mà phương pháp điều trị lại khác nhau để hướng tới mục đích chữa khỏi bệnh tận gốc. Do đó, cần dành cả tâm - đức của người thầy thuốc để cứu chữa người bệnh. Người bệnh dù có hoàn cảnh kinh tế như thế nào khi tìm đến đều được khám chữa như nhau và hoàn toàn miễn phí.

Từ việc làm ý nghĩa, Chi hội Đông y xã Tiên Thủy đã thu hút những bệnh nhân sau khi hết bệnh tình nguyện quay lại đây làm việc. Anh Trần Hữu Phước, làm nghề giữ tôm ở huyện Bình Đại tâm sự: Thời gian trước, anh bị khớp mức độ nặng và có đến đây trị bệnh. Cảm phục trước tấm lòng nhân ái, thái độ hòa nhã với người nghèo, khi bệnh tình thuyên giảm, anh Phước đã quay lại học gói thuốc để chung tay góp sức với các y sĩ ở đây giúp đỡ cho những bệnh nhân khác.

Theo Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bến Tre Phan Văn Hạnh, về công tác khám chữa bệnh Chi hội Đông y xã Tiên Thủy do y sĩ Trần Thị Thùy Vân làm Chi hội trưởng được đánh giá có chất lượng và hiệu quả trong quá trình điều trị, được người dân tín nhiệm, nhất là người nghèo. Y sĩ Trần Thị Thùy Vân là người tận tâm trong việc cứu người, luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc, hết lòng phục vụ vì bệnh nhân. Mặc dù là thế hệ trẻ, nhưng y sĩ Vân đã phát huy tâm thế kế thừa, duy trì, phát triển các phương pháp chữa bệnh bằng thuốc y học cổ truyền; qua đó góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tạo nên bản sắc riêng của nền y học cổ truyền địa phương.

Không chỉ phát tâm khám bệnh từ thiện, trong năm 2020, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, y sĩ Vân đã tự nguyện đăng ký tham gia chống dịch tại địa phương. Từ công việc truy vết, test định kỳ cho đến cấp phát thuốc xông, dược liệu điều trị F0 tại nhà,… chị đều thực hiện trong tâm thế vì sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết. Hiện tại, vừa thực hiện duy trì hoạt động phòng khám, chị Trần Thị Thùy Vân còn là thành viên trong Đội phản ứng nhanh hỗ trợ điều trị F0 của huyện Châu Thành.

Trong thời gian tới, chị dự định sẽ dành 1.300 m2 trồng xen các dược liệu trong vườn dừa, qua đó chủ động nguồn thuốc trong điều trị bệnh cho người nghèo. Với tinh thần trách nhiệm trong công việc, cái tâm của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, y sĩ y học cổ truyền Trần Thị Thùy Vân được các cấp, các ngành ghi nhận, khen thưởng. Năm 2021, y sĩ Trần Thị Thùy Vân được Trung ương Hội Đông y Việt Nam tặng Bằng khen.

Bài và ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Những thầy thuốc quân hàm xanh ở cực Nam Tổ quốc
Những thầy thuốc quân hàm xanh ở cực Nam Tổ quốc

Vừa là nòng cốt thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong lực lượng Biên phòng, đội ngũ y, bác sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang còn quan tâm chăm lo sức khỏe cho cán bộ chiến sỹ; khám chữa bệnh cho người nghèo vùng biên giới, biển, đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN