Gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên các tuyến cao tốc, nhất là những tuyến cao tốc mới được đưa vào khai thác, sử dụng như La Sơn - Túy Loan, Cam Lộ - La Sơn… Bảo đảm an toàn giao thông trên cao tốc là vấn đề mà người dân và cơ quan quản lý nhà nước quan tâm từ những diễn biến phức tạp, đáng ngại đó.

Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nếu như cả năm 2023 ghi nhận 61 người tử vong do tai nạn giao thông trên đường cao tốc, thì điều đáng tiếc là chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm nay đã có 23 người tử vong.

Nhắc đến vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ngày 18/2, tại Km48+200 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận giữa xã Phong Mỹ và Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), nhiều người hẳn chưa hết bàng hoàng. Một xe con vượt bên phải xe container đã dẫn đến vụ tai nạn liên hoàn giữa 4 xe ô tô, xe con bị hất văng sang bên kia đường, rơi xuống taluy âm bẹp rúm, 3 người trong cùng một gia đình tử vong và 2 người bị thương nhẹ.

Chỉ 3 tuần sau đó, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng lại xảy ra cũng trên tuyến cao tốc này. Tối 10/3, lái xe Lê Hoàng Quân điều khiển xe khách 51B - 261.49 chạy theo hướng từ tỉnh Quảng Trị vào thành phố Đà Nẵng, khi đến Km58 cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua huyện Phong Điền, do không chú ý quan sát đã để đuôi xe phía bên phải va vào phía sau bên trái xe ô tô tải 75C - 016.91 đang dừng đỗ bên đường theo hướng cùng chiều do xe bị nổ lốp. Vụ tai nạn khiến hành khách là hai vợ chồng đi trên khách xe tử vong, 9 người khác bị thương.

Trước đó, rạng sáng 23/1, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên cao tốc La Sơn - Túy Loan, tại Km36+400 thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Xe khách 45 chỗ bất ngờ lao xuống vực sâu 30m, khiến 2 người tử vong, 19 người bị thương. Cũng trên tuyến cao tốc này, sáng 28/2 xảy ra vụ lật xe container khiến lái xe tử vong.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào ngày 18/2 và tối 10/3/2024 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Nhiều vụ tai nạn khác đã xảy ra trên các tuyến cao tốc trong hơn 2 tháng đầu năm nay. Điển hình là vụ 4 thiếu niên tử vong khi điều khiển xe máy đi ngược chiều vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai chiều 14/2, hay vụ tai nạn giữa xe ô tô chở khách và xe tải tại Km 45 cao tốc Nha Trang - Cam Lâm làm 2 người tử vong…

Sau mỗi vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, lại dấy lên những tranh luận về nguyên nhân tai nạn là do người điều khiển phương tiện giao thông hay do cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo an toàn. Rất nhiều vấn đề đã được mổ xẻ. Trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, các chuyên gia, nhà quản lý đã phân tích nhiều khía cạnh, từ cả phía lỗi của người tham gia giao thông và bất cập về hạ tầng.

Theo Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh, rà soát lại các vụ tai nạn giao thông cho thấy, nguyên nhân trực tiếp là do những hành vi vi phạm nguyên tắc cơ bản trong quá trình tham gia giao thông, như chuyển hướng không quan sát, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt không quan sát, dừng đỗ không đúng quy định… Những hành vi này liên quan trực tiếp tới sự an toàn, rủi ro dẫn tới va chạm rất cao.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát Giao thông) cho biết, nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông trên, theo điều tra ban đầu và kết luận của cơ quan điều tra, đa phần xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông trên đường cao tốc, như: vi phạm về làn đường, chuyển làn không có tín hiệu báo, không quan sát, đi ngược chiều, dừng đỗ xe tùy tiện, thậm chí là đi xe máy ngược chiều trên đường cao tốc. Đây là một vấn đề đặt ra rất lớn cho công tác quản lý nhà nước cũng như công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên đường cao tốc.

Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên - Huế).

Song, nhiều người cũng cho rằng, nhiều tuyến cao tốc hiện nay nổi lên hàng loạt bất cập, chưa đạt đúng chuẩn cao tốc. Cao tốc Cam Lộ - La Sơn nối Quảng Trị với Thừa Thiên - Huế và La Sơn - Túy Loan nối Đà Nẵng với Thừa Thiên - Huế hiện chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách cứng, nhiều đoạn qua đồi núi quanh co, dốc, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Chẳng hạn, tuyến Cam Lộ - La Sơn dài hơn 98 km, quy mô 2 làn xe, không có dải phân cách cứng ở giữa, trừ một số đoạn cho phép vượt được mở rộng 4 làn xe. Tuy nhiên, những đoạn cho xe vượt (thường chỉ kéo dài 1,5 - 2 km) lại tạo ra những nút thắt cổ chai khi nhập làn. Nếu tài xế tính toán tốc độ xe không chính xác, căn đường không chuẩn, rất dễ dẫn đến tai nạn, đặc biệt là khi lưu thông vào ban đêm, tầm nhìn hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện sau các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua. Trước tình hình liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên, làm chết và bị thương nhiều người, để kịp thời khắc phục hậu quả và ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông tương tự, ngày 11/3, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp chủ trì tổ chức hội nghị với các cơ quan, lực lượng chức năng đánh giá nguyên nhân, triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập. Đồng thời, khẩn trương làm rõ các vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi liên tiếp để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn.

Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và Công an các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nêu trên.

Khoảng 16h ngày 14/2/2024, tại Km 261 + 700, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 4 người tử vong.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát và tăng cường tổ chức giao thông hợp lý trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, nhất là các tuyến cao tốc chỉ có hai làn xe và các tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp. Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chưa thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 07/CĐ-TTg ngày 23/1/2024 và Công điện số 14/CĐ-TTg ngày 18/2/2024, dẫn đến tiếp tục xảy ra vụ tai nạn nêu trên.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải các cơ quan có liên quan xây dựng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt trong thời gian tới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/3/2024.

Hai bên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có nhiều vị trí có thể làm trạm dừng nghỉ.

Sau các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên một số tuyến đường cao tốc từ đầu năm đến nay, các chuyên gia, nhà quản lý và người tham gia giao thông đề cập nhiều đến vấn đề tiêu chuẩn đường cao tốc.

Có chuyên gia cho rằng, nhiều đường cao tốc ở nước ta, trong đó không ít đoạn tuyến thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông chỉ đầu tư quy mô hai làn xe, không đạt đúng chuẩn cao tốc. Đường cao tốc chỉ xây dựng hai làn, không có làn dừng khẩn cấp không những không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng để các phương tiện lưu thông, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Nhiều tuyến cao tốc sau khi đưa vào khai thác đã xuống cấp, hằn lún, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh (áo đen) kiểm tra hiện trường vụ tại nạn xảy ra trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 2 người tử vong.

Vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngày 18/2, trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, làm 3 người tử vong và 2 người bị thương, ngoài nguyên nhân trực tiếp do hành vi của người điều khiển phương tiện, nhiều ý kiến cho rằng còn có những yếu tố khách quan liên quan đến hạ tầng giao thông khi tuyến cao tốc này tồn tại hàng loạt bất cập như không trạm xăng, không trạm dừng nghỉ, nhiều đoạn đường cong, dốc, nhiều điểm thắt nút cổ chai, hướng vượt phía trước bị hẹp ở hai bên, đường hẹp, khổ đường nhỏ, không có dải phân cách cứng, nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Tại cuộc họp đánh giá nguyên nhân, rút kinh nghiệm và triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn diễn ra vào ngày 21/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh đã đề nghị các cơ quan quản lý, khai thác tuyến cao tốc này phối hợp kiểm tra, thẩm định lại hệ thống an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông đoạn tuyến xảy ra tai nạn; có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, khẩn trương khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập về kết cấu hạ tầng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát Giao thông), cuối năm 2023, Cục Cảnh sát Giao thông đã tổ chức khảo sát 12 tuyến cao tốc, qua đó phát hiện 7 đoạn tuyến chưa đảm bảo an toàn như làn dừng khẩn cấp không đủ chiều rộng, không có chiếu sáng về ban đêm, một số đoạn tuyến tầm nhìn hạn chế, không có dải phân cách cứng giữa đường… Về nguyên tắc, đường cao tốc phải có dải phân cách cứng, không giao cắt đồng mức với các tuyến đường khác, để dành riêng cho ô tô, rút ngắn thời gian chạy xe và đảm bảo an toàn. Trong bối cảnh ý thức của người tham gia giao thông chưa được nâng cao, việc đặt dải phân cách giữa đường sẽ hạn chế xảy ra tai nạn.

Thực tế, an toàn giao thông không đến từ một phía. Hạ tầng giao thông có tốt đến mấy mà ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt, tai nạn vẫn luôn trực chờ. Nhìn lại vụ tai nạn xảy ra vào tối 10/3 vừa qua trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, vụ việc “hoàn toàn do lỗi của lái xe, không liên quan đến hạ tầng. Lái kiểu này, đường 10 làn vẫn tai nạn như thường”.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân vụ tai nạn giao thông tại Tuyên Quang và chỉ đạo tại cuộc họp nhanh nhằm đánh giá, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Không khó để thấy những hình ảnh phóng nhanh, vượt ẩu của các lái xe trên các tuyến cao tốc. Con số chỉ trong nửa tháng đầu năm 2024, qua tuần tra, kiểm soát, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng đã xử lý gần 70 trường hợp vi phạm tốc độ trên cao tốc La Sơn - Túy Loan đã phần nào minh chứng cho điều này.

Trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn, các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc, Cục Cảnh sát Giao thông đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 843 trường hợp vi phạm; phạt tiền 1,11 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 401 trường hợp; tạm giữ 99 phương tiện. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phát hiện 1.014 trường hợp vi phạm qua hệ thống camera giám sát, lập biên bản 75 trường hợp, đã gửi thông báo vi phạm 939 trường hợp.

Từ ngày 18/2 đến hết ngày 23/2, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 đã lập biên bản đối với 33 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn; phạt tiền 171 triệu đồng, tước 31 giấy phép lái xe. Cùng với đó, qua rà soát trên mạng xã hội và hình ảnh do người dân cung cấp, Đội 4 đã tổng hợp, gửi thông báo phạt nguội 12 trường hợp vi phạm.

Phát hiện và xử lý nhiều trường hợp đi xe máy vào cao tốc Đại lộ Thăng Long.

Nhiều vụ tai nạn giao thông liên hoàn trên cao tốc đã xảy ra từ hành vi không tuân thủ quy định về phần đường, làn đường, giữ khoảng cách an toàn, báo hiệu khi chuyển làn, xin vượt, chạy quá tốc độ quy định… Khi để xảy ra các vụ tai nạn, lỗi do chủ quan của người điều khiển phương tiện vẫn là nguyên nhân chính.

An toàn giao thông trên đường cao tốc là vấn đề cần sớm được đặt ra, khi các tuyến cao tốc đang được hình thành ngày một nhiều, tạo thêm nhiều trục giao thông huyết mạch và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cũng ngày một lớn. Ba yếu tố hàng đầu đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc, đó là ý thức, kỹ năng của lái xe, chất lượng phương tiện và hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, hết năm 2023, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó có 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475 km, nâng tổng chiều dài cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km. Hiện gần 1.700 km đường cao tốc kết nối trục Bắc - Nam và Đông - Tây đang được thi công, tạo tiền đề đạt và vượt mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đặt ra là phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.

Dẫu biết rằng cao tốc là loại đường có hệ số an toàn cao nhất trong số các loại đường, tai nạn giao thông trên cao tốc chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số các vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc, rất thấp so với khoảng 35% số vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ, trong khi trên nhiều hành lang quan trọng hệ thống đường cao tốc đảm nhiệm tới 80%, thậm chí 90% lưu lượng giao thông, song, chỉ một sự tùy tiện, chủ quan, sao nhãng của lái xe, là có thể dẫn tới tai nạn thảm khốc.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông trên các tuyến đường.

Trong một phỏng vấn gần đây của phóng viên TTXVN, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho rằng, do tốc độ cao, người tham gia giao thông trên cao tốc phải chú ý tuyệt đối tuân thủ các quy định, chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, như bảo đảm kiến thức và kỹ năng lái xe, sức khỏe và sự tỉnh táo tập trung, tình trạng phương tiện tốt, thu thập thông tin và có kế hoạch cho chuyến đi... Những người lái mới, xe mới, tuyến đường mới càng phải hết sức thận trọng.

Người tham gia giao thông phải luôn chủ động trau rèn và thực hành đúng các quy tắc giao thông, đặc biệt là quy tắc giữ khoảng cách, tuân thủ tốc độ, các quy tắc khi vượt xe, chuyển làn, chuyển hướng, thắt dây an toàn, không sử dụng điện thoại, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em... Vi phạm quy tắc giao thông đều làm gia tăng rủi ro dẫn tới tai nạn.

Theo ông Trần Hữu Minh, những người mới lái xe hoặc chưa từng lái trên cao tốc, nên có người lái xe kinh nghiệm bổ túc tay lái trên cao tốc trước khi tự lái. Tốc độ cao là nhân tố có thể "hủy diệt" mọi thứ. Người lái cần chủ động giảm tốc và duy trì ở mức hợp lý kể cả khi có thể đi nhanh hơn. Tốc độ giới hạn không có nghĩa là khuyến khích người điều khiển xe hướng tới mức tối đa. Các chuyên gia an toàn giao thông thường khuyến cáo đi thấp hơn tốc độ giới hạn (tùy theo điều kiện cụ thể), nhưng không thấp hơn tốc độ tối thiểu.

Cán bộ, chiến sĩ Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Cục CSGT) kiểm tra giấy tờ và hướng dẫn lái xe khách các biện pháp an toàn khi phương tiện gặp sự cố trên cao tốc. 

Đi liền với đó là phải luôn thực hành thắt dây an toàn bất cứ khi nào lên xe và tạo thói quen đó cho tất cả mọi người xung quanh... “Những thói quen xấu tưởng chừng như vô hại như không thắt dây an toàn trong điều kiện giao thông đô thị ùn tắc, hoặc trong đường làng, có thể theo bạn lên cao tốc và lúc đó thói quen đó có thể trở thành một trong những nhân tố gây hậu quả thiệt hại lớn về người khi có va chạm”, ông Minh nói.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, dây an toàn có thể giảm tới 45% chấn thương nghiêm trọng và giảm tới 75% rủi ro tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ thắt dây an toàn tại Việt Nam hiện còn khá thấp (dưới 20%), đặc biệt, với người ngồi hàng ghế sau, tỷ lệ không thắt dây an toàn rất cao.

Cục Cảnh sát Giao thông cho biết sẽ tăng cường kiểm soát để xử lý các trường hợp tránh, vượt và các hành vi khác nguy cơ gây mất an toàn trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Theo đó, Cảnh sát sẽ khép kín địa bàn 24/24 giờ, đồng thời cử cán bộ, chiến sỹ mặc thường phục kết hợp xe công vụ di chuyển trên tuyến và đứng tại các điểm để ghi nhận. Sau đó, thông tin sẽ được báo cho các chốt liền kề lập biên bản hoặc gửi thông báo phạt nguội đối với hành vi trên.

Bài: Chu Thanh Vân
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

17/03/2024 06:10