Phát triển công nghiệp phụ trợ để thu hút đầu tư nước ngoài

Đó là một trong những nội dung của Diễn đàn CEO Talks được tổ chức vào sáng ngày 20/11tại TP Hồ Chí Minh, do công ty TUV SUD phối hợp với Hiệp Hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp (DN) và chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế. Sự kiện nhằm chia sẻ những thông tin hữu ích và kinh nghiệm hợp tác đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Tại diễn đàn, các DN nước ngoài đánh giá cao tiềm năng kinh tế Việt Nam khi phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.


Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch HUBA, cho biết đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức nhằm mang đến những thông hữu ích về tình hình hợp tác thương mại giữa Việt Nam với nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là Châu Âu và Mỹ. Theo đó, lãnh đạo các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang trực tiếp đầu tư vào Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc quản lý chất lượng, kiểm định và đánh giá thị trường, nhằm phát triển doanh nghiệp theo hướng đầu tư bền vững tại Việt Nam.


Tại diễn đàn, nhiều ý kiến của diễn giả cũng đã nêu rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ đối với sự thành công trong chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Bởi muốn phát triển và hình thành một số ngành công nghiệp hiện đại mang tính cạnh tranh cao, DN phải thực hiện thành công nội địa hóa các sản phẩm hỗ trợ.


Theo ông Phạm Ngọc Hưng, khi Việt Nam gia nhập TPP, các hiệp định thương mại tự do với Châu Âu và cộng đồng ASEAN thống nhất thì yêu cầu của công nghiệp hỗ trợ rất lớn. Bởi dù muốn dù không, tỷ lệ nội địa hóa vẫn rất cần thiết. Chẳng hạn, muốn hưởng toàn bộ thuế quan ưu đãi trong ASEAN thì tối thiểu nội địa hóa phải là 40%, nếu vào TPP cũng là cái quan trọng khi những sản phẩm hỗ trợ được sản xuất tại Việt Nam và trong khối TPP. Tuy nhiên, muốn đầu tư thì cần có nhiều sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, trước hết là định hướng chiến lược là gì? Ô tô, hay điện, điện tử… cũng cần có kế hoạch phát triển mở rộng và gắn với công nghiệp hỗ trợ trong nước. Mặt khác, khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài, cần phải yêu cầu họ sử dụng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước…”, ông Hưng chia sẻ.


Ông Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty Luật Duane Morris Việt Nam cũng cho biết, từ nay đến năm 2020 sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đối với DN Việt Nam trong chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để thu hút được đầu tư nước ngoài, Việt Nam xem xét sửa đổi Luật Đầu tư và Luật DN của Việt Nam, trong đó hướng đến xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, có sức cạnh tranh tốt và hiệu quả. Khi mà luật kinh doanh và luật đầu tư đã gỡ bỏ được những thủ tục rườm rà về thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho DN phát triển sản xuất kinh doanh, tạo môi trường tự do cạnh tranh… thì đó là những điểm đổi mới quan trọng, giúp các DN nước ngoài dễ dàng tiếp cận, thiết lập và phát triển kinh doanh tại Việt Nam”, ông Oliver Massmann nói.


Nhân dịp này, Tập đoàn Tuv Sud (của Đức) và HUBA đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương gia nhập thị trường quốc tế. Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành dệt may, Tập đoàn Tuv Sud sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, thiết bị y tế, công nghiệp thực phẩm của TP Hồ Chí Minh mở rộng thị trường xuất khẩu qua Mỹ và Châu Âu…


Tin, ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN