Phát triển cà phê bền vững

Từ ngày 9 đến ngày 12/3/2013, tại thành phố Buôn Ma Thuột, thủ phủ cà phê Việt Nam sẽ diễn ra Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4, nhân dịp này, Tin tức đã phỏng vấn với ông Trang Quang Thành (ảnh), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk.

 

´Vai trò của cây cà phê đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội trên địa bàn như thế nào?


Cà phê là nông sản sản xuất chủ lực của tỉnh Đắk Lắk, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh (chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh), có ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận nhân dân trên địa bàn. Sự phát triển bền vững của ngành cà phê gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội và ổn định chính trị xã hội của tỉnh. Ngành sản xuất cà phê trên địa bàn đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây cà phê. Hiện tại và trong nhiều năm tới, cây cà phê vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk.


Kinh nghiệm của những nông hộ trồng cà phê ở Đắk Lắk cho rằng, trong những năm 1990 - 1992, mặc dù giá cà phê xuống thấp, trên thị trường cà phê thế giới chỉ 700 đến 800 USD/tấn. Một số vùng trồng cà phê ở nước ta phải bỏ không chăm sóc. Ở Việt Nam, giá cà phê lúc đó cũng bị ảnh hưởng, mặc dù giá trị 1 kg cà phê nhân lúc đó chỉ bằng 2 đến 2,5 kg gạo. Nhưng thực tế, người trồng cà phê ở Đắk Lắk vẫn bảo đảm đủ sống. Phản ảnh rõ ràng nhất là đời sống của những người ở vùng cà phê, công nhân của các nông trường cà phê ngày càng sung túc, bộ mặt xã hội của những vùng này thay đổi hẳn, có khuynh hướng hơn hẳn công nhân các ngành khác ở cùng thời điểm. Hiện nay, theo tính toán, nếu làm 1 ha cà phê kinh doanh đạt năng suất thấp chỉ 25 tạ/ha/năm, thì trên 1 ha cà phê thu lãi trên 30 triệu đồng/năm. So với mặt bằng giá hiện nay thì thu nhập của người trồng cà phê có đời sống sinh hoạt đạt mức trung bình trở lên.


Toàn tỉnh Đắk Lắk có trên 202.000 ha cà phê, sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên, trong đó có chủ yếu là cà phê của 180.500 nông hộ. Số nông hộ có quy mô dưới 0,5 ha chiếm khoảng 35% (hơn 63.000 hộ), hộ có quy mô diện tích từ 0,5 đến 1 ha chiếm khoảng 34% (61.000 hộ) và quy mô diện tích từ 1 đến 2 ha gần 24%, còn lại từ 2 ha cà phê trở lên chỉ có 7% số hộ canh tác cà phê (gần 13.000 hộ). Cho nên, có thể nói sản xuất cà phê ở Đắk Lắk là quy mô nhỏ lẻ, manh mún.


´Việc phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới sẽ như thế nào, thưa ông?


Quan điểm phát triển cà phê bền vững của tỉnh Đắk Lắk hiện nay là phải bảo đảm năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả cao, ổn định lâu dài và giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, giữ vững trật tự an ninh xã hội. Theo đó, định hướng sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Lắk phải theo tiêu chí của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Theo kế hoạch, tỉnh ổn định diện tích khoảng 140.000 đến 150.000 ha trong vùng sinh thái thuận lợi để thâm canh tăng năng suất, đưa sản lượng đạt từ 400.000 tấn cà phê nhân mỗi năm trở lên, kiên quyết thay thế cây trồng khác đối với những khu vực trồng cà phê không đủ nước tưới, có độ dốc trên 15 độ, sản xuất kém hiệu quả. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ cà phê tinh chế đạt 15 đến 20% trong tổng sản lượng, đưa giá cà phê xuất khẩu cùng loại tương đương với các nước trên thế giới, duy trì tăng trưởng ngành cà phê từ 5 đến 6% mỗi năm. Tỉnh Đắk Lắk cũng tiến hành rà soát lại vùng quy hoạch sản xuất chuyên canh cà phê theo 3 cấp: tỉnh, huyện và xã. Công tác quy hoạch có căn cứ khoa học, có tầm nhìn xa, xuất phát từ thực tế, chú trọng các yếu tố: đất đai, nguồn nước, thiết bị chế biến, hệ thống bảo quản sản phẩm, các khu du lịch, dịch vụ... Khuyến khích người dân thâm canh vườn cây theo hướng bền vững, đồng thời, thực hiện tốt công tác cải tạo trẻ hóa vườn cây bằng các giống vô tính chọn lọc, theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh cũng khuyến khích các nông hộ đa dạng hóa sản phẩm trong vườn cà phê, khi thu hoạch chỉ thu hái vườn cây có tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên, đầu tư, nâng cao chất lượng chế biến, nhất là chế biến ướt cho cà phê đáp ứng tốt yêu cầu sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu góp phần làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê nhân, tăng thu nhập cho các nông hộ...


´Ông có những kiến nghị, đề xuất gì với Nhà nước?


Qua tình hình hình thực tế tại địa phương để phát triển ngành cà phê Đắk Lắk một cách bền vững, xin kiến nghị một số nội dung: Nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ các nông hộ chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi sang cưa ghép, hoặc tái canh bằng các dòng cà phê vối vô tính chọn lọc (vì thực hiện tái canh bình quân 1 ha đầu tư gần 150 triệu đồng từ cải tạo đất, cây giống, phân bón, chăm sóc...). Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành liên quan cần có hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức lại ngành cà phê, trong đó chú trọng đến xây dựng các hình thức tổ chức thích hợp như hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất... tránh tình trạng phân tán, nhỏ lẻ như hiện nay. Nhà nước cần có chính sách miễn hoặc giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với những nguồn tài chính mà các doanh nghiệp phải đầu tư nhằm đổi mới trang thiết bị công nghệ, hỗ trợ về mặt ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông hộ thông qua các nhà khoa học. Chính sách thu mua tạm trữ cà phê cần được thực hiện tương ứng với thời vụ thu hoạch sản phẩm (đầu vụ) và phải có chính sách thu mua rõ ràng, bảo đảm có lợi thiết thực cho người trồng trực tiếp sản xuất ra hạt cà phê...


Trân trọng cám ơn ông!

Lễ hội cà phê lần thứ 4
Lễ hội cà phê lần thứ 4

Trong những ngày này, trên khắp các tuyến đường phố chính của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam tràn ngập không khí của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ tư năm 2013, với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột liên kết, phát triển”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN