Ngành nông nghiệp gỡ khó cho xuất khẩu

Quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt gần 6,13 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, nhiều mặt hàng như gỗ, thủy sản... đã giảm mạnh bất thường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã có các giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn mà các ngành hàng đang gặp phải.

Nông trường chè Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) thu hoạch chè để chế biến xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ-TTXVN


Quý II/2015, ban hành thông tư về gỗ vườn nhà


Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, năm 2014, ngành gỗ có kim ngạch tăng trưởng mạnh nhưng trong quý I/2015 ngành này lại có sự giảm sút trên 6%. Giảm mạnh trước hết là bàn ghế ngoài trời xuất khẩu sang EU.

"Bên cạnh đó, mặt hàng dăm cũng giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trước đây, Hàn Quốc nhập khẩu nhiều viên nén nhiên liệu, có thời điểm lên tới 150 USD/tấn. Hiện Hàn Quốc nhập khẩu giảm 29% trong quý I", ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp đã có biện pháp riêng nhằm giảm chi phí, tiết kiệm nguyên liệu. Tuy nhiên, Bộ NN & PTNT cần có chính sách ưu đãi với doanh nghiệp sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, ban hành sớm văn bản đánh giá tính hợp pháp của gỗ cao su, gỗ vườn nhà.

Về vấn đề này, Bộ trưởng NN & PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo ngay Tổng cục Lâm nghiệp chậm nhất trong quý II/2015 phải ban hành được thông tư xác định gỗ rừng trồng, vườn nhà, gỗ từ cao su là hợp pháp.

Là mặt hàng vẫn có những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu, nhưng đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, hiện nay lượng mua giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng tiêu đang tăng nhưng nông dân không có kinh nghiệm. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác khuyến nông để nông dân trồng tiêu có thêm kiến thức canh tác theo hướng bền vững. Ngành cũng cần ban hành quy trình canh tác tiêu đồng thời hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu có chứng chỉ chứng nhận.

Để phát triển những mô hình sản xuất tiêu bền vững, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức một số doanh nghiệp lớn và Bộ sẽ làm cầu nối với các địa phương áp dụng các quy trình sản xuất tốt có xác nhận, nâng cao hiệu quả, giá trị cho ngành tiêu Việt Nam.

Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xuất khẩu

Là mặt hàng thường có xu hướng xuất khẩu giảm trong quý I và tăng dần vào các quý sau, nhưng quý I năm nay thủy sản đã có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 5 năm qua. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, số liệu thống kê hải quan cho thấy, hàng thủy sản đã giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mặt hàng tôm giảm mạnh nhất gần 30%, cá tra giảm khoảng 18%, cá ngừ hơn 13%.

Nguyên nhân của sự giảm mạnh như vậy là do tác động của thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra tại thị trường Mỹ. Điều này đã khiến xu hướng giảm bắt đầu từ quý IV/2014 và giảm mạnh cho tới thời điểm này. Thị trường Mỹ hiện giảm gần 44%. Hai thị trường lớn khác là EU và Nhật Bản cũng có mức giảm tương ứng là giảm 11% và gần 15%. Ngoài ra, Ấn Độ đang vào mùa thu hoạch tôm. Giá tôm cỡ lớn của Ấn Độ đã giảm đến 2 USD/kg so với tôm Việt Nam; tôm cỡ nhỏ giảm 0,5 - 1 USD/kg.


Trước những khó khăn này, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, Hiệp hội đang đề ra phương hướng tập trung vào giải pháp là giảm giá thành sản xuất. Sau khi rà soát có khoảng 10 đầu vào có thể giảm được và cần tập trung vào chương trình hành động mạnh. Doanh nghiệp sẽ cố gắng nhưng Bộ phải có chương trình cụ thể.

Ngoài ra, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng có những kiến nghị cần sớm tháo gỡ khó khăn trong việc cải cách thủ tục hành chính, tính thuế đất sản xuất nông nghiệp...

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, muốn duy trì tăng trưởng xuất khẩu không còn cách nào khác là thúc đẩy xúc tiến thương mại. Những kiến nghị của hiệp hội, doanh nghiệp vượt thẩm quyền của Bộ, Bộ sẽ tập hợp báo cáo, kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cục làm việc trực tiếp với Hiệp hội, doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ các thủ tục liên quan đến xuất khẩu.


Bích Hồng

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thúc đẩy dòng vốn tín dụng, xem xét lại một số tiêu chí... là những ý kiến, kiến nghị, đề xuất đầy tâm huyết của những người “trong cuộc” mà báo Tin Tức ghi nhận được. Có thể tin tưởng rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục gặt hái được thêm nhiều thành tựu trong năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN