Khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu và tìm kiếm động lực mới

Chiều 19/9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 bước vào Phiên toàn thể: “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Chú thích ảnh
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV trình bày bài tham luận với chủ đề “Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới”. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Khai thác hiệu quả động lực tăng trưởng mới

Trình bày tham luận “Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới”, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, để đạt được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu và tìm kiếm động lực mới là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cũng như đến năm 2025, năm 2030.

Với một số dự báo tăng trưởng kinh tế từ phía cung, ông Cấn Văn Lực cho biết, tăng trưởng GDP năm 2023 có thể đạt 5,2 - 5,5%. Năm 2024 và 2025, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiềm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025, khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.

“Nếu Việt Nam có thể củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác động lực tăng trưởng mới, mức tăng trưởng có thể cao hơn”, ông Cấn Văn Lực nói.

Bất chấp những khó khăn hiện tại, nền kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng nhanh trong trung hạn, tiến tới tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục là quốc gia được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu hướng tới hình thành các trung tâm sản xuất tại Đông Nam Á.

Từ nay đến năm 2025 và hướng tới 2030, một số động lực chính dự báo sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh và bền vững hơn với sự cộng hưởng của cả những động lực truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, và động lực mới như kinh tế số, năng suất lao động...

Ông Cấn Văn Lực cho rằng, muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững, Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới cho cả trước mắt và lâu dài.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh nhận định, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2023 đã mang lại một số kết quả tích cực. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng số hóa, xanh hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm như hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân sách nhà nước và đầu tư công, đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng. Không gian kinh tế được mở rộng, tạo được động lực mới, liền mạch và bền vững hơn.

Việc ban hành và thực hiện các quy hoạch (quốc gia, ngành, vùng) gắn với hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng đã tạo điều kiện thúc đẩy dịch chuyển các nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương. Các loại thị trường tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn…

Phân tích bối cảnh, tình hình hiện nay, bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội chính là những nền tảng không thể thiếu, song vẫn phải phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, bền vững.

“Điểm tích cực là đã có những nền tảng cho “đổi mới tư duy”. Tuy nhiên, hiện thực hóa những tư duy ấy đòi phải có đánh giá thấu đáo, toàn diện hơn về nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà cần khai thác nguồn lực về thể chế”, bà Trần Thị Hồng Minh nói.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Trình bày tham luận: “Chuyển đổi xanh và thách thức tăng trưởng kinh tế trung hạn”, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng.

Ông nhận định, việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là khó khăn. Trong khi đó, ba động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với ba động lực truyền thống này mà không có chính sách khuyến khích thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh, các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được. Việc ban hành và thực thi các chính sách mang tính hành chính, phản ứng thụ động, bắt buộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không có lộ trình sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể.

Trên phương diện hoạch định chính sách của Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Thành đề xuất, một số cụm ngành cần được xác định thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đó là các ngành sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và bao bì với trọng tâm chính sách là tái chế; dịch vụ vận tải và logistics với trọng tâm là công nghệ thông minh; xử lý chất thải với trọng tâm là chuyển đổi từ xử lý rác thải sang tạo năng lượng từ rác; kinh tế nước.

Trong phát biểu ghi hình gửi tới Diễn đàn, ông Alexander BÖHMER, Trưởng Ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Pháp cho biết, Đông Nam Á là khu vực phát triển năng động, có tầm ảnh hưởng lớn. Trọng tâm của báo cáo của OECD đã đưa ra những dự báo tăng trưởng của khu vực này, trong đó, ASEAN có mức tăng trưởng đạt 5,6% trong năm 2022. Dự báo mức tăng trưởng chung đạt 4,2% vào năm 2023 và tăng lên 4,7% vào năm 2024.

Cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 còn một số khó khăn nên OECD hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống 4,9%, dự kiến tăng lên 5,9% vào năm 2024. Tốc độ phát triển kinh tế-xã hội tích cực năm 2022 đã và đang góp phần cải thiện an sinh xã hội trong những năm gần đây; đồng thời nền kinh tế cũng cho thấy khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.

Theo OECD, những cải cách sâu hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh, mở rộng hệ thống lương hưu và phúc lợi là cần thiết cho sự phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam. “Điều quan trọng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và dạy nghề để nâng cao năng lực chuyển đổi số của người lao động”, ông Alexander BÖHMER nhấn mạnh.

Trao đổi, thảo luận tại Phiên Toàn thể, đại diện một số hiệp hội, các doanh nghiệp và chuyên gia chia sẻ về thực tiễn hoạt động tiếp cận các chính sách của Nhà nước thời gian qua, những thuận lợi, khó khăn và cơ hội, thách thức đang đặt ra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số ý kiến đã chia sẻ những nỗ lực vượt khó, nỗ lực chuyển đổi các mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với các xu hướng tất yếu của chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững…

Diệp Trương (TTXVN)
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023: Gỡ nút thắt về đấu thầu trong đầu tư công
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023: Gỡ nút thắt về đấu thầu trong đầu tư công

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" diễn ra sáng ngày 19/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề cần nâng cao năng lực, động lực và giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN