Giảm nghèo ở TP Hồ Chí Minh

Chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá của Thành phố Hồ Chí Minh đến nay đã giúp hàng ngàn hộ nghèo của thành phố nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là chương trình được Thành phố Hồ Chí Minh xem là một điểm sáng, niềm tự hào trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung.


Chăm lo toàn diện


Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, thành phố đặt ra vấn đề phải thực hiện chăm lo toàn diện cho người nghèo, hộ nghèo và cả những hộ cận nghèo. Thực hiện chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá giai đoạn 3 (2009 - 2015) thành phố đã bắt tay vào việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để có thể chăm lo toàn diện cho người dân, cũng như các hộ nghèo. Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp mà qua 5 năm thực hiện chương trình, tổng số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập mỗi người 12 triệu đồng/năm của thành phố đã giảm từ 8,4% xuống còn 0,7% trên tổng số hộ dân thành phố. Thành phố cũng đã không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015.

 

Nhờ việc trồng hoa lan, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Các hộ nghèo diện khó khăn đặc biệt đã được theo dõi, chăm lo kịp thời nên giữ vững mức sống, không giảm sút thu nhập và tái nghèo. Đến nay, toàn thành phố đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 3 trước thời hạn 2 năm với tốc độ giảm nghèo tương đối cao (bình quân 1,6%/năm, tăng so với kế hoạch đề ra là 1%/năm). “Chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá là một trong những công tác trọng tâm, mang tính tiếp nối truyền thống và có ý nghĩa quan trọng, thiết thực trong quá trình phát triển của thành phố hiện nay. Thành phố đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các chủ trương, chính sách, giải pháp giảm nghèo thiết thực và hiệu quả tới toàn bộ các ban ngành, tổ chức và địa phương”, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết.


Theo ông Hứa Ngọc Thuận, thành phố đã xác định nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ về vốn là giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất trong việc hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. Chính vì thế, thành phố đã huy động tối đa các nguồn lực từ các tổ chức tín dụng như Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ 156, Quỹ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố... với tổng số tiền gần 3,7 tỷ đồng (từ 2009 - 2015). Để đưa nguồn vốn ưu đãi và các chính sách hỗ trợ tín dụng đến với người dân nghèo đạt hiệu quả cao, thành phố đã tổ chức mở rộng mạng lưới thông tin đến cấp cơ sở như phường - xã, khu phố - thôn xóm; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền và đoàn thể trên địa bàn để thông tin, truyền thông đến các hộ nghèo. Ngoài ra, thành phố còn thực hiện cơ chế theo dõi, quản lý trực tiếp của cán bộ chuyên trách giảm nghèo cơ sở, cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổ tự quản giảm nghèo để hướng dẫn, tư vấn các đối tượng vay vốn sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.


“Ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn thì các chính sách hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm mới chính là những giải pháp then chốt giúp cho thoát nghèo bền vững. Thành phố đã song song thực hiện cùng một lúc các chương trình như: cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề trong nước và cho vay xuất khẩu lao động; miễn giảm học phí cho sinh viên theo học tại các trường; quỹ hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất; đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

 

Đồng thời xã hội hóa, mở rộng các hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các hộ nghèo tới các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội...”, ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết. Cũng theo ông Xê, nhờ thực hiện các giải pháp phối hợp, những chương trình trên đã đào tạo ổn định 3.000 lao động mỗi năm, khoảng 4.000 lao động bị thu hồi đất đã được đào tạo và tìm việc làm. Hàng năm có từ 12.000 - 15.000 người có việc làm trong nước và có gần 100 lao động nghèo đi xuất khẩu lao động. Tính chung từ 2009 - 2013, thành phố đã giới thiệu việc làm trong nước cho 44.070 lao động và hơn 322 người nghèo đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra, thành phố cũng đã chú trọng triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở và các chính sách an sinh xã hội khác để giúp những hộ nghèo nâng cao điều kiện sống và chất lượng sống.


Giảm nghèo hiệu quả


Để giúp người dân nâng cao thu nhập, thành phố đã linh hoạt, áp dụng khá nhiều mô hình hay như: lồng ghép giảm nghèo với việc xây dựng nông thôn mới, thành lập các tổ giảm nghèo tự quản, hướng nghiệp cho mọi người trong gia đình theo một ngành nghề... “Xác định việc thực hiện xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, chúng tôi đã thành lập 28 tổ tự quản giảm nghèo, hướng dẫn bà con thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Tính đến nay, thu nhập của các hộ dân nói chung, trong đó có rất nhiều hộ nghèo đã vượt lên thành hộ khá, cơ bản hoàn thành xuất sắc các tiêu chí về giảm hộ nghèo và tăng thu nhập cho người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo. Hiện số hộ nghèo toàn xã có mức thu nhập dưới 12 triệu đồng/năm/người đã giảm từ mức 41% năm 2009 xuống còn 0,6% năm 2014”, đại diện UBND xã nông thôn mới Thái Mỹ (huyện Củ Chi), cho biết.

Xây dựng nông thôn mới giúp các hộ nghèo chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao và giảm nghèo nhanh.


Không chỉ vậy, nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như mô hình “cả nhà theo ngành y”, mô hình tổ tự quản giảm nghèo... cũng đã giúp không ít các hộ dân nghèo thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Thu Dung ở phường 2, quận Bình Thạnh nhờ chương trình giảm nghèo hỗ trợ mà 3 chị em đều được theo học ngành y, chia sẻ: “Trước năm 2002, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Cha là thương binh, mẹ cũng thường xuyên đau ốm, ba chị em còn đang tuổi đi học, cả gia đình không biết bấu víu vào đâu. Từ ngày được phường đưa vào chương trình xóa đói giảm nghèo để hỗ trợ vay vốn làm ăn, gia đình tôi đã mở được cơ sở kinh doanh nhỏ, cuộc sống cũng ổn định hơn. Tuy nhiên, đến năm 2006 mẹ tôi bị tai biến mạch máu não phải nằm liệt giường. Lúc này, chúng tôi không biết xoay sở làm sao thì chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá lại cho vay vốn giúp em trai tôi đi xuất khẩu lao động kiếm tiền lo cho mẹ, cho tôi đi học ngành y. Khi em trai tôi trở về, em tôi cũng được hướng dẫn đi học ngành y. Đến nay, tôi và em trai tôi đều đã có công việc khá ổn định trong ngành y. Riêng đứa em út cũng đang học Đại học Y khoa năm thứ 3. Tất cả những công việc mà chị em tôi có được hôm nay đều nhờ vào chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá của thành phố”.


Theo ông Nguyễn Văn Xê, mặc dù hộ nghèo của thành phố đã vượt qua mức chuẩn thu nhập 12 triệu đồng/người/năm, nhưng thực tế cuộc sống vẫn còn khó khăn và dễ tái nghèo, bởi mức thu nhập thực tế của mức chuẩn nghèo 12 triệu/người/năm của năm 2013 chỉ tương đương 7,2 triệu đồng/người/năm so với thời điểm 2009. Vì vậy, thành phố đã điều chỉnh chuẩn hộ nghèo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, giá cả sinh hoạt và điều kiện của người dân thành phố. Theo đó, UBND thành phố đã nâng chuẩn nghèo mới lên mức 16 triệu đồng/người/năm và chuẩn cận nghèo là 21 triệu đồng/người/năm; đồng thời đặt mục tiêu giai đoạn 2014 - 2015 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo xuống dưới 3% với tổng kinh phí dự kiến trong giai đoạn này hơn 7.000 tỷ đồng. Ở giai đoạn này, thành phố sẽ tập trung cải thiện và từng bước nâng cao về mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo; ưu tiên người nghèo là gia đình chính sách, dân tộc thiểu số; không để tái nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp và các nhóm dân cư trong xã hội, giữa nội thành và ngoại thành.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN