Giải bài toán đầu ra cho doanh nghiệp xuất khẩu - Bài 1: Đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại

Từ cuối năm 2022 đến nay, lạm phát lan rộng, xung đột giữa các quốc gia kéo dài khiến thị trường thương mại toàn cầu bị xáo trộn, đơn hàng xuất khẩu của nhiều ngành hàng giảm mạnh như đồ gỗ nội thất, dệt may, da giày, thuỷ sản…Trong bối cảnh đó, các cơ quan cùng hiệp hội ngành hàng đã tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để doanh nghiệp gặp gỡ khách hàng, đối tác tìm kiếm đơn hàng mới nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chú thích ảnh
Ảnh (minh họa): Hồng Đạt/TTXVN

Nhận định tình hình kinh tế, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm 2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối thương mại bằng nhiều hình thức khác nhau. Hàng loạt chương trình từ kết nối trực tiếp doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B) đến tổ chức tuần lễ triển lãm ngành hàng, hội chợ thương mại quốc tế được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đẩy mạnh kết nối giao thương

Trước tình hình các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ và EU đều giảm cầu mua sắm, việc chuyển hướng kết nối, khai thác các thị trường khác được xem là hướng đi khả quan hơn cho doanh nghiệp. Chỉ trong nửa đầu năm 2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) đã tổ chức hơn 90 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, thông qua chuỗi các sự kiện giới thiệu thông tin thị trường, hội chợ triển lãm quốc tế, tuần lễ triển lãm sản phẩm chuyên ngành; hoạt động kết nối giao thương. 

Cụ thể, ITPC đã phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng tổ chức 11 chương trình hội chợ - triển lãm, 10 chương trình kết nối doanh nghiệp, 19 chương trình hội nghị, hội thảo, diễn đàn về thị trường - ngành hàng và nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Đáng chú ý là các chương trình xúc tiến, kết nối doanh nghiệp trực tiếp B2B với các thị trường như Mexico, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Ấn Độ…

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC nhận định, Việt Nam có lợi thế hội nhập sâu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhờ đó thị trường xuất khẩu rộng mở. Tuy nhiên, khi điều kiện tiêu thụ thuận lợi, các doanh nghiệp có xu hướng chỉ tập trung vào một số thị trường quen thuộc, có quy mô lớn như Mỹ, EU…Thế nhưng, sau đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của lạm phát ở các thị trường trên thì việc mở rộng, khai thác các thị trường khác là rất cần thiết. 

Điển hình như Mexico là nền kinh tế phát triển năng động, dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới; trong đó có Việt Nam. Đây là khu vực thị trường có nhiều dư địa để đẩy mạnh hợp tác thương mại, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Mexico cũng là một phần của thị trường Bắc Mỹ và là cửa ngõ tiếp cận hơn 500 triệu người tiêu dùng. Tuy nhiên giá trị trao đổi hiện có chưa tương xứng với quy mô thị trường và tiềm năng mà mỗi bên đang có. Nếu tận dụng được các lợi thế về thuế quan trong Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và tích cực thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thì cơ hội gia tăng giá trị thương mại Việt Nam - Mexico sẽ còn rất lớn.

Một thị trường gần hơn là Thái Lan lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ và mới được chú trọng kết nối thời gian gần đây thông qua các chương trình gặp gỡ nhà thu mua, phân phối. Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail cho biết, Việt Nam - Thái Lan có vị trí địa lý gần gũi, giao thông thuận tiện, có thể tận dụng các tuyến giao thông kết nối như hành lang kinh tế Đông-Tây, hành lang kinh tế phía Nam để vận chuyển, bảo quản hàng hóa, hợp tác phát triển lĩnh vực logistics…Thái Lan cũng có hệ thống kênh phân phối đa dạng, tạo nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống này và đến với người tiêu dùng. 

Bên cạnh đó, Việt Nam - Thái Lan và các nước ASEAN khác cùng tham gia vào nhiều hiệp định, các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương. Điều này không chỉ giúp hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của hai nước về cơ bản đã được dỡ bỏ, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu mà còn tạo thuận lợi cho Việt Nam và Thái Lan hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu sang nước thứ ba.

“Phô diễn” lợi thế

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Song song với các hội nghị xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng TP Hồ Chí Minh cũng thường xuyên tổ chức các tuần lễ, triển lãm sản phẩm chuyên ngành nhằm quảng bá sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp, ngành hàng có thế mạnh của TP Hồ Chí Minh đến khách hàng trong và ngoài nước.

Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành cơ khí, thiết bị điện và công nghệ số năm 2023 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện Tp. Hồ Chí Minh (HAMEE) tổ chức từ ngày 1/6-7/6 có hơn 40 doanh nghiệp tham gia trưng bày thuộc các nhóm ngành cơ khí, máy móc, thiết bị điện và công nghệ số, logistics hỗ trợ cho ngành sản xuất cơ khí và thiết bị điện; giải pháp lưu kho, nhà xưởng…

Ông Diệp Bảo Cánh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HAMEE thông tin, Tuần lễ triển lãm sản phẩm ngành cơ khí, thiết bị điện và công nghệ số là một trong những kênh truyền thông hiệu quả và chính thống, với những hoạt động thiết thực giúp quảng bá sản phẩm doanh nghiệp Việt nhằm kết nối và giới thiệu phần nào năng lực xuất khẩu của ngành cơ khí – điện đến các đối tác trong nước và quốc tế. Đây cũng là 1 phần trong dự án “Made by Vietnam” nhằm tạo hệ sinh thái hình thành chuỗi cung ứng chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp nâng cao cao chất và lượng của sản phẩm.

Nhằm hỗ trợ đầu ra cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, tháng 5/2023, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức Diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP Hồ Chí Minh (HCM City Export 2023). Đây là chương trình xúc tiến thương mại đa ngành được tổ chức lần đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh với quy mô hơn 250 gian hàng trưng bày nhiều nhóm hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD gồm gỗ và sản phẩm gỗ, lương thực thực phẩm, cao su, nhựa, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày…

Chỉ một tháng sau khi kết thúc hội chợ xuất khẩu, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức Triển lãm Quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh 2023. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, lương thực thực phẩm là một trong những ngành sản xuất được TP Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển, tuy nhiên do ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới, các doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều sụt giảm.

Trong bối cảnh đó, ITPC phối hợp Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) quyết định tổ chức Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh 2023 sớm hơn thông lệ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới.

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh là sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn, giới thiệu tổng thể sự phát triển năng động của ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, quảng bá các sản phẩm có chất lượng và doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trong ngành lương thực thực phẩm, thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả. 

Bài cuối: Những tín hiệu tích cực

Xuân Anh (TTXVN)
Giải bài toán đầu ra cho doanh nghiệp xuất khẩu - Bài cuối: Những tín hiệu tích cực
Giải bài toán đầu ra cho doanh nghiệp xuất khẩu - Bài cuối: Những tín hiệu tích cực

Việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thường xuyên tổ chức hội chợ triển lãm bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực khi thu hút được sự quan tâm của khách mua hàng quốc tế, giúp doanh nghiệp kết nối được nhiều đối tác tiềm năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN