Để doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam

Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam trong giai đoạn 1993 - 2013, chiếm 30% tổng vốn ODA. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn muốn tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Tuy nhiên, để thu hút hơn nữa làn sóng đầu tư này vào Việt Nam, ngoài cải thiện cơ chế, môi trường đầu tư thông thoáng, doanh nghiệp hai nước cần có thêm cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu về môi trường kinh doanh và thúc đẩy hợp tác.

Sản xuất linh kiện xe ô tô tại nhà máy Việt Nam Tokai - do Công ty Tokai Kogyo của Nhật Bản đầu tư xây dựng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN.


Nhiều cơ hội mở ra

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước năm 2013 đạt khoảng 25,3 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Hai nước cũng xác định mục tiêu sẽ tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và dòng vốn đầu tư vào năm 2020.

Theo ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, Việt Nam có sự ổn định về chính trị, có nền tảng quan hệ lâu đời với Nhật Bản, đồng thời có vị trí quan trọng trong khu vực ASEAN. Nhật Bản có thể mở rộng thị trường trong khối ASEAN thông qua Việt Nam và từ đó tìm kiếm, thiết lập các đối tác chiến lược khác trong khu vực, chuẩn bị tốt cho tiến trình tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Qua khảo sát, có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có kế hoạch sẽ mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến quan trọng để đầu tư. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, tới tháng 9/2014, Nhật Bản có hơn 2.400 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn 36,3 tỷ USD.

Nhiều DNVVN Nhật Bản cũng cho rằng, Việt Nam đang có sự phát triển tương tự như Nhật nhiều năm trước và đó là cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư tại Việt Nam. Trên thực tế, môi trường đầu tư Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua và là mảnh đất tốt cho doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, Việt Nam còn gặp nhiều rào cản bởi cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng đươc nhu cầu cần thiết, dẫn tới tỷ lệ nội địa hóa thấp, đạt trung bình khoảng 32%. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, thiếu thông tin cho nhà đầu tư. Các thủ tục hải quan, thuế, các chính sách ưu đãi cho DN cũng chưa nhất quán...

Cần có diễn đàn để tạo cầu nối

Các DN Nhật Bản cho rằng, để thúc đẩy đầu tư và hợp tác từ phía Nhật Bản, Việt Nam nên tạo các diễn đàn nhằm hỗ trợ về thông tin và nhu cầu; đồng thời tạo điều kiện đầu tư tốt hơn nữa cho các DNVVN Nhật Bản.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, cần phải tạo cầu nối cho doanh nghiệp hai nước gặp gỡ và hợp tác nhiều hơn. Từ kinh nghiệm và công nghệ của Nhật Bản, Việt Nam sẽ cải thiện được chất lượng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời có thể phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn đang non trẻ.

“Đối với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản thì họ có kinh phí lớn và chiến lược để tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam từ lâu rồi, nhưng với những DNVVN của Nhật Bản thì cơ hội đó không nhiều. Nên việc có những diễn đàn để DNVVN hai bên cùng trao đổi là thích hợp và có hiệu quả lớn đối với hoạt động thu hút đầu từ các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư của DNVVN Nhật Bản vào Việt Nam”, ông Bình nói.

Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, ông Seiji Satoh bày tỏ, với những diễn đàn hỗ trợ thì các doanh nghiệp Nhật - Việt sẽ có bước tiến lớn hơn để việc đầu tư thuân lợi. Tuy nhiên, để dòng chảy đầu tư từ DNVVN Nhật Bản vào Việt Nam mạnh hơn, phía Việt Nam có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật về luật pháp, đồng thời có những cải cách thủ tục hồ sơ.

Ông Seiji Satoh đưa ra ví dụ như khi DNVVN Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam thì thời gian đưa ra hồ sơ để xin giấy phép đầu tư thường kéo dài hàng năm. Trong khi ở Nhật Bản, khi doanh nghiệp muốn đầu tư thì chỉ cần xin giấy phép tại một tỉnh thì cũng có thể hoạt động tại các tỉnh khác. Nhưng phía Việt Nam thì không phải vậy. Doanh nghiệp xin đầu tư ở Hà Nội thì chỉ được làm ở Hà Nội. Như vậy gần như tạo bức tường ngăn trở đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài.

Có thể nhận thấy, không chỉ tại Việt Nam, mà ngay tại Nhật Bản, các DNVVN cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, với số lượng chiếm tới 99,7%. Với làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Nhật Bản, Việt Nam đang có cơ hội hợp tác lớn với các doanh nghiệp Nhật Bản trong giai đoạn mới. Việc hợp tác với Nhật Bản sẽ đem lại cho Việt Nam nguồn vốn dồi dào, công nghệ kỹ thuật sản xuất tiên tiến và trình độ quản lý cao hơn.


Đức Dũng


Đẩy mạnh thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sáng 25/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử và Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng đã ký Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2014 - 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN