Áp dụng tiến bộ khoa học phát triển thủy sản bền vững

Để phát triển thủy sản bền vững, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai nhiều chủ trương chính sách, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, khai thác thủy sản. Năm 2022, ngành nông nghiệp phấn đấu tỷ lệ diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững đạt 5,5%.

Chú thích ảnh
Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia thả con giống thủy sản nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, sáng 1/4/2022. 

Nhiều chủ trương, chính sách phát triển

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản, trong những năm quan UBND tỉnh đã ban hành các chủ trương, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Đặc biệt chú trọng ở các vùng cửa biển và ngoài biển đảo. Những vùng này thích hợp cho việc phát triển các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao bằng hình thức nuôi lồng bè… UBND tỉnh cũng đã có chủ trương cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống thủy, hải sản nuôi biển trên địa bàn.

Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện để người dân đa dạng hóa đối tượng nuôi, phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp, đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng…Bên cạnh đó, hàng năm đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân khai thác đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững, không sử dụng các hình thức đánh bắt tận diệt, ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản.

Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh, UBND đã ban hành một số văn bản để phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu khai thác trên biển. Để đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững, hiện tỉnh đang điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản theo hướng siết chặt quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển. Loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch, khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu...

“Ngoài hoạt động chuyên môn, hàng năm, Chi cục Thủy sản cũng tổ chức các hoạt động tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ngày 1/4 hàng năm, đơn vị tổ chức hoạt động thả cá giống, tôm giống về biển nhằm tái tạo, khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, tăng mật động quần thể các giống loài thủy sản đã bị khai thác quá mức. Qua đó, tạo sự cần bằng sinh thái, ổn định quần thể giống loài trong các thủy vực, lưu vực tự nhiên. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm….”, ông Thi thông tin thêm.

Hướng tới phát triển bền vững

Với diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 6.300ha, những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh không chỉ có khả năng tạo ra đột phá kinh tế, góp phần tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu thủy sản, mà còn giúp giảm áp lực trong khai thác thủy sản xa bờ.

Với lợi thể mặt nước, trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người nuôi trồng thủy sản về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa trong nuôi trồng thủy sản.

Song song đó, Chi cục Thủy sản cũng tích cực hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào qua trình sản xuất. Đặc biệt, sử dụng các loại vật liệu sản xuất thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao như, nuôi hàu Thái Bình Dương trên giá thể tre thay cho tấm lợp xi măng hoặc lốp cao su; nuôi cá bằng lồng bè tròn nhựa công nghệ Na Uy; nhuộm lưới chống bám bẩn; làm mái che giảm nhiệt độ, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động mặt nước…

Ông Phan Hoàng Sơn, chủ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu cho biết, được địa phương và cán bộ ngành nông nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn, ông đã áp dụng nuôi cá biển trong lồng tròn theo công nghệ của Na Uy thay thế cho phương pháp nuôi cũ. Theo ông Biên, uu điểm của lồng nuôi theo công nghệ Na Uy là được sản xuất bằng chất liệu nhựa HDPE cực kỳ bền, có độ kín nước, kín hơi cao. Ngoài ra, lồng này có khả năng chống lại hóa chất cao và không bị ăn mòn, gỉ sét. Đặc biệt có khả năng uốn dẻo nên dễ dàng định hình, không bị gãy khi gặp địa hình gồ ghề hay gấp khúc…

Nhờ những đặc tính trên, hệ thống lồng nuôi này cho phép người nuôi đặt lồng ở những vùng biển xa bờ, nơi môi trường nước trong sạch, hạn chế được nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh, mang lại hiệu quả cao hơn khoảng 20% so với cách nuôi trong lồng truyền thống.

Tỉnh cũng chú trọng phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp ở các huyện Đất Đỏ, thành phố Bà Rịa và nuôi lồng bè tại thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ. Hiện tỉnh có khoảng 3.900ha mặt nước đang nuôi các loại tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh cho thấy, đến nay tỉnh có 17 cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 400ha/2.500 tấn/năm. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao đất lót bạt, hoặc các hồ tròn khung thép có lót bạt trong nhà màng; công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ nuôi 250-500 con/m2…

Các cơ sở thường nuôi theo hình thức gối đầu, vì vậy một năm có thể nuôi được từ 3 đến 5 vụ. Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển mở rộng diện tích. Tỷ lệ nuôi tôm thành công hơn 90% và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao đất.

Ông Bùi Thế Vương, xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết, hiện ông đang đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích 7ha; trong đó, có 1,5ha ao nuôi chính, diện tích còn lại là ao lắng, lọc và xử lý nước thải. Theo ông Vương, với việc ứng dụng công nghệ cao, sẽ sản xuất được 3-5 vụ tôm mỗi năm, gấp đôi so với phương pháp nuôi thông thường, tỷ lệ hao hụt cũng giảm hẳn và quan trọng là hạn chế được dịch bệnh.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, trong những năm qua, tỷ lệ diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững không ngừng tăng lên. Nếu như trong năm 2020, tỷ lệ này đạt 4,2% thì năm 2021 đạt 4,9%. Năm 2022, ngành nông nghiệp phấn đấu tỷ lệ này sẽ đạt 5,5%.

Bên cạnh phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân khai thác thủy sản theo hướng bền vững. Theo đó, ngành tập trung triển khai thực hiện cơ cấu, tổ chức sắp xếp lại tàu thuyền theo hướng giảm theo quy hoạch; quản lý, chặt chẽ đóng mới, cải hoán tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch được giao.

Đặc biệt, ngành đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp tái tạo nguồn lợi thủy sản, chủ động tuyên truyền cho ngư dân hoạt động khai thác hải sản ven bờ vùng biển của tỉnh nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là những tàu cá hành nghề  gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản. Sở cũng khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất lớn để vươn ra khai thác tại các ngư trường xa bờ, tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ cộng đồng trong đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề.

Tin, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Các địa phương thả hàng triệu con giống tái tạo nguồn thủy sản
Các địa phương thả hàng triệu con giống tái tạo nguồn thủy sản

Nhân Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, sáng 1/4, tại Cảng Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, UBND huyện Trần Đề tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN