Ách tắc hàng loạt dự án dưới tán rừng ở Lâm Đồng

Cho đến thời điểm này, hàng chục doanh nghiệp đầu tư các loại hình sản xuất, kinh doanh dưới tán rừng ở Lâm Đồng vẫn đang “nóng ruột” chờ UBND tỉnh cho phép triển khai các dự án tại địa bàn.

Đây là những doanh nghiệp đã được UBND tỉnh ra văn bản thống nhất chủ trương cho phép lập hồ sơ, dự án thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, công viên rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng… từ năm 2021 đến nay, nhưng chưa được phê duyệt dự án vì vướng mắc các thủ tục, pháp lý.

Chú thích ảnh
Trường đua ngựa không yên của người Tây Nguyên ở Khu du lịch dưới tán rừng Ma Rừng Lữ Quán 2 Lạc Dương- Lâm Đồng.

Nhiều vướng mắc về thủ tục, pháp lý

Theo quy trình thực hiện, bước đầu các doanh nghiệp phải xây dựng phương án, trình các cấp các ngành thẩm định và UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép được lập dự án cho thuê môi trường rừng (MTR). Tiếp đó, nhà đầu tư sẽ lập dự án thuê môi trường rừng trình cấp có thẩm định và UBND phê duyệt. 

Theo các doanh nghiệp, ngay sau khi được tỉnh cho phép, họ đã khảo sát, xây dựng phương án chi tiết, họa đồ kèm theo trình các ban ngành. Tuy nhiên, đến bước lập dự án thì đã bị ách tắc bởi điều kiện cần phải có Phương án Quản lý bảo vệ rừng và Đề án du lịch của các chủ rừng do UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt làm cơ sở và căn cứ lập và trình. Đến nay, đã có một số chủ rừng là Ban Quản lý rừng, Công ty Lâm Nghiệp tại các huyện, thành phố xây dựng, trình Phương án Quản lý bảo vệ rừng và Đề án du lịch để các ban ngành thẩm định và UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Tuy nhiên cho đến nay các phương án và đề án này đều chưa được duyệt với lý do Quy hoạch bảo vệ và phát triển 3 loại rừng của tỉnh Lâm Đồng chưa được phê duyệt nên chưa xác định được ranh giới rừng.

Chú thích ảnh
Tour du lịch leo núi thăm cây thông ngàn năm trong Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà- Lâm Đồng

Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hợp Doanh (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết: Doanh nghiệp của ông được UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản thống nhất chủ trương cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng từ tháng 9/2021. Dự án của ông khá độc đáo là xây dựng một Công viên thời cổ đại với quy mô gần 20 ha ở phường 8 (thành phố Đà Lạt). Để dự án này thành công, doanh nghiệp không những tuyệt đối bảo vệ môi trường rừng sẵn có, mà còn phải trồng thêm nhiều loại cây đặc trưng cho kỳ cổ đại cho phù hợp với bối cảnh. Mặc dù doanh nghiệp rất nóng lòng để triển khai, nhưng đến nay sau hơn 2 năm doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện do vướng mắc các thủ tục pháp lý trên nên vô cùng sốt ruột.

Tương tự, ông Đỗ Gia Định, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và dịch vụ Thương mại Thái Thịnh (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cho biết, ông tham gia đầu tư 2 dự án tại tỉnh Lâm Đồng. Đó là Dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dã ngoại kết hợp quản lý bảo vệ rừng với quy mô 66ha ở thành phố Đà Lạt và Dự án trồng dược liệu dưới tán rừng với quy mô 270ha ở Nam Ban - Mê Linh thuộc huyện Lâm Hà. Mặc dù đã được UBND tỉnh ra văn bản thống nhất chủ trương cho doanh nghiệp lập hồ sơ thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái và sản xuất dược liệu dưới tán rừng từ tháng 7/2022; nhưng cho đến nay, doanh nghiệp không thể thực hiện các bước tiếp theo để triển khai dự án do vướng mắc thủ tục pháp lý…

Còn theo bà Đỗ Thị Thu Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thương mại Du lịch Minh Anh (địa chỉ thị xã Sơn Tây, Hà Nội), cũng được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép lập hồ sơ  thuê MTR để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí từ tháng 7/2022 với quy mô 80 ha tại phường 7, Đà Lạt nhưng thủ tục toàn bộ dự án của các doanh nghiệp đều đang mắc do Quy hoạch bảo vệ và phát triển 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng (mới) chưa được phê duyệt. Tuy nhiên Quy hoạch rừng tại Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 09/10/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng “về việc phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2030”, theo Luật Quy hoạch thì giai đoạn này (năm 2024) vẫn còn giá trị và hiệu lực thi hành. Các doanh nghiệp đặt câu hỏi: Tại sao UBND tỉnh Lâm Đồng lại không cho các Ban Quản lý rừng thực hiện theo Quyết định này? Tại sao việc rà soát để phê duyệt Quy hoạch mới kéo dài tới 2 năm mà chưa xong?... 

Tỉnh cam kết giải quyết sớm

Trước những vướng mắc trên, các nhà đầu tư kinh doanh dưới tán rừng đã đồng loạt kiến nghị tỉnh Lâm Đồng cho phép các Ban Quản lý rừng và các ban ngành liên quan được sử dụng hồ sơ quy hoạch bảo vệ và phát triển 3 loại rừng theo giai đoạn quy định tại Quyết định số 2016, lấy làm cơ sở và căn cứ để thực hiện bởi hiện nay, nhiều địa phương khác như tỉnh Ninh Bình cũng đang áp dụng cách này. Từ đó làm cơ sở để các doanh nghiệp lập và thực hiện dự án, để không bị chậm trễ về thời gian và thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và lãng phí tài nguyên của tỉnh.

Chú thích ảnh
Khung cảnh khu du lịch dưới tán rừng Ma Rừng Lữ Quán 2 tại Lạc Dương- Lâm Đồng.

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, mới đây ông Ngô Văn Ninh - Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trước đây, trong Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp đã có những quy định sơ bộ, cơ bản liên quan đến cho doanh nghiệp thuê MTR. Tuy nhiên, cả nước hiện chưa có tỉnh nào thực hiện được. Tỉnh Lâm Đồng cũng rất mạnh dạn, mày mò để triển khai theo Nghị định này, nhưng hiện nay các thủ tục thực hiện đều liên quan đến quy hoạch tỉnh. Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê quyệt Quy hoạch này, như vậy các quy hoạch khác trước đó nghiễm nhiên hết hiệu lực, nên không thể áp dụng theo kiến nghị của các doanh nghiệp. “Sau khi quy hoạch mới có hiệu lực, tỉnh sẽ rà soát, tích hợp quy hoạch của tỉnh vào để điều chỉnh ranh giới 3 loại rừng theo đúng quy định”, ông Ninh khẳng định.

Bên cạnh đó, tại văn bản số 1322/BNN-LN trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156 theo hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp; trong đó cho phép thuê MTR để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Bộ NN &PTNT cho biết đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP để phù hợp với quy định tại Điều 248 Luật Đất đai năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp năm 2017, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành trong quý I. Dự thảo Nghị định đã bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với các pháp luật có liên quan, trong đó có quy định về cho thuê MTR để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Chú thích ảnh
Du khách thưởng thức bữa trưa trong một tour du lịch dưới tán rừng của Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà- Lâm Đồng.

Cũng theo ông Ninh, khả năng trong quý 1/2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định 156, trong đó có nội dụng cho thuê MTR. Khi có Nghị định mới phù hợp, đồng bộ với Luật Đất đai, Lâm Đồng sẽ triển khai các dự án dạng này. Trước đây, tỉnh Lâm Đồng tưởng sẽ triển khai được ngay nên mới ban hành các văn bản đồng ý về chủ trương cho các doanh nghiệp thuê MTR. Tuy nhiên do các thay đổi trên, nên UBND tỉnh cũng như các đơn vị chủ rừng và doanh nghiệp cần thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tới đây khi có Nghị định mới sửa đổi bổ sung, chắc chắn tỉnh sẽ sớm đưa vào thực hiện. Trước lo ngại của các doanh nghiệp về việc có bị xử phạt, bị thu hồi dự án do chậm thực hiện tiến độ không, Người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết chắc chắn không có chuyện này, vì các doanh nghiệp chưa ký kết các hợp đồng với chủ rừng, nên chưa có thời hạn mốc để căn cứ thực hiện.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Phê duyệt dự án trồng nấm chi đỏ dưới tán rừng keo lai và cà phê
Phê duyệt dự án trồng nấm chi đỏ dưới tán rừng keo lai và cà phê

UBND tỉnh Quảng Trị vừa quyết định phê duyệt thực hiện dự án “Mô hình trồng nấm chi đỏ dưới tán rừng keo lai và cà phê” năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN